• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hỗ trợ học nghề khi tham gia BHTN: Giải pháp cơ bản giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động

Pháp luật 27/08/2020 15:43

(Tổ Quốc) - Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bị mất việc làm. Vì vậy, các chế độ của BHTN như trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề,... chính là những “cứu cánh” vô cùng quan trọng giúp cho người lao động bảo đảm cuộc sống, sớm tìm được việc làm mới.

Học nghề mới sẽ có cơ hội kiếm việc làm mới

Hỗ trợ học nghề khi tham gia BHTN: Giải pháp cơ bản giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động - Ảnh 1.

Người lao động tại TP HCM làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (Nguồn: NLĐ)

Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo tình hình lao động việc làm quý 2 và 6 tháng đầu năm năm 2020 cho thấy, trong 51,8 triệu lao động có việc làm trong quý 2 năm nay, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước gia tăng. Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người đang tham gia BHTN bị mất việc làm. Vì vậy các chế độ của BHTN như trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề,... đã thực sự là một trong những "cứu cánh" vô cùng quan trọng giúp cho người lao động bảo đảm cuộc sống, sớm tìm được việc làm mới. Qua đây, người lao động được hỗ trợ tìm công việc mới nhằm trang trải cho cuộc sống.

Chị Lê Hồng Hạnh, 28 tuổi, từng làm công nhân tại một công ty may mặc tại Hà Nội cho biết, đầu năm 2020, dịch Covid xảy ra và chị bị công ty cho nghỉ việc. Thời điểm này, chị tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tại Cầu Giấy, Hà Nội. Tại đây, ngoài việc được tư vấn, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ hưởng các chế độ BHTN, chị Hạnh còn chủ động tìm hiểu chế độ hỗ trợ học nghề từ chính sách BHTN cho lao động thất nghiệp.

Chị cho biết, bản thân luôn xác định phải cố gắng. Do đó, chị sẵn sàng học nghề mới bất kể là công việc gì, miễn là phù hợp với phụ nữ.

"Tôi dự định bắt đầu từ tháng 9 này sẽ đi học nghề thủ công mỹ nghệ để thử sức ở lĩnh vực mới. Những lúc thế này tôi càng thấy tầm quan trọng của chính sách BHTN cũng như vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm, cán bộ của trung tâm đã hướng dẫn cho tôi rất chi tiết để chọn lựa nghề nghiệp phù hợp nhất", chị Lê Hồng Hạnh chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Lập, 31 tuổi, từng tốt nghiệp Trường Đại học Mở Hà Nội, sau đó làm việc cho một công ty cơ khí xuất khẩu tại Hà Nội chia sẻ, anh từng rất buồn khi bị mất việc do ảnh hưởng bởi Covid-19. Mất việc đồng nghĩa với không còn nguồn thu nhập, đồng nghĩa với bế tắc.

Sau 2 tuần suy nghĩ, anh Lập quyết định nộp hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Tại đây, anh Lập rất mừng khi biết đến những lớp học nghề miễn phí như lái xe ô tô, sửa xe máy, may công nghiệp … Sau đó, anh Lập đã quyết định chọn học nghề lái xe ô tô.

"Học xong tôi sẽ gom tiền mua một chiếc xe nhỏ để đưa đón khách. Tôi nghĩ đây cũng là một công việc tốt, thời gian lại linh hoạt, thu nhập cũng khá. Chỉ cần làm công tác phòng dịch thật tốt thì sẽ có việc thường xuyên, từ đó có thu nhập trang trải cho cuộc sống", anh Lập hồ hởi.

Tạo mọi cơ hội cho người lao động

Trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã xác định việc hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách BHTN cho người lao động là vô cùng quan trọng. Phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn nên đây là giải pháp cơ bản nhằm giúp người thất nghiệp có một nghề mới để sớm có cơ hội quay lại thị trường lao động, từ đó có nguồn thu nhập để trang trải chi tiêu trong gia đình, ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ học nghề khi tham gia BHTN: Giải pháp cơ bản giúp người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động - Ảnh 2.

Các chế độ của BHTN như trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề,...là những “cứu cánh” vô cùng quan trọng giúp cho người lao động bảo đảm cuộc sống, sớm tìm được việc làm mới.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, 100% số người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn về chính sách các chính sách lao động nói chung, chính sách BHTN nói riêng, được tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề miễn phí theo quy định.

Thống kê của đơn vị này cũng cho thấy, trong các lớp sơ cấp nghề cho lao động thất nghiệp, lái xe ô tô, nấu ăn, may mặc… là một trong những nghề có nhiều người đăng ký học nhất. Thường thì sau khóa học, hầu hết học viên có việc làm ngay với nghề đã học.

Tương tự, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ liên kết với 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký tham gia dạy nghề cho người lao động theo chính sách BHTN, với 73 nghề đào tạo, tăng 12 nghề so năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Phước đã giới thiệu việc làm cho hơn 4.200 lao động, trong đó hàng trăm lao động được tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề. Trung tâm cũng tiếp nhận hơn 5.600 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 5.000 trường hợp lao động.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đại Kỳ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Phước cho hay, nhận thức được BHTN góp phần không nhỏ trong việc trợ giúp người lao động tạm ổn định cuộc sống trong thời gian bị mất việc làm, thực hiện giãn cách xã hội, được sự chỉ đạo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Phước thường xuyên chủ động triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, chủ động tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, thẩm định và giải quyết chế độ chi trả trợ cấp cho người lao động kịp thời, đúng quy định; liên hệ qua điện thoại với người lao động để hướng dẫn về việc thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng, không để xảy ra trường hợp khiếu nại, khiếu kiện, thông tin đến với người lao động bị chậm trễ.

Đặc biệt, Trung tâm cũng đã chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu và khả năng để tạo nhiều cơ hội học nghề cho người lao động theo nhu cầu. Rất nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học đã tìm được công việc tốt hơn, phù hợp với bản thân và thu nhập ổn định.

Theo quy định tại khoản 2, điều 56 Luật Việc làm thì thời gian hỗ trợ học nghề theo thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng. Theo quy định tại khoản 1, điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24 - 12 -2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia BHTN thì mức hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia BHTN tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.

Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế theo quy định của cơ sở dạy nghề.

Trường hợp người lao động tham gia khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở dạy nghề thì số ngày lẻ đó được tính tròn là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ học nghề.

Theo quy định tại khoản 2, điều 3 Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người tham gia BHTN thì đối với người lao động tham gia BHTN tham gia khóa học nghề có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ học nghề theo quy định tại khoản 1 điều 3 Quyết định này thì phần vượt quá mức hỗ trợ học nghề do người lao động tự chi trả./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ