Chiều 24/8, tại di tích Hải Vân Quan, trên đỉnh đèo Hải Vân (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Hải Vân Quan... |
Trước đó, thực hiện Quyết định số 1065/QĐ-BVHTTDL ngày 28/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ tháng 4/2018 đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tiến hành nghiên cứu và khai quật khảo cổ tại di tích Hải Vân Quan. |
Với diện tích gần 900m2 thám sát và khai quật, kết quả đã làm sáng rõ quá trình hình thành và biến đổi của di tích, xác định được quy mô, kết cấu nền móng kiến trúc của công trình, cung cấp những cứ liệu khoa học cần thiết, phục vụ hiệu quả cho công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. |
Kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn như: bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố. |
Ngoài ra, trong quá trình khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây. |
Khai quật tại Cổng thiên hạ đệ nhất hùng quan và dấu vết bậc cấp, đường đi: xác định được chân móng của cổng cũng được bó đá Thanh hình khối hộp chữ nhật giống với cổng Hải Vân Quan. Kích thước cổng rộng toàn bộ 7,9m, cao 6,52m, dày 4,79m; vòm cổng rộng 3,47m, cao 4,55m. Nền cổng lát đá sa thạch, mép ngoài bó vỉa bằng hàng gạch vồ dựng nghiêng, tiếp đến là lớp đá dăm nhỏ đầm chắc với vôi hàu... |
...trước cổng có khoảng sân rộng 7,9m, dài 7,1m được đầm chặt bằng đất cát và đá núi loại nhỏ, mặt sân nền bằng vữa hàu truyền thống (dày 0,2m). Nền sân này đã trải quan nhiều giai đoạn cải tạo, bồi đắp. Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ còn phát hiện dấu tích đường thiên lý từ Kinh đô Huế về Hải Vân Quan qua cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Đường thiên lý rộng từ 2,6m đến 2,8m, men theo sườn núi... |
Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì tại đây còn có dấu vết của một trạm gác với bó móng được xếp bằng đá núi. Khu vực này cần tiếp tục khảo sát và nghiên cứu kỹ hơn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị về con đường thiên lý xưa... |
Phía trong (phía tây nam) cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan, kết quả khai quật cũng đã làm rõ dấu tích bậc cấp đi từ cổng Hải Vân Quan lên. Mặc dù đã bị đào phá trong giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ đồn trú, nhưng qua nghiên cứu có thể xác định bậc cấp này khởi thủy được xếp bằng đá núi, dài 7,4m, rộng 5,5m, gồm 10 bậc, mỗi bậc rộng 0,7m.
|
Qua kết quả khai quật, đã làm xuất lộ dấu tích bậc cấp cùng đường thiên lý phía nam cổng Hải Vân Quan...Ngoài ra, dấu tích đường đi từ Hải Vân Quan lên Thiên hạ đệ nhất hùng quan cũng được xác định. Qua đó cho thấy đường đi bám theo chân tường thành phía bắc nối từ Hải Vân Quan lên Thiên hạ đệ nhất hùng quan, rộng 5m, nền đường lát một lớp đá núi... |
Hệ thống tường thành, kết quả khảo cổ đã tìm thấy nhiều dấu vết nền móng tường thành cũ, qua đó cung cấp nhiều cứ liệu khoa học quan trọng, để chúng ta có thể khẳng định được rằng đa số những dấu tích tường thành hiện thấy đều đã được cải tạo, xây xếp vào giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ chiếm đóng. Quy mô của tường thành xây dựng thời Nguyễn có phạm vi phân bố rộng hơn hệ thống tường thành hiện nay... |
Tường thành được xây theo kết cấu “thượng thu hạ thách”, chân móng rộng 2,2m, thân tường rộng 1,9m, cao 2,3m - 2,4m được xếp bằng đá núi, khít mạch... |
Song song với việc tiến hành nghiên cứu, làm xuất lộ các dấu tích kiến trúc của Hải Vân Quan, trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã thu thập được một số các loại hình di vật, bao gồm vật liệu gạch, ngói, mảnh vỡ các loại hình đồ sành, sứ, gốm men, đồ đất nung và mảnh bia đá thời Nguyễn... |
Bên cạnh đó là các đồ sinh hoạt được làm bằng sắt, inox và thủy tinh của binh lính quân đội Pháp, Mỹ. Chắc chắn sau khi được tiến hành phân loại, xử lý bảo quản, gắn chắp, giám định niên đại… bộ sưu tập hiện vật này sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin khoa học để phục vụ hiệu quả cho công tác thiết kế, tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích và phát huy trưng bày tại di tích này. Hiện khu vực đã khai quật được bảo vệ cẩn thận. Báo điện tử Tổ Quốc sẽ tiếp tục phản ánh thêm nhiều thông tin thú vị cũng như hướng đề xuất sắp tới để Hải Vân Quan sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, đầy hứa hẹn, là niềm tự hào của con dân hai xứ Thuận - Quảng xưa, Huế - Đà Nẵng ngày nay. |
Clip do phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc ghi lại đợt khai quật di tích Hải Vân Quan vào chiều 24/8:
Đức Hoàng