(Tổ Quốc) - Mỗi ngành đều có những “lời thề” riêng. Ví như nghề y có lời thề y đức. Với ngành giáo dục, thầy cô giáo phải sống mô phạm, trung thực, đối xử công bằng với học sinh...
- 18.07.2018 Sự giả dối trong giáo dục đã đạt đến đỉnh điểm
- 23.07.2018 Gian lận thi cử Hà Giang: “Tôi không tin một mình ông phó phòng khảo thí có thể làm được việc này“
- 25.07.2018 “Cần một cuộc đại phẫu thuật đối với toàn ngành giáo dục”
- 01.08.2018 “Không phải tất cả thầy cô đều vì tiền, có rất nhiều người tâm huyết”
Nhà giáo Nhân dân Phạm Ngọc Quang, nguyên ĐBQH khoá 9, nguyên PGĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá, nguyên Hiệu trưởng trường PTTH chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá) đã chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về sự xuống cấp đạo đức của ngành giáo dục, về nỗi buồn, day dứt khi phải chứng kiến cuộc sống hiện đại đang ngày một cuốn phăng đi những phẩm chất đáng quý mà vốn dĩ những người thầy cô cần phải có.
Nhà giáo Nhân dân Phạm Ngọc Quang, nguyên ĐBQH khoá 9, nguyên PGĐ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá, nguyên Hiệu trưởng trường PTTH chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá). Ảnh: Minh Khánh |
Một số thầy, cô không thực hiện đúng “lời thề” của ngành giáo dục
-Thưa thầy, với góc nhìn của một người thầy đã nhiều năm đứng trên bục giảng, lại từng làm quản lý... thầy nhận định thế nào về đạo đức trong ngành giáo dục hiện nay, đặc biệt qua những vụ việc về gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT gây chấn động dư luận vừa qua?
+ Những vụ việc tiêu cực xảy ra vừa qua là điều đáng buồn cho ngành giáo dục. Bên cạnh những mặt được của ngành giáo dục như những đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Quốc tế các môn: Toán, Vật lý, Hoá học Sinh học và sắp tới là Tin học... đạt được kết quả rực rỡ khiến thế giới phải kính nể thì giáo dục đại trà của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề phải suy ngẫm.
Một trong những yếu kém, tồn tại của ngành giáo dục là vấn đề đạo đức nhà giáo. Nổi cộm nhất là những vụ việc gian lận điểm thi gây chấn động dư luận đang diễn ra. Gian lận thi cử trước kia cũng có nhưng không đồng loạt, ồ ạt và không đến mức kinh khủng, có hệ thống như những vụ việc đang diễn ra tại Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình. Trước kia, không ai dám nâng bài thi từ 1 thành 9 điểm mà cùng lắm chỉ nâng thêm nửa điểm hoặc 1 điểm. Và hiện tượng này cũng chỉ xảy ra với những giáo viên trực tiếp chấm bài... chứ không xảy ra với những người quản lý – vốn là những người có vai trò, có trách nhiệm. Điều này cũng đồng thời chứng tỏ đạo đức nhà giáo đang có vấn đề.
Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tiêu cực này. Dù sao thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho địa phương chấm thi là không nên bởi sẽ có những nơi thực hiện không nghiêm túc.
Ngoài ra, “vấn đề” trong đạo đức nhà giáo còn do tác động một phần của xã hội. Bên cạnh những người thầy tốt, những đảng viên mẫu mực, những con người tận tuỵ với đất nước thì vẫn có “một bộ phận cán bộ” có đạo đức không tốt, chỉ biết vun vén cho cá nhân mình bằng mọi cách, mọi giá, trong đó bao gồm có cả lĩnh vực giáo dục. Có thể do tác động của cơ chế thị trường, của đồng tiền đã làm hư hỏng phẩm chất đạo đức của những cán bộ đó.
Mỗi ngành đều có những “lời thề” riêng. Ví như nghề y có lời thề y đức. Còn ngành giáo dục, thầy cô giáo phải sống mô phạm, trung thực, đối xử công bằng với học sinh...Tuy nhiên, những vụ việc tiêu cực trong thi cử vừa qua tại Hà Giang, Hoà Bình... đã cho thấy rằng, họ tuy là thầy giáo nhưng lại không thực hiện đúng với những “lời thề” đặt ra trong ngành giáo dục.
Tôi cho rằng, đây là điều đáng tiếc.
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn tới tình trạng tiêu cực như hiện nay còn bắt nguồn từ việc ngành giáo dục mở ồ ạt những trường sư phạm. Cách đây 20-30 năm, việc tuyển chọn sinh viên sư phạm rất nghiêm túc. Ngoài việc đạt điểm chuẩn, họ còn được xem xét về mặt đạo đức. Thế nhưng sau đó Bộ Giáo dục và Đạo tạo đã cho phép nhiều nơi đào tạo ngành sư phạm ồ ạt, thậm chí có nơi lấy điểm chuẩn chỉ 2-3 điểm. Như vậy, bản thân ngành sư phạm đã đào tạo ra những giáo viên không đủ phẩm chất, năng lực.
Những năm chúng tôi đi học, vấn đề đạo đức rất được quan tâm. Khóa đại học của chúng tôi trượt gần 50%. Những học sinh bị trượt đều phải học lại thêm 1 năm nữa. Còn bây giờ gần như cứ đỗ vào đại học đều được tốt nghiệp. Hậu quả là chất lượng đào tạo chưa đạt. Vẫn còn nhớ, ngày tôi còn công tác ở Sở Giáo dục Thanh Hoá, tôi thường đi dự giờ và thấy số lượng giáo viên dạy giỏi rất ít, thường là không đạt như mong muốn mà mình đặt ra. Điều này khiến tôi vô cùng băn khoăn.
Thêm một nguyên nhân nữa khiến đạo đức người thầy xuống cấp còn do sự tác động của phụ huynh. Họ mong muốn con họ vào đại học bằng mọi giá dù năng lực chưa đủ. Điều này dẫn đến tình trạng thầy nhiều thợ ít, mà thầy thì chuyên môn không vững.
Tôi cho rằng, những tiêu cực trong ngành giáo dục đã đến lúc cần phải báo động. Đạo đức người thầy xuống cấp là "bài ca buồn".
-Thầy nhận định đạo đức nhà giáo đang có vấn đề. Vậy điều này liệu có bắt nguồn từ căn bệnh thành tích? So với thời kỳ thầy còn công tác thì căn bệnh thành tích này hiện nay trầm trọng tới mức nào? Nó mang lại những hậu quả gì?
+ Thi đua thì phải nghĩ đến thành tích, nhưng vấn đề là thành tích có xứng đáng hay không? Có ngang tầm với kết quả mình đạt được hay không? Còn nếu đáng 8 mà nâng lên 10 thì người ta gọi là bệnh thành tích. Tất nhiên đối với vụ việc nâng điểm tại Hà Giang, Hoà Bình... thì chỉ một phần là thành tích thôi, vì đối tượng học sinh được nâng điểm đa phần là con em lãnh đạo, quan chức của tỉnh, con nhà giàu...
Tôi cho rằng, đạo đức nhà giáo xuống cấp có một phần bắt nguồn từ căn bệnh thành tích. Trước đây, khi tôi còn công tác cũng đã có những thời điểm xuất hiện hiện tượng của bệnh thành tích. Ví như có những trường chưa đủ điều kiện đạt trường chuẩn quốc gia nhưng lại “mông má” để được đạt chuẩn. Hoặc ví như để đạt được trường chuẩn quốc gia thì phải có 10 tiêu chí trong khi có những trường chỉ đạt 8 tiêu chí thôi nhưng vẫn được công nhận, còn lại là nợ 2 tiêu chí. Nhưng 2 tiêu chí còn nợ này thì trường đó ì ạch mãi không trả nợ được.
Hoặc có hiện tượng khi thi tốt nghiệp các trường đều muốn học sinh đỗ 100%. Tuy nhiên trước kia thành tích chỉ là hiện tượng, bộc lộ ít hơn, chỉ một số nơi và một bộ phận nào đó còn hiện nay đã trở thành một vấn nạn, một căn bệnh trầm kha. Tất nhiên điều này không chỉ xảy ra trong ngành giáo dục mà còn xảy ra trong nhiều ngành khác nữa.
Để ngăn chặn điều này, tôi cho rằng, trong công tác thi đua Bộ cần phải chặt chẽ hơn, nhìn vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Trước đây nói đến các danh hiệu: Nhà giáo Nhân dân, Nghệ sĩ Nhân dân... người ta trân trọng lắm nhưng gần đây thì phần nào danh hiệu đã bị xem thường chỉ vì có những trường hợp không xứng đáng nhưng vẫn “chạy” để được nhận những danh hiệu vốn dĩ rất cao quý này.
Những tiêu cực trong ngành giáo dục đã đến lúc cần phải báo động. Đạo đức người thầy xuống cấp là "bài ca buồn". Ảnh: Minh Khánh |
-Cuộc sống đang mỗi ngày trở nên đủ đầy và hiện đại hơn. Sự phát triển mạnh mẽ và tốc độ đã phần nào cuốn theo những điều đáng quý, đáng trân trọng trong đạo đức nhà giáo. Thầy có thể chia sẻ về điều này?
+Hiện có một bộ phận giáo viên tại khu vực các thành phố, thị xã... có thu nhập cao, có cuộc sống kiểu cách này khác... Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, miền núi, các thầy, cô giáo vẫn đang có cuộc sống khá vất vả, chật vật bởi mức thu nhập còn thấp. Ngoài đồng lương ra họ không có thu nhập gì khác nên phải làm thêm nghề nông, làm vườn và họ bằng lòng với cuộc sống như vậy.
Tôi nhận thấy trong ngành giáo dục các cấp hiện vẫn có những tấm gương rất tận tuỵ với học sinh, lăn lộn với công việc, tất cả vì học sinh thân yêu, đặc biệt là những giáo viên vùng cao.
Dù vậy, bức tranh giáo dục hiện tại cũng rất phức tạp. Thời chúng tôi làm việc vào những năm 2000 cũng bắt đầu xuất hiện tình trạng thừa giáo viên, thừa ở tỉnh này nhưng lại thiếu ở tỉnh kia. Chính vì đào tạo thừa nên đã manh nha xuất hiện tình trạng “chạy chọt” để được tuyển vào ngành tại nơi mà mình mong muốn.
Sau đó, Bộ Giáo dục và Đạo tạo vẫn tiếp tục mở rất nhiều trường sư phạm, cho phép đào tạo sư phạm ồ ạt mà không nhận thấy rằng tốc độ tăng dân số của chúng ta đang chậm lại. Thậm chí dân số ở khu vực nông thôn còn giảm, dẫn tới số trẻ em đi học giảm, số trường học bị co lại. Trong khi đó, việc đào tạo giáo viên sư phạm thì vẫn diễn ra dẫn đến thừa giáo viên, tốt nghiệp nhưng không xin được việc làm.
Trong hoàn cảnh đó chỉ cần có một chút tiêu cực thôi là những giáo viên giỏi, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm loại giỏi cũng sẽ bị đánh bật ra, thành ra tiêu cực bắt đầu từ khâu tuyển giáo viên.
Chưa kể nhiều giáo viên do mất khoản tiền lớn để “chạy” việc nên trong giảng dạy chỉ nghĩ làm sao kiếm bù lại số tiền mình đã mất chứ không tập trung rèn luyện, bồi dưỡng chuyên môn.
Nói đến tiêu cực trong giáo dục thì ngày nay, chuyện “mất tiền” để làm hiệu trưởng, hiệu phó cũng có. Thời tôi còn công tác nếu đề bạt một người lên làm hiệu trưởng, hiệu phó... thì về cơ bản là làm “vô tư”. Chỉ có sau khi đề bạt xong người ta đến nhà mình vào dịp ngày lễ, ngày Tết để cảm ơn... rất giản dị và chân thành. Tuy nhiên, bây giờ thì khác. Đây cũng là điều đáng buồn.
Tất nhiên, việc “chạy chọt” để làm lãnh đạo không chỉ trong ngành giáo dục mà còn xảy ra ở nhiều ngành khác.
Nếu tôi còn trẻ, có tiền thì tôi cũng cho con ra nước ngoài học
-Quá nhiều những tiêu cực trong ngành giáo dục đã khiến ngày càng nhiều gia đình lựa chọn cách cho con đi nước ngoài để được tiếp cận môi trường giáo dục tốt hơn. Quan điểm của thầy về điều này?
+ Quan điểm của phụ huynh như vậy cũng có phần đúng. Tôi mà còn trẻ, có tiền thì tôi cũng cho con ra nước ngoài học. Phụ huynh có những quyết định như vậy vì họ không tin vào chất lượng của giáo dục Việt Nam.
Thậm chí có những người làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nói với tôi rằng họ gửi con đi du học tại nước ngoài. Cần phải hiểu rằng, vấn đề ở đây không chỉ là học chữ mà những phụ huynh đó mong muốn lựa chọn cho con họ môi trường giáo dục tốt, trong đó bao gồm cả các yếu tố như: kỹ năng giao lưu, tiếp xúc với xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, vấn đề môi trường...
Nếu tôi còn trẻ, có tiền thì tôi cũng cho con ra nước ngoài học. Ảnh: Minh Khánh |
Qua theo dõi thì thấy rằng, vấn đề “tị nạn giáo dục” này cũng đã được các đại biểu Quốc hội đề cập rất nhiều tại các kỳ họp.
-Vậy theo thầy, ngành giáo dục cần phải làm những gì để chấn chỉnh lại đạo đức nghề nghiệp, lấy lại niềm tin cho xã hội và để truyền thống “tôn sư trọng đạo” luôn ý nghĩa?
+ Trước hết là vấn đề con người. Ngành giáo dục cần phải sàng lọc lại đội ngũ giáo viên. Song song với việc này phải giải quyết tận gốc vấn đề đào tạo sinh viên sư phạm. Tôi nhớ rằng, ông Nguyễn Bá Thanh khi còn là đại biểu Quốc hội từng phát biểu đất nước Việt Nam chỉ cần 3 trường sư phạm đặt tại 3 miền Bắc, Trung, Nam là đủ.
Tôi cũng phần nào đồng thuận với quan điểm này, đó là dồn trường đại học sư phạm lại làm sao cho số lượng ít đi nhưng chất lượng đào tạo phải thật chuẩn. Bên cạnh đó phải sàng lọc lại đội ngũ giáo viên, chắt lọc những giáo viên có phẩm chất đạo đức và chuyên môn.
Về chương trình sách giáo khoa, tôi thấy giáo dục nước mình cứ luẩn quẩn mãi. Lúc thì áp dụng theo nước này, nước kia, lúc lại tự biên soạn. Các nhà khoa học cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, từ đó đưa ra một chương trình phù hợp với Việt Nam.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng phải ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và an ninh trong nhà trường. Thủ đô Hà Nội lo xây dựng nhiều đô thị cao tầng nhưng đất đai dành cho trường học thì hạn chế, nhiều trường học không đủ diện tích, vô cùng chật hẹp. Tại sao Singapore có diện tích hẹp thế mà trường học của họ lại rất rộng rãi, ít nhất là 5 hecta trong khi một số trường học ở Việt Nam có diện tích quá nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng?
-Xin cảm ơn thầy!
Hà Giang