• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Hạnh phúc nhất là dù không còn được làm thầy nữa mà vẫn được gọi là “thầy“

Thời sự 07/08/2018 16:45

(Tổ Quốc) - Trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có dịp về thăm và trò chuyện cùng ông  - "cha đẻ" của phong trào Nghìn việc tốt -  Anh hùng lao động – Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, về những vấn đề "nóng" của ngành giáo dục nước nhà, đặc biệt xung quanh câu chuyện đạo đức, lương tâm và trách nhiệm của người thầy.

Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn

Nghìn việc tốt - biểu tượng niềm tin của giáo dục

Nếu chưa gặp, chưa biết có lẽ không ai nghĩ năm nay Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn đã ngót nghét 80. Khoác trên mình màu ào xanh “tình nguyện”, dường như ông càng phong độ và tinh anh hơn ở cái tuổi xưa nay hiếm này.

Với ông, bất cứ khi nào nhắc đến phong trào đoàn đội, đến trường lớp, học trò là bầu nhiệt huyết lại trào dâng, giống như cái ngày nào, cách đây hơn 50 năm về trước. Thời ấy, chuẩn bị bước vào năm học mới (1961 – 1962), thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Thìn nhận được quyết định về công tác tại trường cấp 2 Liên Sơn (Tam Sơn ngày nay). Để rồi chính từ ngôi trường ấy, phong trào Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự được ra đời. Phong trào thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự do thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Thìn phát động nhằm mục đích giáo dục học sinh – thế hệ trẻ, tri ân một người thầy, người cán bộ cộng sản ưu tú của quê hương – đồng chí  Ngô Gia Tự. 

Nhớ lại những ngày ấy,  Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn xúc động nói: “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự là biểu tượng của niềm tin về giáo dục và cách mạng. Cuộc đời thầy giáo Ngô Gia Tự là tấm gương sáng để các thế hệ học trò noi theo. Ngô Gia Tự là người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc của Đảng ta, là nhà giáo cách mạng cũng chính là tấm gương sáng cho cả nước, chứ đâu riêng gì mảnh đất Tam Sơn”.

Từ phong trào Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự tại mái trường Tam Sơn, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn – Tổng phụ trách đội của nhà trường đã cùng với các đội viên của mình duy trì, phát triển thành phong trào Nghìn việc tốt.

Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự hay phong trào Nghìn việc tốt, tất cả đều gắn với hoạt động đoàn, với cuộc sống thường ngày của các em học sinh, chứ không phải ở “xa vời đâu đâu”. Chỉ đơn giản như việc thay nhau cõng một người bạn chẳng may bị đau chân đi học; Cùng nhau đẩy xe thóc cho cụ bà lên dốc; Cùng nhau làm sạch đường làng ngõ xóm, làm sạch trường lớp….

“Ở lứa tuổi của các em học sinh, các em, các cháu có rất nhiều năng lượng tuyệt vời. Năng lượng ấy ngoài việc dành cho học tập – nhiệm vụ chính, thì cần phải biết phát huy và sử dụng nó vào những việc làm có ích, nếu không sẽ trở thành vô ích và phí hoài. Làm  nghìn việc tốt/Cùng trừ việc xấu/Cộng nhân yêu thương/Chia niềm thông cảm”, Thầy Nguyễn Đức Thìn hồ hởi chia sẻ.

Phong trào Nghìn việc tốt, ngay sau đó (1963) đã được phát triển và nhân rộng ra trên phạm vi cả nước. Các địa phương, hưởng ứng nhiệt tình phong trào này, không chỉ dừng lại ở nhà trường, nhiều nơi còn vận dụng Nghìn việc tốt vào trong hợp tác xã, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, thi đua lao động, sáng tạo…Đặc biệt, phong trào Nghìn việc tốt đã vượt ra khỏi phạm vi biên giới, được bạn bè các nước học tập...

Phong trào cũng đã thực sự trở thành hoạt động đoàn đội sôi nổi, nhiệt tình và bổ ích trong nhà trường, không chỉ đối với các thế hệ học sinh mà ngay cả đối với các thầy cô giáo đứng trên bục giảng. Các thầy cô cùng nhau thi đua, sáng tạo, tìm tòi và tâm huyết với bài giảng với trường lớp hơn….

"Lương sư  hưng quốc"

Ở độ tuổi gần 80, thầy Thìn vẫn rất tâm đắc và tâm huyết với trường lớp, với các thế hệ học trò

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn cho rằng, đối với cuộc đời của một người thầy, điều hạnh phúc và vinh dự nhất là dù không còn được làm thầy nữa mà vẫn được gọi là "thầy" một cách trân trọng. Nghề giáo luôn là một nghề cao quý và được xã hội tôn vinh.

Thầy cô giáo là người truyền tải và đem những tri thức đến với các thế hệ học trò của mình, bằng tình cảm, tâm huyết. Chính điều này đã góp phần tạo nên những con người tài năng, bản lĩnh có đủ sức làm rạng danh non sông, đất nước….Điều này đã được chứng minh rất rõ ràng qua truyền thống lịch sử của dân tộc.  Thời nào cũng đều có những người thầy ưu tú, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

“Lương sư hưng quốc”, tức là cái tâm, cái đức của người thầy góp phần hình thành nên những thế hệ học trò – những con người làm nên sự giàu mạnh, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Do đó, cái tâm, cái đức cùng trách nhiệm của người thầy giáo, cô giáo phải đủ trong sáng, đủ chuẩn chỉ thì mới có thể giáo dục và đào tạo con người được.

Trong quá trình đi học, ngoài học kiến thức, các em học sinh còn học thái độ, cách ứng xử từ chính các thầy cô của mình. Thầy cô là những người có ảnh hưởng đến quá trình nhận thức của các em nhiều nhất. Chính vì thế, thầy cô phải luôn trung thực, bao dung, quan tâm đến học sinh... Thầy cô phải là tấm gương sáng để các em soi vào, gửi gắm niềm tin, xác định mục tiêu của cuộc sống để rồi phấn đấu.

“Chúng ta không phải tìm ở đâu xa lạ, Chủ tịch Hồ Chí Minh – thầy giáo Nguyễn Tất Thành là ví dụ tiêu biểu về tấm gương, nhân cách đạo đức của người thầy. Từ thầy Nguyễn Tất Thành, đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã góp phần đào tạo nên một thế hệ những con người ưu tú, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cao đẹp là tự do, độc lập của tổ quốc. Bác không dạy, không nói những điều cao xa mà chỉ nói những điều rất cụ thể, gần gũi. Giáo dục của chúng ta cứ đổi mới, cải cách nhưng không hiểu, không thấu bản chất cốt lõi của vấn đề thì không mang lại kết quả tốt đẹp mà còn lãng phí tiền của, thời gian”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn phân tích.

Nhận định về nền giáo dục trong nước hiện nay, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Đức Thìn cho rằng, vẫn còn nhiều tồn đọng và bất cập, phát sinh nhiều vấn đề khiến cho dư luận, xã hội bức xúc như: gian lận thi cử, thiếu công bằng, bạo hành học sinh, chạy trường, chạy điểm…Dù vậy, đây chỉ là những trường hợp cá biệt, những "con sâu làm rầu nồi canh". Ngành giáo dục vẫn còn nhiều những tấm gương sáng, những thầy cô hết mình với học trò, những phong trào đoàn thể sôi nổi, mạnh mẽ….Giống như dòng sông vậy, qua mưa lũ lại trở về lấp lánh, trong xanh. Tất cả rác rưởi, vẩn đục đều sẽ được gột sạch và lắng đọng.

“Niềm tin giáo dục hẳn không chỉ nhìn nhận thông qua những sự việc cụ thể nào đó mà chắc chắn cần phải nhìn nhận cả quá trình, trong đó có những việc làm và cống hiến của nhiều nhà giáo. Tôi tin rằng, cũng giống như phong trào Nghìn việc tốt, nếu bản thân các thầy cô cũng tự rèn giũa mình để mình trở thành một người tốt với đầy đủ phẩm chất, đạo đức thì những tiêu cực của ngành giáo dục sẽ được loại bỏ”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn chia sẻ./.

Bài, ảnh: Vi Phong

 

 

 

 

 

 

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ