(Tổ Quốc) - Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, chiều 22/5, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
- 29.04.2024 Liên hoan gặp mặt dịp nghỉ lễ, nhiều tài xế vi phạm nồng độ cồn vượt mức cao
- 27.03.2024 ĐBQH: Xử phạt vi phạm nồng độ cồn cần mềm dẻo và phù hợp với nét văn hóa của vùng miền
- 25.03.2024 Tiếp tục đề nghị cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông
- 22.02.2024 Cử tri đánh giá cao việc kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối người điều khiển phương tiện giao thông
Hầu hết ý kiến nhất trí với quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong hơi thở có nồng độ cồn
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới trình bày nêu rõ, dự thảo Luật TTATGTĐB sau khi tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã được báo cáo UBTVQH tại Phiên họp thứ 31, trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan liên quan theo quy định.
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, số chương giữ nguyên và tăng 08 điều do bổ sung 05 điều mới, gộp 04 điều thành 02 điều, tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác; UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung của 79 điều, giữ nguyên nội dung 02 điều (Điều 33 và Điều 54). Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đạt được sự đồng thuận cao giữa UBTVQH và Chính phủ.
Về phạm vi điều chỉnh: Nhiều ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung trong dự thảo Luật TTATGTĐB và dự thảo Luật Đường bộ để tránh trùng lặp, chồng chéo và nếu quy định dẫn chiếu phải bảo đảm chính xác. Có ý kiến đề nghị chuyển một số chương, điều trong dự thảo Luật này sang dự thảo Luật Đường bộ và ngược lại.
Về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, ông Lê Tấn Tới cho biết, đa số ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật; một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Về nội dung này, UBTVQH đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm "điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.
Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là phù hợp
Về đấu giá biển số xe, ông Lê Tấn Tới nêu rõ, UBTVQH thấy rằng, sau thời gian bước đầu thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô đã đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng được nhu cầu của người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo sự công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, quản lý biển số xe ô tô, được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ.
Việc luật hóa quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 vào dự thảo Luật TTATGTĐB là rất cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số. Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là phù hợp với nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân muốn có biển số xe theo ý thích.
Do dự thảo Luật TTATGTĐB và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được Quốc hội thông qua trong cùng Kỳ họp thứ 7, nên UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án để gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Đa số ý kiến nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án bổ sung 01 điều vào dự thảo Luật này để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh, sẽ quy định đầy đủ, cụ thể các nội dung về đấu giá biển số xe và tạo nên sự thống nhất với các quy định khác trong dự thảo Luật TTATGTĐB.
Về điểm của giấy phép lái xe, ông Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để nâng cao ý thức người lái xe. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo xây dựng Điều 58 về điểm của Giấy phép lái xe. Việc bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta.
Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe. Người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm. Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGTĐB, đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe và quy định lộ trình thực hiện Điều này.
Ông Lê Tấn Tới cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thành lập Quỹ giảm thiệt hại tai nạn GTĐB. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung Điều 85 trong dự thảo Luật, bảo đảm nguyên tắc rõ ràng: không vì mục đích lợi nhuận; được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch; không được chi trùng với ngân sách nhà nước.
Việc thành lập Quỹ này phù hợp với nhu cầu thực tiễn khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra cho con người và xã hội. Nguồn kinh phí của Quỹ chủ yếu là nguồn tài chính xã hội hóa, huy động được tối đa nguồn lực và phát huy được sự chung tay chia sẻ của toàn xã hội hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho những người không may bị nạn trong vụ tai nạn giao thông, thân nhân, gia đình của người bị tai nạn để họ nhanh chóng ổn định, trở lại cuộc sống thường ngày.