• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hòa Phát nạo vét và nhấn chìm 15,3 triệu m3 vật chất ra biển: Ngổn ngang nỗi lo

Kinh tế 04/04/2019 10:07

(Tổ Quốc) - Ngày 3/4, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL-KKT) Dung Quất và các khu Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã chủ trì cuộc họp với đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi và các doanh nghiệp đang hoạt động trong KKT Dung Quất, bàn phương án xử lý vật chất trong quá trình nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc các dự án đầu tư tại KKT Dung Quất.

Nạo vét với khối lượng khổng lồ

Theo ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng Ban quản lý KTT Dung Quất cho biết: Hiện nay, nhu cầu nạo vét để tạo độ sâu luồng lạch ra vào cảng Dung Quất của các doanh nghiệp khoảng 27 triệu m3 cát nhiễm mặn, bùn sét…

Trong đó, riêng dự án nạo nét cảng chuyên dùng của Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất là 15,3 triệu m3, đã được Bộ Tài Nguyên – Môi trường chấp thuận cho nhấn chìm xuống biển.

Hiện còn 3 doanh nghiệp đang lập hồ sơ xin nạo vét cảng, luồng tàu vào ra. Bao gồm cảng tổng hợp 6 triệu m3, cảng Hào Hưng 4 triệu m3, dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn II gần 1,67 triệu m3.

"Không có việc chính quyền, cơ quan, ban ngành nào ở Quảng Ngãi ngăn cản việc Hòa Phát nạo vét và nhấn chìm vật chất ra biển, vì doanh nghiệp đã có giấy phép của Bộ Tài nguyên – Môi trường và đang triển khai các thủ tục cần thiết theo lộ trình", ông Tài cho hay.

Hòa Phát nạo vét và nhấn chìm 15,3 triệu m3 vật chất ra biển: Ngổn ngang nỗi lo - Ảnh 1.

Cảng Hòa Phát nhìn từ ngoài khơi vào.

Trong lúc đó, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: "Hòa Phát đã có giấy phép nạo vét và nhấn chìm cát, bùn sét thì không ai có thể ngăn cản. Về phía địa phương, chúng tôi phản ánh tâm tư, lo lắng của nhân dân. Bài học cá chết hồi tháng 10 năm ngoái còn đó, Hòa Phát mới chỉ nạo vét một ít, mà gây nên tình trạng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, người dân phản đối, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, tỉnh phải bỏ ra hơn 8 tỷ đồng hỗ trợ, bản thân Hòa Phát cũng hỗ trợ 500 triệu đồng.

Điều đó chứng tỏ lãnh đạo công ty Hòa Phát – Dung Quất cũng nhận thức được trách nhiệm của mình trong vụ cá chết vừa rồi. Chúng tôi mong là mỗi doanh nghiệp khi sản xuất, kinh doanh, không chỉ tính đến lợi ích của riêng mình, mà cần quan tâm đến cả lợi ích chung của xã hội, của nhân dân trong vùng dự án, đặc biệt là vấn đề môi trường".

Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát – Dung Quất cho biết: Sau khi được Bộ Tài nguyên – Môi trường cấp Giấy phép nhận chìm vật chất ở biển, với khối lượng 15,3 triệu m3, doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục cần thiết để trong quý II này bắt đầu nạo vét khoảng 6 triệu m3 cát, bùn sét. Trong đó, Hòa Phát – Dung Quất sẽ sử dụng 2 triệu m3 cho việc san lấp nội bộ, 4 triệu còn lại sẽ nhấn chìm tại khu vực đã được cấp phép. 

Ông Lê Văn Lý, đại diện Công Ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi cũng khẳng định: Chúng tôi ủng hộ phương án đưa vật chất nạo vét lên bờ, có thể dùng để san lấp. Hiện bãi chứa của chúng tôi đã đầy nên chưa thể tiếp tục nạo vét cảng với khối lượng khoảng 4 triệu khối, trong khi nhu cầu nạo vét tạo độ sâu luồng tàu vào ra là rất bức thiết."

Cần cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng việc nhận chìm vật chất nạo vét

Theo chuyên gia Hải dương học Trần Văn Sâm nhận định: "Việc nhận chìm cát, bùn sét nạo vét cảng Hòa Phát trên phạm vi 180 héc-ta ở vùng biển Dung Quất dễ gây ảnh hưởng các loài sinh vật biển. Hàng triệu m3 vật chất nạo vét nhận chìm bị tác động bởi sóng biển, dòng hải lưu có thể gây bồi lấp thảm thực vật, di sản biển nơi đây".

Hòa Phát nạo vét và nhấn chìm 15,3 triệu m3 vật chất ra biển: Ngổn ngang nỗi lo - Ảnh 2.

Máy hút cát công suất lớn sẵn sàng hoạt động.

Trước đó, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều khuyến nghị trong việc thực hiện công viên địa chất (CVĐC) Lý Sơn- Sa Huỳnh. Theo tiến sỹ Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GGN: CVĐC Lý Sơn – Sa Huỳnh hoàn toàn có đầy đủ tiềm năng và triển vọng để trong tương lai trở thành thành viên mạng lưới CVĐC toàn cầu của UNESCO.

Tuy nhiên, ông Martini khẩn thiết đề nghị chính quyền Quảng Ngãi quan tâm bảo vệ môi trường trong khu vực công viên địa chất, ít nhất là tại 81 điểm dự kiến tham quan nằm trong các tour- tuyến du lịch. Có như vậy mới bảo vệ và phát huy được giá trị của CVĐC Lý Sơn- Sa Huỳnh.

PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng: nếu đổ 15 triệu m3, trong đó có 2 triệu m3 bùn sét, dĩ nhiên có ảnh hưởng môi trường biển nhưng cái đó quản lý, kiểm soát được.

Về việc nhấn chìm vật chất ở biển Dung Quất, trong phạm vi xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Quảng Ngãi chia sẻ: Khả năng tác động điểm địa chất (đối với quá trình nhận chìm vật chất tại Dung Quất - PV) rất khó nói, về trực tiếp thì không ai có thể nói, còn chứng minh khoa học thì lâu dài, quan điểm rõ ràng là đổ chất thải từ nạo vét là ô nhiễm.

Việc xử lý bùn, cát trong quá trình nạo vét cảng biển là bế tắc của Việt Nam, chứ không phải của riêng doanh nghiệp, trong quá trình phát triển phải có, trừ khi không sản xuất thì mới không có. Có nhiều phương pháp, quan điểm nhiều nhà địa chất hiện nay của thế giới là chỗ nào lở thì đổ lên, trôi lại đổ. Vấn đề không phải là chỉ có cát không, trong đó có thể nó có nhiều thứ khác. Cứ tác động vào tự nhiên thì sẽ có hệ quả.

Thạc sĩ môi trường Trương Thị Bích Hồng, giảng viên trường đại học Phạm Văn Đồng bày tỏ quan điểm: Việc người dân có phản ứng và lo lắng là hiển  nhiên. Chưa tính đến việc khối lượng vật chất có chứa những thành phần độc hại, chỉ cần mang một khối lượng lớn như thế nhận chìm sẽ có những tác động đến hệ sinh vật khu vực bị nhận chìm. Còn nếu như có thành phần độc hại thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và nhiều vấn đề khác.

Việc nhận chìm vật chất nạo vét của Hòa Phát cần phải cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng, cụ thể. Trong trường hợp khu vực nhận chìm thuộc công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh thì càng phải thận trọng, bởi vì sẽ dễ làm tổn thương đến di sản. Nếu đã là di sản thì tuyệt đối không được tác động. Nếu kiểm tra mà khu vực công viên địa chất bị ảnh hưởng thì sẽ không được UNESCO công nhận.

Tuyệt đối không được để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường

Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn khẳng định: Quan điểm của địa phương là nhất quán, là làm sao để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, không có chuyện quay ngoắt hay làm khó doanh nghiệp. Hòa Phát đã có giấy phép nhận chìm vật chất thì doanh nghiệp cứ tiến hành theo lộ trình. Nhưng nếu gây ô nhiễm, doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Phương án đưa cát, bùn sét nạo vét lên bờ thể hiện tính chủ động, là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, huyện, của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, cũng là vì chính lợi ích của doanh nghiệp, của Hòa Phát, làm sao để người dân tin tưởng, yên tâm làm ăn, sản xuất, cuộc sống không bị xáo trộn, khó khăn.

Hòa Phát nạo vét và nhấn chìm 15,3 triệu m3 vật chất ra biển: Ngổn ngang nỗi lo - Ảnh 3.

Các hồ tôm với đất nhiễm bỏ hoang thuộc các dự án sản xuất theo công nghệ sạch, khu đô thị, khu dân cư ven sông Trà Bồng có thể san lấp bằng cát nhiễm mặn.

Đại diện cảng vụ Dung Quất cũng nêu rõ: Không chỉ Dung Quất, mà tại các cảng biển trong cả nước, việc nhấn chìm vật chất nạo vét là cực kỳ khó khăn. Cục Hàng Hải luôn ưu tiên phương án đưa vật chất nạo vét lên bờ. Ngoài cát có thể san lấp, có khoảng 20% bùn cần được xử lý riêng. Vì vậy đề nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm quy hoạch, xây dựng các bãi thải để chứa những chất không thể san lấp hay nhấn chìm.

Sau khi thảo luận, đại diện phía doanh nghiệp, ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát – Dung Quất chia sẻ: Tập đoàn Hòa Phát đầu tư vào Dung Quất, với rất nhiều hạng mục, góp phần phát triển tầng kỹ thuật, xã hội cho địa phương, như hệ thống điện, nước, đường sá đồng bộ, hiện đại… Tháng 7 tới, Hòa Phát Dung Quất chính thức đi vào sản xuất. Tiến độ dự án là rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả kinh tế, vì vậy, việc nạo vét cảng chuyên dùng của doanh nghiệp là bức thiết.

"Khi lãnh đạo địa phương đưa ra chủ trương mới, đều dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội, chứ không thể vì lợi ích riêng của doanh nghiệp mà quên đi lợi ích của công đồng, của xã hội, đặc biệt là vấn đề môi trường", ông Đinh Văn Chung nhấn mạnh.

Hòa Phát cũng mong muốn sử dụng cát nhiễm mặn từ nạo vét để san lấp, đây là nhu cầu thiết thực, hiệu quả. Trước đây, Hòa Phát - Dung Quất từng đề nghị được mua cát nạo vét từ cảng Hào Hưng để san lấp, nhưng vướng các thủ tục, quy định pháp lý nên không thực hiện được.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban quản lý KKT Dung Quất Nguyễn Minh Tài khẳng định: Các doanh nghiệp được phép nạo vét trong khu vực cảng Dung Quất, phải đăng ký với Ban Quản lý KKT Dung Quất về nhu cầu, lộ trình, khối lượng, đặc tính của vật chất nạo vét để xây dựng kế hoạch chung cho toàn bộ khu vực cảng, tránh chồng chéo, cản trở nhau.

Từng doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật, cái gì được nhận chìm, cái gì không được nhận chìm. Tuyệt đối không được để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đến chính quyền địa phương và đến chính lợi ích của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Quảng Ngãi.

Riêng việc sử dụng vật chất nạo vét để san lấp những vùng trũng thấp, nhiễm mặn trong khu KKT Dung Quất, Ban QL KTT Dung Quất sẽ xem xét cụ thể, trình UBND tỉnh nghiên cứu, quyết định.

Hoài Thương

NỔI BẬT TRANG CHỦ