(Tổ Quốc) -Chúng tôi lên Mường Khương, Lào Cai vào đúng dịp lạnh nhất từ đầu mùa đông tới giờ với những lời cảnh báo từ người thân, đừng đi, hoặc chỉ dừng ở TP Lào Cai thôi. Bởi thời tiết rất lạnh, lại còn mưa…
“Những bàn chân lặng lẽ” của cảnh sát phòng chống ma túy trên “cung đường nóng” Lào Cai
Những dòng tin ngắn ngủi về các chuyên án bắt hàng chục, hàng trăm bánh heroin những năm qua trên địa bàn Lào Cai mang lại niềm hân hoan cho người dân. Trong tưởng tượng của chúng tôi, “khắc tinh” của tội phạm ma túy trên tuyến đầu này sẽ là những khuôn mặt gai góc, ăn sóng – nói gió. Nhưng thật bất ngờ, đó lại là những con người bình dị với khuôn mặt hiền lành, ánh mắt nhẹ nhàng, nhân hậu thậm chí là những nụ cười rất e ngại trước ống kính phóng viên và ngại ngần khi chia sẻ hết sức khiêm tốn về bản thân. Đó cũng chính là những chiến sỹ công an nhân dân có thần kinh “thép”, trường kỳ đi “đánh án” vất vả, không một ngày nghỉ ngơi; có thể ngồi hàng chục giờ liền đấu tranh với tội phạm buôn “cái chết trắng”.
Báo Điện tử Tổ Quốc xin được gửi tới bạn đọc một góc quan sát nhỏ về những tấm gương, chiến công thầm lặng của các cán bộ, chiến sỹ cảnh sát điều tra tội phạm ma túy của Công an tỉnh Lào Cai. Đây cũng như một lời cảm ơn chân thành của những người làm báo Điện tử Tổ Quốc tới các chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ phên dậu - vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc, góp phần ngăn chặn “cái chết trắng”, mang lại cuộc sống thanh bình cho người dân…
Kỳ 1: Tuyến biên giới chưa lúc nào bớt “lạnh”
Chúng tôi lên Mường Khương, Lào Cai vào đúng dịp lạnh nhất từ đầu mùa đông tới giờ với những lời cảnh báo từ người thân, đừng đi, hoặc chỉ dừng ở TP Lào Cai thôi. Bởi thời tiết rất lạnh, lại còn mưa…
Nhưng không hề mảy may nao núng, chúng tôi bị cảm giác tò mò lẫn lực hấp dẫn lớn lao qua những câu chuyện bên lề về một nhân vật được coi là “khắc tinh” của tội phạm ma túy – Thượng tá Trần Quốc Huy, Trưởng Công an huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, người trước đó là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47, Công an tỉnh Lào Cai).
Vậy là sau khi chuẩn bị kỹ càng, cả nhóm chúng tôi xuất phát từ TP Lào Cai trong cơn mưa nặng hạt, cái rét buốt vào tận xương, mây thì như những tấm chăn xám khổng lồ phủ lên vạt rừng dọc tuyến đường…
Sau gần 2 giờ đồng hồ, Mường Khương tiếp chúng tôi bằng cái lạnh không thể nào lạnh hơn. Run lẩy bẩy trong bốn lớp áo, khăn khố dày sụ cũng không khiến chân có thể đứng vững. Nhưng bù lại, sự nhiệt huyết, tình cảm anh em cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Mường Khương đã giúp chúng tôi lấy lại khí thế, tinh thần và ấm lòng một cách nhanh chóng.
Thượng tá Trần Quốc Huy, Trưởng Công an huyện Mường Khương. |
Thượng tá Trần Quốc Huy vừa đón chúng tôi vừa tâm sự, ở thị trấn này vẫn còn đỡ lắm, anh em đi địa bàn mới khổ. Mường Khương là địa bàn miền núi biên giới, biên giới thì chủ yếu là sông suối và đất liền, bên này là Mường Khương, bên kia là các huyện Hà Khẩu, Mã Quan của Trung Quốc, chiều dài toàn tuyến biên giới gần 80 km nên anh em rất vất vả. Đi từ huyện xuống xã đã xa, từ xã đi vào từng thôn còn xa hơn nữa…
Với 9 xã biên giới và 16 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện, chủ yếu là bà con dân tộc Mông. Thượng tá Huy cho biết, có xã, đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 90% dân số. Những đặc thù cơ bản này đã khiến cho công tác phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy tại huyện vùng cao biên giới này trở lên khó khăn gấp bội phần.
Mường Khương được biết đến là địa bàn trọng điểm trung chuyển ma túy. Các đối tượng ở Mường Khương thường có mối quan hệ thân tộc lâu đời với nước bạn và với các tỉnh Sơn La, Điện Biên, từ đó móc nối thành những đường dây buôn bán ma túy liên tỉnh.
Trước tình hình như vậy, Công an huyện Mường Khương chủ động tham mưu với Công an tỉnh Lào Cai, phối hợp với các phòng ban nghiệp vụ triển khai đấu tranh nhiều chuyên án. Điển hình là vụ vận chuyển 40 bánh heroin vào tháng 5/2015 hay chuyên án đấu tranh, bắt giữ 10.000 viên ma túy tổng hợp từ Trung Quốc lấy về Mường Khương…
Trước đó, Thượng tá Huy đã nổi tiếng với chuyên án bắt được 227 bánh heroin vào năm 2015. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai Đinh Tiến Quân, Thượng tá Huy là phó ban chuyên án khi đó là Trưởng Phòng PC 47, 100% quân số đã được huy động, tính toán cụ thể các phương án, chia ra nhiều mũi, lãnh đạo trực tiếp xuống hiện trường, máy điện thoại lúc nào cũng nóng ran vì các cuộc gọi. Thượng tá Huy còn mượn thêm một máy điện thoại khác để tiện cho việc liên lạc.
Đối tượng thì đi xe tốt, xe biển Lào, chạy trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai, anh em phải căng mình để bám kịp đối tượng, tránh các tình huống đối tượng liều lĩnh, manh động. Đồng thời phải tạo các tình huống bất ngờ để đối tượng không tiến cũng không thể lùi nhưng trên hết, phải đảm bảo được về mặt nghiệp vụ an toàn cho anh em tác chiến.
Các đối tượng sau đó bị bắt quả tang tại khu vực trạm thu phí đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, Lào Cai. 227 bánh heroin được giấu vào các hầm bí mật trên sàn xe, cửa ô tô, các nghi phạm từ Lào khai nhận, số heroin được vận chuyển từ Lào vào Việt Nam từ một cửa khẩu ở miền Trung. Sau đó dự định của nhóm là đưa heroin lên Lào Cai để bán cho một số người Trung Quốc.
Tang vật thu được từ vụ bắt giữ "khủng" 227 bánh heroin. Nguồn: Công an tỉnh Lào Cai |
“Do đối tượng điên cuồng chống phá, trên đường đi, anh em lúc nào cũng căng mình hướng về đối tượng không để mất dấu, căng thẳng lắm, bắt được đối tượng rồi, anh em đếm tới 100 bánh có nói chắc chỉ có thế thôi nhưng mình có nói vui với anh em, “hôm nay phải trên 200 bánh mới là của tôi”. Và sau đó, anh em tiếp tục đếm tới trên 200 bánh heroin được cất giữ một cách tinh vi”- Thượng tá Huy kể lại rồi nói thêm, lúc ấy niềm vui phấn khởi lắm, vỡ òa cảm xúc. Nhưng ngay lập tức, anh em lại phải đấu tranh, chứng minh như thế nào để đối tượng nhận tội và đó là đối tượng người nước ngoài.
Và những góc khuất của cảnh sát phòng chống ma túy
Theo các chuyên án về ma túy từ rất lâu, có lẽ khi Bộ Công an thành lập lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – năm 1997, Thượng tá Huy đã tham gia lực lượng này, sau đó mới chuyển về công tác tại Mường Khương. Trong khi Lào Cai là địa bàn, là đầu mối trung chuyển ma túy trên tuyến Tây Bắc và phía Trung Quốc. Với nguồn ma túy là heroiin được vận chuyển từ Lào qua các cửa khẩu Điện Biên, Sơn La, Nghệ An về Lào Cai rồi chuyển đi nước thứ 3 tiêu thụ và nguồn ma túy tổng hợp thì chủ yếu từ Trung Quốc về Lào Cai rồi vận chuyển đi các tỉnh trong nội địa.
“Anh em chiến sỹ vất vả lắm, thường xuyên ở địa bàn, bờ bụi, việc nhịn đói, khát nước là bình thường, đấu lý, đấu trí bắt được rồi, quá mệt rồi nhưng nếu có vụ việc khác, anh em lại lên đường, bất kể ngày đêm, sớm tối”- anh Huy chia sẻ.
Có những vụ việc, anh em bắt một đối tượng vận chuyển ma túy từng được huy chương bạc môn đẩy gậy quốc gia. Dù cán bộ, chiến sỹ có khỏe mấy nhưng vật lộn với một vận động viên như vậy cũng phải mất sức rất nhiều.
Các chiến sỹ công an vùng biên Lào Cai thường xuyên xuống địa bàn nắm tình hình. |
Hay có lần, anh em bắt đối tượng xong vật lột ướt hết quần áo, sau đó vợ giặt quần áo mới thấy nước hiện lên một màu đỏ nhờ, hoảng quá, gọi điện vào số máy bàn của cơ quan chỉ để hỏi xem chồng mình có thực sự còn sống không, có điều gì anh em đồng đội nói dối gia đình không… Rồi lặn lội vào tận cơ quan để xác thực xem có đúng là chồng mình còn sống không.
“Vụ việc đó, ngay lập tức chúng tôi đưa toàn tổ tham gia phá án đi xuống Trung tâm y tế dự phòng tỉnh kiểm tra xem có bị phơi nhiễm HIV/AIDS không bởi đối tượng buôn bán ma túy bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Dù sau khi kiểm tra, các chiến sỹ đều âm tính nhưng sau đó mấy năm vẫn phải tiếp tục kiểm tra. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý của chiến sỹ, mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống vợ con họ... Đó là những góc khuất mà không phải ai cũng thông cảm được”- anh Huy trầm ngâm chia sẻ trong cái rét cắt da, cắt thịt.
Kết thúc mỗi chuyên án thành công, Thượng tá Huy không phải là gọi điện về nhà, hay tự thưởng cho mình một giây phút yên bình nào đó mà là việc đi kiểm tra xem anh em phá án có ai bị thương không; quần chúng nhân dân tham gia cùng chứng kiến vụ bắt giữ có ai bị xây xát không. Và khi câu trả lời là “không” thì khi đó, với Thượng tá Huy, mới là điều thành công lớn nhất.
Rồi sau đó cũng không phải là được nghỉ ngơi mà anh em lại tiếp tục lao vào chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng, đảm bảo không bị thông cung, đảm bảo an toàn cho đối tượng, không để xảy ra tình trạng đối tượng tiêu cực nhằm sát hại bản thân, để đối tượng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. “Tôi cũng không bao giờ nghĩ về việc mình sẽ được phần thưởng này hay khác, chỉ đơn giản là góp một phần nhỏ bé vào việc đảm bảo an ninh trật tự, giảm phần nào nguy hại cho người dân…”- Thượng tá Huy nhẹ nhàng nói.
Một điều đặc biệt nữa, theo Thượng tá Huy, góp phần vào thành công chung đó, không chỉ là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các phòng ban và Ban Giám đốc Công an Tỉnh mà còn là sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia đảm bảo an ninh, trật tự với những mô hình quần chúng bảo vệ an ninh, tổ quốc. Tại Mường Khương đã xây dựng được những tổ dòng họ tự quản, tổ bảo vệ đường biên mốc giới… đã góp phần tạo thế trận an ninh nhân dân. Nhờ những mô hình quần chúng này, các chiến sỹ đã được cung cấp nhiều thông tin có giá trị cũng như được nhân dân che chở, bảo vệ, giúp đỡ.
Không nói nhiều về cá nhân với nhiều thành tích xuất sắc, những bằng khen được nhận, Thượng tá Huy chỉ nói vài từ đơn giản, tất cả là niềm đam mê trong sáng. Niềm đam mê với nghề nguy hiểm này đã nâng bước chân người chiến sỹ cảnh sát nhân dân ấy trên mọi nẻo đường, không chỉ ở Mường Khương mà còn vững vàng trên nhiều nẻo đường gian nan khác trong quá trình phá án.
“Khi xong mỗi một vụ việc, mình lại cảm thấy nhẹ lòng ghê gớm bởi mình và anh em đã góp một phần công sức vào việc ngăn chặn tội phạm “cái chết trắng”, xứng đáng là phên dậu biên cương của Tổ quốc, góp phần mang lại cuộc sống bình yên của người dân…”- Thượng tá Huy chia sẻ./.
Kỳ 2: Những vụ phá án ma túy động trời ở một huyện vùng cao xinh đẹp
Nhóm PV