(Tổ Quốc) - Đó là những trao đổi, đánh giá của các chuyên gia văn hóa tại buổi tọa đàm “Tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc nhìn di sản văn hóa” do Trung tâm Xúc tiến Quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam phối hợp với BQL di tích Phủ Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức ngày 25/12.
Sự kiện “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa được UNESCO vinh danh là niềm tự hào đối với Việt Nam, nhưng cũng đặt ra câu hỏi trước việc phải nhận diện đúng về giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu trong cộng đồng. Bởi tín ngưỡng thờ Mẫu phần lớn chỉ được người dân Việt biết đến qua khái niệm hầu đồng, và hầu đồng đang nở rộ trên cả đời sống tâm linh lẫn sân khấu, với nhiều biểu hiện sai lệch di sản.
Tín ngưỡng không chỉ ở hầu đồng
Hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được công nhận là di sản thế giới, bởi bản thân tín ngưỡng có giá trị nhân văn sâu sắc, bởi nó gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người Việt. Nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia di sản phi vật thể thì thực hành nghi lễ lên đồng trong thời kỳ kinh tế thị trường bùng phát và có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa, xã hội. Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương có những trở ngại trong việc quản lý lên đồng.
|
Trong đó, theo ông Phạm Sanh Châu – Đặc phái viên của TT Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam thừa nhận “Bản thân tôi cũng hết sức lo ngại trước sự biến tướng “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” sau khi được vinh danh di sản. Nhiều người sẽ lạm dụng điều này để mở Phủ, lên đồng và coi việc được UNESCO vinh danh di sản để “bảo hiểm” cho việc này”.
Ông Châu cũng lo ngại từ những hệ lụy này sẽ xảy ra việc không phân biệt được đâu những giá trị thật và giả của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Do đó, “sức nặng” rất lớn đang đặt lên vai của Bộ VHTTDL và tất cả các cấp. Đặc biệt là các cấp địa phương, vùng sâu, vùng xa. Chúng ta cần phải có nhiều cuộc thảo luận để các nhà quản lý văn hóa hiểu rõ và hiểu đúng về “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ”. Đặc biệt, quan trọng hơn là việc giáo dục cho cộng đồng trong việc thực hành tín ngưỡng.
Đặc phái viên của TT Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO cũng ví von đây một tấm huân chương có mặt đẹp bóng bẩy và cả mặt xấu xí. Do đó hậu vinh danh đang đưa ra những thách thức hiện hữu và nếu không kiểm soát tốt sẽ bị phản tác dụng. “Chúng ta vinh danh một di sản để rồi không được thực hành tốt thì sẽ làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam. Như mới đây việc đưa biểu diễn “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” tại các buổi khai mạc Hội thảo, hội nghị tôi đã góp ý là không phù hợp. Chúng ta cần phải cảnh giác cao độ. Bởi song hành với sự tự hào là những nguy cơ bị bóp méo, thực hành sai là rất lớn”- ông Châu khẳng định.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Hiền- Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Thực hành nghi lễ lên đồng trong thời kỳ kinh tế thị trường bùng phát và có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa, xã hội”.
Cần một quy chế quản lý thực hành tín ngưỡng?
Những lo ngại về sự biến tướng của di sản là có cơ sở và nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý cho rằng, mỗi địa phương có di sản, căn cứ tình hình thực tế để ban hành quy chế, kế hoạch quản lý.
|
Theo bà Chu Thị Minh Tân- Phòng Văn hóa thông tin Quận Tây Hồ, ngoài việc tuyên truyền sâu rộng về di sản tới nhân dân, tránh những nhận thức sai về di sản, tránh thương mại hóa các nghi lễ, cần rà soát lại các chủ thể văn hóa là những người đang thực hành di sản bao gồm thủ nhang, pháp sư, đồng đền, cung văn, người phụ lễ…Đặc biệt, cần ban hành quy chế, kế hoạch quản lý Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cũng cho rằng, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương có những trở ngại trong việc quản lý lên đồng. Chính phủ đã ban hành một số chính sách để quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016. Nhờ đó, việc tổ chức lễ hội, nghi lễ ở các đền, các phủ thờ Mẫu tam phủ được thực hiện tốt tạo điều kiện thuận lợi cho những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu thực hành và bảo tồn di sản.
Theo bà Hiền, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không chỉ ở các nhà quản lý mà cần sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng. Các tổ chức, đơn vị như Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam và các tổ chức, cơ quan khác cùng với các Sở VHTTDL tiếp tục triển khai các hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa thờ Mẫu, chầu văn như liên hoan hát văn, tổ chức giao lưu lên đồng giữa các đền các phủ, và với các hình thức shaman giáo khác của các dân tộc ở Việt Nam và các nước. Khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ. Những người cao tuổi, hiểu biết ở địa phương cùng với các nhà nghiên cứu trung ương tìm hiểu, nghiên cứu và phục hồi một số nghi lễ dân gian vốn có trong lễ hội Phủ Dầy như tục rước nước tại đền Giếng để làm lễ mộc dục; phục hồi đường rước thỉnh kinh ở Phủ Dầy lên các chùa trong khu vực.
Các thủ nhang, thanh đồng, cung văn phối hợp với các Sở VHTTDL, các đơn vị, công ty du lịch, kết nối với các phủ, các điện thờ giới thiệu cho khách thăm quan, khách hành hương về giá trị và bản sắc văn hóa Việt trong diễn xướng lên đồng, hát văn, lễ hội dân gian… Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền góp ý “Cộng đồng góp phần tích cực không chỉ trong truyền dạy, trong việc đảm bảo những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, mà còn góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực và những hành động trục lợi, buôn thần bán thánh”./.
Bài: Hoàng Nguyên, ảnh Phạm Thành