• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình chinh phục giải thưởng ở Mỹ của cậu học sinh trường làng

Giáo dục 22/05/2017 10:45

(Tổ Quốc) - Chứng kiến nhiều người khuyết tật do tai nạn bom mìn sinh hoạt rất khó khăn, cậu học trò quê Quảng Trị đã ấp ủ trong mình những ý tưởng sáng chế để giúp đỡ họ bớt vất vả trong cuộc sống.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Trị, một vùng quê nghèo còn chịu nhiều hậu quả của chiến tranh để lại. Được chứng kiến nhiều người khuyết tật do tai nạn bom mìn sinh hoạt rất khó khăn, cậu học trò xuất thân con nhà nông đã ấp ủ trong mình những ý tưởng sáng chế để giúp đỡ họ bớt vất vả trong cuộc sống.

Ý tưởng giúp đỡ người khuyết tật

Phạm Huy, học sinh lớp 11, Trường THPT TX. Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) là chủ nhân của sản phẩm “Cánh tay robot cho người khuyết tật”. Vừa qua, sản phẩm sáng chế của Huy đã đạt giải nhất tại Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Bắc năm học 2016 – 2017 và giải ba Cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật quốc tế năm 2017 được tổ chức tại Califonia (Mỹ).

Những giải thưởng liên tiếp từ các cuộc thi ở trong và ngoài nước đã mang lại niềm vui, niềm tự hào cho nhà trường, gia đình và bạn bè đặc biệt hơn nữa đã khẳng định được tài năng của người Việt Nam ở “sân chơi” quốc tế.

Phạm Huy và sản phẩm cánh tay robot dành cho người khuyết tật của mình.

Thế nhưng ít ai biết được để có những thành quả đó, hành trình của của cậu học trò trường làng vốn xuất thân là con nhà nông đã trải qua không ít những khó khăn, mồ hôi và cả nước mắt.

Trò chuyện với chúng tôi, Huy cho biết mình sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, một vùng quê nghèo của miền Trung còn chịu nhiều mất mát sau chiến tranh.

Từ nhỏ, Huy đã được chứng kiến nhiều người khuyết tật không chỉ do bom mìn mà cả tai nạn giao thông hay những khuyết tật bẩm sinh, nhưng do không có công cụ hỗ trợ nên việc sinh hoạt bình thường hết sức khó khăn.

“Một lần xem ti vi, em thấy có chương trình nói về cánh tay robot cho người khuyết tật do người Mỹ sáng tạo. Thế nhưng chi phí của cánh tay này quá đắt so với điều kiện của người Việt Nam nên từ đó em ấp ủ ước muốn chế tạo ra một cánh tay robot giá rẻ cho người khuyết tật”, Huy chia sẻ.

Ý tưởng sáng chế cánh tay robot được Huy ấp ủ từ năm học lớp 9, đến năm lớp 10 thì bắt đầu mày mò sáng chế. Đến năm 2016, sản phẩm của em hoàn thành.

Cánh tay robot của Huy được điều khiển bằng các vi mạch dưới lòng bàn chân có thể thao tác nhịp nhàng, úp ngửa, co duỗi ngón tay cẳng tay, cầm nắm những đồ vật nặng,.. Toàn bộ chi phí để làm nên cánh tay chỉ khoảng 3 triệu đồng.

Để đảm bảo tính ứng dụng vào thực tế, Huy cũng nhờ các nạn nhân bom mìn ở tỉnh Quảng Trị thử nghiệm. Hiệu quả và tính thực tế của sản phẩm đã nhận được những đánh giá rất tích cực.

Sản phẩm của em sau đó cũng liên tiếp đạt được nhiều giải cao khi tham dự các cuộc thi Khoa học – Kỹ thuật. Thành công nhất là giải 3 của cuộc thi Intel ISEF tại Mỹ, một cuộc thi quy tụ hơn 1.700 học sinh đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sản phẩm cánh tay robot của Phạm Huy.

Hành trình gian nan

Để có được thành công như ngày hôm nay, Phạm Huy cũng trải qua không ít khó khăn, trở ngại. Huy vốn là con út trong gia đình thuần nông, bố em làm nghề sửa xe máy, còn mẹ buôn bán ở chợ TX. Quảng Trị. Dù chỉ là cậu học sinh trường làng nhưng suốt 11 năm học, Huy đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Trước “Cánh tay robot cho người khuyết tật”, Huy cũng từng chế tạo nhiều sản phẩm khác, nhưng không phải sản phẩm nào của em cũng được ghi nhận.

Ông Phạm Xuân Đính (bố của Huy) cho biết: “Từ nhỏ Huy đã rất thích mày mò, khám phá. Nghe cháu tâm sự sau này sẽ chế tạo ra những sản phẩm có ích để giúp đỡ mọi người nên tôi cũng rất động viên ủng hộ. Con trai tôi vượt qua khe cửa hẹp mới đến được đất Mỹ và may mắn đạt giải. Thật sự tôi không thể nói thêm lời nào nữa, chỉ biết cảm ơn tất cả”.

Phạm Huy tại cuộc thi Intel ISEF tại Mỹ.

Trước đó, sau khi đạt giải nhất tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia khu vực phía Bắc. Phạm Huy và cánh tay robot cho người khuyết tật được Bộ GD&ĐT cử sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc tế vào giữa tháng 5/2017.

Tuy nhiên, Huy bị Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội từ chối cấp visa vào Mỹ sau hai lần phỏng vấn vì không đủ điều kiện khiến em có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội tham dự cuộc thi quốc tế.

Sau khi báo chí vào cuộc phản ánh, Huy đã được Đại sứ quán Mỹ gọi phỏng vấn lần thứ ba và cấp visa vào Mỹ khi thời điểm tổ chức cuộc thi chỉ còn được tính bằng giờ. Tham dự cuộc thi vào phút chót, sản phẩm của Huy đã đạt được giải ba, cao nhất trong 5 giải mà đoàn Việt Nam giành được.

Người thầy thầm lặng

Thầy Lê Công Long (giáo viên hướng dẫn Huy thực hiện đề tài “cánh tay robot”) cho biết, thật sự bất ngờ và sung sướng khi nghe tin Huy đạt giải. Thầy Long chia sẻ mình phát hiện ra khả năng của Huy trong một lần thấy em ngồi buồn ở hành lang lớp học do chiếc xe điều khiển bằng bluetooth Huy mang đi thi cuộc thi sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị không đoạt giải.

Sau khi kiểm tra chiếc xe, thầy đã thấy được khả năng sáng tạo của em. Khi biết đề tài “cánh tay robot” được trường chấp nhận mang đi thi cấp tỉnh, thầy Long đã xin làm người hướng dẫn.

Trước mỗi cuộc thi cấp tỉnh trở lên, Huy đều đến nhà thầy ở lại để thuận tiện cho việc nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm.

Nhận xét về học trò, thầy Long cho hay, Huy là học sinh rất có tài năng, không những vậy em cũng rất ngoan hiền, lễ phép và khiêm tốn. Huy giỏi cả phần cứng lẫn phần mềm và đề tài “cánh tay robot” được em dành nhiều tâm huyết nghiên cứu trước đó nhiều năm.

Phạm Huy và thầy giáo hướng dẫn Lê Công Long.

“Sau hai lần phỏng vấn và bị từ chối cấp visa, cả tôi và Huy đều quá buồn, có lúc đã nghĩ đến việc buông xuôi. May mắn là vẫn còn lần phỏng vấn thứ ba để Huy được đi thi và đạt giải. Tôi hy vọng sản phẩm này của em sẽ được đưa ra thực tế, giúp ích cho người khuyết tật”, thầy Long chia sẻ.

Sau khi tham dự cuộc thi ở Mỹ, ngày 22/5, Huy lên máy bay về nước. Chuyến bay dự kiến sẽ hạ cánh tại sân bay Nội Bài lúc 11h05 phút ngày 24/5.

Nói về những dự định tương lai của mình, Huy cho biết em sẽ tiếp tục phát triển đề tài “Cánh tay robot” và chia sẻ kiến thức cho những bạn cùng đam mê, nhưng trước hết là hoàn thành chương trình học phổ thông còn bỏ dở trong thời gian tập trung nghiên cứu và dự thi vừa qua.

“Em hy vọng sẽ có một tổ chức hay cá nhân nào đó chung sức với mình để phát triển đề tài này một cách hoàn thiện, sản phẩm có thể ứng dụng rộng rãi, giúp đỡ được nhiều người”, Huy cho biết thêm.

Thế Trung - Đức Hoàng

Thế Trung - Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ