• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hình ảnh ngành Du lịch sẽ thay đổi trong 3 năm nữa

Du lịch 01/11/2021 10:17

(Tổ Quốc) - Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch triển khai các sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ, các loại hình du lịch truyền thống sẽ không còn phù hợp. Ông bày tỏ tin tưởng, trong ba năm nữa hình ảnh của ngành Du lịch sẽ thay đổi.

Hình ảnh ngành Du lịch sẽ thay đổi trong 3 năm nữa - Ảnh 1.

Khu nghỉ dưỡng biển InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Đà Nẵng. Hình minh họa.

Nhiều doanh nghiệp đang thay đổi để chớp cơ hội mới

Sau một giai đoạn phát triển mạnh mẽ đến năm 2019, khủng hoảng do Covid-19 đã kéo lùi ngành du lịch hàng chục năm, thiệt hại là không đo đếm được, nhưng ngành Du lịch đang có nhiều chuyển đổi, thay đổi cơ bản để có thể thích ứng tình hình mới.

Theo dự báo, sẽ có ít nhất 30% doanh nghiệp du lịch bị giải thể và dừng hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh với các doanh nghiệp bị tác động thì cũng có khoảng 30% doanh nghiệp mới dự kiến xuất hiện dựa trên sự nhận thức về các thay đổi và biến chuyển và chớp lấy cơ hội mới.

"Dịch bệnh Covid-19 tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch triển khai các sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ, các loại hình du lịch truyền thống sẽ không còn phù hợp. Bên cạnh đó là những doanh nghiệp du lịch lớn cũng đang âm thầm chuyển đổi, đổi mới công nghệ" - ông Vũ Thế Bình cho biết.

Từ đó, ông Vũ Thế Bình bày tỏ tin tưởng rằng, trong ba năm nữa hình ảnh của ngành du lịch sẽ thay đổi. Điều này cũng được Hiệp hội du lịch thế giới cũng đã dự báo. Xu thế này chắc chắn sẽ phát triển ở Việt Nam và các loại hình du lịch mới sẽ phát triển.

Nhiều chính sách hỗ trợ làm nền tảng để doanh nghiệp du lịch vượt qua đại dịch

Cơ hội để đổi mới và phát triển sau đại dịch Covid-19 là điều mà nhiều nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch thấy rõ. Tuy nhiên, để giúp các doanh nghiệp có cơ sở, nền tảng để vượt qua đại dịch, thời gian qua, Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch đã có nhiều giải pháp hỗ trợ rất thiết thực, hiệu quả.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, ngay từ tháng 4/2020, khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu xảy ra, Tổng cục Du lịch đã đề xuất với Bộ VHTTDL tham mưu cho Chính phủ một số văn bản kiến nghị, có những tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành để vượt qua khó khăn.

Liên tiếp từ tháng 4/2020 đến nay, Tổng cục Du lịch đã tham mưu để Lãnh đạo Bộ VHTTDL cũng như trực tiếp đóng góp ý kiến, tham gia các hội nghị, hội thảo, đóng góp vào xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thông đó, Bộ VHTTDL đã đề nghị chính phủ và các bộ, ngành giải quyết tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch và người lao động theo 3 nhóm.

Cụ thể, nhóm thứ nhất là chính sách tài khóa, liên quan đến các chính sách ưu đãi về tín dụng cho các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi để vượt qua khó khăn, chi trả lương cho người lao động, để thu hút người lao động ở lại với doanh nghiệp, rồi có kinh phí để xây dựng các sản phẩm mới thích ứng với môi trường mới.

Nhóm thứ hai là chính sách tài chính nhằm điều chỉnh giảm thuế, phí, lệ phí, để giảm bớt gánh nặng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với nhóm thứ ba là gói an sinh xã hội, ông Nguyễn Trùng Khánh thông tin, vừa qua, Bộ VHTTDL đã có những tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành. Đặc biệt, đối tượng hướng dẫn viên nhận được hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 63 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua. Bên cạnh Quyết định số 23 liên quan đội ngũ hướng dẫn viên thì còn có các hỗ trợ khác chung của Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động.

"Chính phủ đã quyết định giảm tiền điện cho cơ sở kinh doanh trong năm 2021 và chúng tôi đang kiến nghị kéo dài đến năm 2022, thậm chí đến năm 2023. Đồng thời, chính sách giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng đã được Chính phủ thông qua" - ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Bộ VHTTDL đã đề xuất và được Chính phủ cho phép triển khai sửa đổi Điều 14 trong Nghị định số 168 về giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành và giảm thời gian giải ngân từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.

Ngoài ra, Bộ VHTTDL đang tiếp tục có những đề xuất để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau dịch./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ