• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hãy để gia đình là nơi an toàn cho con trẻ

Văn hoá 20/09/2021 08:25

(Tổ Quốc)- Dư luận trong mấy ngày qua hết sức bàng hoàng, phẫn nộ về vụ bé gái 6 tuổi ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) tử vong nghi bị bạo hành.

Khai nhận trước cơ quan điều tra, người cha ruột của bé gái bước đầu thừa nhận đã có hành động đánh con do thiếu kiềm chế khi kèm con học. Chắc chắn, vụ việc sẽ được cơ quan chức năng làm rõ và sẽ có bản án nghiêm khắc dành cho người dã tâm hành hạ dẫn cái chết của đứa trẻ vô tội, chưa thể tự bảo vệ mình. Nhưng với những người làm cha làm mẹ và dư luận xã hội, thì cái chết thương tâm của đứa trẻ ở Xuân Đỉnh còn đọng lại nhiều câu hỏi thật day dứt khi gia đình chưa thật sự là tổ ấm yêu thương, là môi trường an toàn với trẻ.

Hãy để gia đình là nơi an toàn cho con trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (kinhtedothi.vn)

Trong thực tế, đã xảy ra không ít vụ việc người làm cha làm mẹ vì lý do nào đó mà đang tâm hành hạ con đẻ của mình, dẫn đến hậu quả đau lòng. Không phải bàn cãi, hành vi bạo hành con trẻ của những người làm cha, làm người mẹ đã gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi đó không chỉ xâm phạm sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ em, mà còn đi ngược lại với truyền thống đạo đức xã hội. Câu hỏi được đặt ra, vì sao chúng ta có hệ thống pháp luật, các tổ chức bảo vệ trẻ em, mà xu hướng bạo hành trẻ vẫn không thuyên giảm, thậm chí gia tăng về mức độ phức tạp?

Những đứa trẻ còn non nớt đáng lẽ phải được sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình, xã hội thì lại phải gánh chịu những trận đòn roi, ngược đãi dã man của người lớn. Điều đáng nói, phần lớn những vụ trẻ em bị bạo hành được phát hiện trong thời gian gần đây lại xảy ra cả ở những thành phố lớn. Những đứa trẻ bị bạo hành không chỉ đau đớn về thể xác mà còn bị tổn thương về tinh thần.

Qua những vụ trẻ em bị bạo hành, rất nhiều người đã đặt câu hỏi: Vì sao các em bị hành hạ trong thời gian dài như vậy mà không bị phát hiện?. Vai trò của các cấp chính quyền, đoàn thể, vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở đâu?. Hiện nay, công tác bảo vệ quyền trẻ em đang được các cấp chính quyền, đoàn thể, các trường học tích cực tuyên truyền, vào cuộc, nhưng dường như vẫn chưa đủ. Những vụ việc như trên vẫn cứ xảy ra, gây nhức nhối toàn xã hội. Biện pháp nào chặn đứng vấn nạn nhức nhối này, để không còn cảnh những đứa trẻ bị hành hạ liên tục được đặt ra. Điều đáng nói hơn, rõ ràng trẻ nhỏ cần được cảm thấy an toàn trong gia đình, nhưng một số gia đình lại là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ. Như con số đã được cơ quan chức năng đưa ra tại diễn đàn Quốc hội: Hơn 65% trong tổng số vụ bạo lực trẻ em xảy ra do chính người thân.

Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để biện minh, nhưng cần phải đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể đã thiếu sâu sát nên để xảy ra nhiều vụ việc đau lòng. Theo thống kê, có đến 17 cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em, nhưng sự kết nối, phối hợp lại chưa chặt chẽ, nên có lúc dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc" và cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi vụ việc đã được phát hiện và làm xôn xao dư luận.

Thực tế, nhiều vụ trẻ em bị bạo hành được phát hiện trong thời gian gần đây, phần lớn là từ các cơ quan báo chí. Trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em hết sức mờ nhạt. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động về phòng chống xâm hại trẻ em chưa chưa được quan tâm đúng mức... Trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được quy định trong trong các văn bản pháp luật. Nhưng, trong quá trình thực hiện có một số cán bộ không làm tròn trách nhiệm, thực hiện chưa nghiêm, chưa đầy đủ, kịp thời.

Nguyên nhân có thể là do năng lực yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát; thiếu những quy định, chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động giáo dục tư vấn bảo vệ trẻ em được coi là đóng vai trò quan trọng, cũng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến công tác phòng chống xâm hại trẻ em chưa mang lại kết quả... Điều đó cũng lý giải tại sao tình trạng bạo hành trẻ em đang đứng trước nguy cơ tái diễn trở lại.

Nhiều ý kiến đề nghị, để trẻ không bị xâm hại, cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, đội ngũ cộng tác viên làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là ở cấp xã, phường, thôn, bản, cụm dân cư. Bên cạnh đó, cần hình thành các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ em có tính hệ thống, liên tục và chuyên nghiệp theo cả hai hình thức công ích nhà nước và xã hội hóa...

Cách đây chưa lâu, liên ngành Giáo dục Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản về tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở các trường học. Tuy nhiên, sự phối hợp này chỉ được chú trọng ở khu vực nội đô, nội thị, khu vực các trường công lập. Còn các địa bàn khó khăn, khu vực các trường dân lập thì chưa nhận được sự quan tâm cần thiết. Thế nên, rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra trong các nhóm, lớp mầm non nằm ngoài hệ thống công lập. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chính sách ưu đãi của nhà nước đến được với trẻ em ở cả khu vực giáo dục dân lập. Đây là việc không phải của riêng ngành giáo dục, mà cần sự phối hợp của chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ; đặc biệt là vai trò của các cấp chính quyền trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.


Thùy Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ