• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hành trình truyền cảm hứng của VĐV Mông Cổ kỳ cựu là kinh nghiệm tốt cho điền kinh Việt Nam

Thể thao 08/09/2023 07:52

(Tổ Quốc) - Tờ New York Times đã đăng tải câu chuyện rèn luyện và phấn đấu của Ser-Od Bat-Ochir, vận động viên marathon 41 tuổi đại diện cho Mông Cổ ở mọi giải đấu lớn kể từ năm 2003.

Năm 2002, Ser-Od Bat-Ochir lần đầu tiên có trải nghiệm chạy cự ly dài trong cuộc thi Marathon Hồng Kông (Trung Quốc). Trước đó, ông chưa bao giờ chạy cự ly nào dài hơn 20 km, ngay cả khi tập luyện.

"Tôi không biết mình đang làm gì," ông nhớ lại.

Hành trình dài của một VĐV vô danh

Dù không có kinh nghiệm nhưng ông vẫn vươn lên dẫn đầu cùng một nhóm VĐV người Kenya trong những km đầu tiên. Nhưng sau đó, ông bị tụt lại và ông nhận ra rằng: Các cuộc thi chạy marathon rất dài và khó khăn.

Ông nói: "Lúc đó tôi chỉ nghĩ, tôi không muốn chạy marathon nữa. Nhưng hiện tại, điều tôi làm lại khác hẳn". Ser-Od năm nay đã 41 tuổi và trở thành một trong những VĐV chạy cự ly truyền cảm hứng nhất trên thế giới. Ông đã 5 lần có mặt tại Olympic, tham gia 74 cuộc thi marathon quốc tế và đại diện cho Mông Cổ tại mọi cuộc thi quốc tế lớn kể từ năm 2003. Tháng 8 năm nay, cũng là lần thứ 11 ông liên tiếp có mặt tại Giải vô địch điền kinh thế giới, ở nội dung marathon nam tại Budapest, Hungary.

Hành trình truyền cảm hứng của VĐV Mông Cổ kỳ cựu là kinh nghiệm tốt cho điền kinh Việt Nam - Ảnh 1.

Ser-Od Bat-Ochir đã có một hành trình dài phấn đấu và mang vinh quang về cho Mông Cổ. Ảnh: NYT.

Trong suốt quá trình phấn đấu này, Ser-Od đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong thế giới marathon: từ một vận động viên chạy bộ vô danh đến người được công chúng chú ý trên đấu trường toàn cầu.

Tim Hutchings, một phát thanh viên và cựu vận động viên đẳng cấp thế giới, cho biết: "Ông ấy luôn mạnh mẽ và có một tâm hồn hiền lành, luôn mỉm cười".

Dù đã không còn trẻ trung, Ser-Od hiện vẫn có nhiều mục tiêu lớn. Ông hy vọng sẽ cải thiện thành tích cá nhân của mình, hiện là 2 giờ 8 phút 50 giây. Ông cũng hy vọng sẽ lọt vào top 8 tại một cuộc thi marathon lớn và có thể góp mặt tại Thế vận hội Paris mùa hè tới.

"Tôi biết điều đó sẽ không dễ dàng," ông bày tỏ.

Quá trình phấn đấu đầy nỗ lực

Mọi con đường thành công đều không dễ dàng. Khi chia sẻ với phóng viên của New York Times, ông nhớ về cội nguồn, nhớ lại tuổi thơ ở Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ, khi ông phát triển năng khiếu thể thao khi còn nhỏ. Cuộc đua đầu tiên của ông là tại một lễ hội thể thao ở trường, nơi ông và các bạn cùng lớp có năm phút để xem họ có thể chạy được bao xa. Ser-Od đã thắng dễ dàng.

"Tôi thích cảm giác đó," ông nhớ lại.

Ser-Od tiếp tục tham gia các cuộc thi chạy trong suốt thời kỳ trung học và đại học. Ông còn từng dạy môn giáo dục thể chất một thời gian ngắn tại đại học. Tuy nhiên, ông nói rằng lương rất ít và việc dạy thời gian dài khiến ông không có thời gian tập luyện.

Ser-Od lúc đó phải chạy bộ vào ban đêm để duy trì nhịp tập luyện. Ngay từ lúc đó, ông đã có một giấc mơ lớn khi xem VĐV Haile Gebrselassie của Ethiopia giành chiến thắng ở nội dung 10.000 mét nam tại Thế vận hội Mùa hè 2000 trên truyền hình. Ser-Od bắt đầu tự hỏi: Làm thế nào để trở thành một vận động viên quốc tế? Liệu ông có thể thi đấu tại giải vô địch thế giới không? Hoặc thậm chí tại Thế vận hội?

Và lúc đó tại Mông Cổ không hề có ai làm được điều như vậy nên ông phải tự mày mò. "Đó là một quá trình học tập dài", Ser-Od chia sẻ.

Sau lần tham dự giải marathon ở Hồng Kông (Trung Quốc), Ser-Od bỏ công việc giảng dạy và gia nhập cảnh sát quốc gia. Lực lượng cảnh sát quốc gia có một câu lạc bộ điền kinh và Ser-Od là một thành viên đầy nhiệt tình.

Năm 2003, ông lần đầu tiên được tham gia Giải vô địch marathon thế giới, đứng thứ 63 với thời gian 2: 26.39, vượt kỷ lục quốc gia của Mông Cổ khoảng 10 phút.

Hành trình truyền cảm hứng của VĐV Mông Cổ kỳ cựu là kinh nghiệm tốt cho điền kinh Việt Nam - Ảnh 2.

Ông vẫn đang nỗ lực thi đấu với các VĐV trẻ. Ảnh: NYT.

Ser-Od nói: "Mọi người đều ngạc nhiên khi một người Mông Cổ có thể chạy nhanh đến vậy".

Ser-Od tiếp tục phá kỷ lục cũ khi tham gia sự kiện thi thử nghiệm của Olympic marathon 2008 với thời gian 2:14.15. Nhưng Ser-Od tin rằng mình vẫn còn nhiều điều có thể phát triển và một năm sau, ông gặp Gebrselassie tại một cuộc đua đường trường ở Anh. Ser-Od đã tận dụng tối đa cơ hội để hỏi Gebrselassie về quá trình huấn luyện.

Ser-Od chia sẻ: "Tôi hỏi anh ấy là 'Một vận động viên marathon đẳng cấp thế giới cần làm gì?' Và Haile trả lời, 'Điều quan trọng nhất là xác định cách tập luyện nào phù hợp với bạn và đừng lo lắng về những gì người khác đang làm'".

Với những điều học hỏi và nỗ lực mới, Ser-Od tiếp tục tiến bộ. Ông đã lọt vào top 10 tại London Marathon 2011. Thành công này đến từ một chương trình huấn luyện rất chặt chẽ. Ông chia sẻ: "Tôi tự mình tập luyện và tôi đã làm mọi điều có thể. Tôi đã tập luyện trong cái nóng. Tôi tập luyện dưới tuyết. Tôi tập luyện dưới mưa. Tôi tập luyện trong bóng tối. Và những nỗ lực liên tục đó đã mang lại kết quả."

Cho đến nay, Ser-Od vẫn đang kiên trì với sự nghiệp thể thao và nuôi ước mơ lần thứ 6 tham dự Olympic, dù ông biết điều đó không hề dễ dàng.

Và tại Mông Cổ, Ser-Od phần nào đã thổi bùng lên niềm cảm hứng với bộ môn chạy đường trường. Ông nhớ lại chuyến thăm Ulaanbaatar vào mùa xuân này khi mọi người đã hô lên: "Ồ, là Ser-Od!". Hiện nay, cũng đã có tới 4 VĐV Mông Cổ đủ năng lực thi đấu tại các sự kiện như giải vô địch thế giới.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ