• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ninh Bình lên kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch từ cuối năm 2021 đến hết 2022

Du lịch 31/10/2021 08:41

(Tổ Quốc) - Để vực dậy ngành du lịch sau tác động của đại dịch, tỉnh Ninh Bình đã đề ra kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch cuối năm 2021 và năm 2022 với lộ trình an toàn, cụ thể cùng nhiều giải pháp trọng tâm.

Lộ trình đón khách cụ thể và an toàn

Theo báo cáo của Sở du lịch Ninh Bình, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên hiện nay, có khoảng 8.600 lao động/tổng số 14.500 lao động toàn ngành phải nghỉ việc, giãn việc (chiếm 59,3%). Khoảng 450/690 cơ sở lưu trú đóng cửa.

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động ước tính 90% và là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour hàng loạt và yêu cầu hoàn tiền của khách du lịch. Từ đầu năm 2020 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành làm thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh chỉ đón 925.720 lượt khách, đạt 45,46% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: khách nội địa: 912.329 lượt, khách quốc tế: 13.391 lượt; Doanh thu đạt 595 tỷ đồng, đạt 50,11% so với cùng kỳ năm 2020.

Với mục đích Triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp du lịch sớm ổn định, từng bước phục hồi và phát triển trong tình hình mới vào những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển hoạt động du lịch những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Về mục tiêu dự kiến của kế hoạch, trong quý IV năm 2021, toàn tỉnh sẽ phấn đấu đón 10.000 lượt khách du lịch trong tỉnh Ninh Bình, đồng thời tổ chức thí điểm đón khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh ngoài.

Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch (trong đó từ tháng 7 năm 2022 sẽ đón một số đối tượng khách quốc tế), doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng.

Ninh Bình lên kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động Du lịch từ cuối năm 2021 đến hết năm 2022 - Ảnh 1.

Toàn tỉnh Ninh Bình sẽ phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2022.

Về phương án đón khách du lịch giai đoạn cuối năm 2021, tỉnh Ninh Bình dự kiến mở cửa các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để đón tiếp khách du lịch từ ngày 15/11/2021.

Cụ thể từ ngày 15/11/2021 đến hết ngày 30/11/2021 sẽ tiến hành đón khách du lịch trong tỉnh (những người đang sinh sống và làm việc, học tập tại tỉnh Ninh Bình).

Từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/12/2021, Bên cạnh việc đón khách du lịch trong tỉnh, sẽ tổ chức thí điểm đón khách du lịch ngoài tỉnh thông qua chương trình du lịch khép kín, an toàn do các doanh nghiệp du lịch tổ chức. Với phương thức phục vụ khách du lịch đảm bảo chu đáo, an toàn đồng thời tập trung quảng bá, thu hút khách du lịch trong tỉnh với chủ đề “Người Ninh Bình đi du lịch Ninh Bình”

Về phương án đón khách du lịch 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh sẽ đón khách du lịch trong tỉnh và khách du lịch đã được tiêm 02 mũi vắc xin phòng Covid-19, đến từ các tỉnh, thành phố có nguy cơ thấp. Phương thức thực hiện là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về du lịch an toàn; tổ chức các hoạt động xúc tiến, kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Ninh Bình - Điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn”.

Ưu tiên kết nối tour du lịch an toàn với các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh; tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành liên kết với các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ để tổ chức các chương trình tour du lịch an toàn, khép kín. Gắn hoạt động du lịch với các lễ hội truyền thống, sự kiện chính trị văn hóa, thể thao tiêu biểu (Lễ hội Hoa Lư; các hoạt động trong chương trình kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, Tuần Du lịch Ninh Bình...). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng các gian hàng ảo trên mạng để quảng bá, thu hút khách du lịch.

Trong sau 6 tháng cuối năm 2022, nếu người dân Việt Nam cơ bản đã được tiêm vắc xin, đạt tỷ lệ trên 90% đồng thời tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt và Chính phủ cho phép mở của đón khách du lịch quốc tế thì tỉnh Ninh Bình sẽ triển khai đón khách du lịch quốc tế với yêu cầu đã được tiêm 02 mũi vắc xin phòng Covid-19, có chứng nhận tiêm vắc xin hoặc có hộ chiếu vắc xin được các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ công nhận.

Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm

Để đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch, tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện nhanh chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, người lao động tại các khu du lịch, điểm du lịch, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn và triển khai các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch phù hợp với các quy định phòng chống dịch của Trung ương; Ứng dụng CNTT và các ứng dụng phòng, chống covid-19 của quốc gia, hệ thống đánh giá an toàn Covid-19 để theo dõi, giám sát công tác phòng, chống dịch.

Ninh Bình lên kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động Du lịch từ cuối năm 2021 đến hết năm 2022 - Ảnh 2.

Đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Về hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết du lịch, tỉnh sẽ đổi mới, ứng dụng CNTT trong xúc tiến, quảng bá du lịch, triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Du lịch Ninh Bình an toàn, hấp dẫn”. Tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch về du lịch an toàn trong bối cảnh bình thường mới.

Đa dạng hóa các kênh truyền thông: Qua các trang website, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến, các phương tiện truyền thông của tỉnh, trung ương, xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền du lịch.

Phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức các chương trình kích cầu, xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình và tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo tại các thị trường du lịch trọng điểm theo định hướng; tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip từ các thị trường trọng điểm đến khảo sát điểm đến mới, tạo cơ hội kết nối cho các doanh nghiệp du lịch.

Tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, du lịch để thu hút khách du lịch. Khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với các ưu đãi, cam kết về chất lượng và đảm bảo an toàn trong quá trình du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối lại thị trường, tiếp cận thị trường, xúc tiến, bán sản phẩm, dịch vụ.

Ngoài ra tỉnh cũng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ngành Du lịch qua việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu chung của tỉnh về du lịch; xây dựng hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Xây dựng hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ tại các điểm tham quan du lịch để chuẩn hóa thông tin các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Lắp đặt hệ thống wifi du lịch thông minh tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; lắp đặt các kios thông tin du lịch tại các trạm hỗ trợ khách du lịch; lắp đặt hệ thống camera giám sát hoạt động du lịch,công tác phòng, chống covid tại các khu, điểm du lịch.

Xây dựng các chiến dịch quảng bá theo chủ đề và theo giai đoạn thông qua các trang mạng xã hội Facebook, Youtube, Twitter, Instagram, Zalo; quảng bá trên các trang marketing online, triển khai bản tin du lịch điện tử;nâng cấp tính năng của các ứng dụng di động, website du lịch của tỉnh phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách du lịch.

Đồng thời tỉnh cũng chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm du lịch và nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các hoạt động phục hồi du lịch..../.

Bài - Minh Khánh, ảnh - Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ