(Tổ Quốc) - Xem Bác Hồ là lẽ sống, họa sĩ Lê Duy Ứng không nhớ nổi mình đã vẽ bao nhiêu bức họa về Bác Hồ. Cho tới nay ông đã có một gia tài đồ sộ với hàng nghìn bức tranh, tượng về đề tài Bác Hồ và chiến tranh mang ý nghĩa nghệ thuật, lịch sử sâu sắc.
Trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, có những bức tranh về Bác được vẽ bằng máu ẩn chứa những câu chuyện vô cùng đặc biệt, cảm động. Một trong số đó là tác phẩm của Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng. Ông đã lấy máu từ hai con mắt bị thương rất nặng của mình vẽ bức tranh chân dung Bác Hồ trong thời khắc sinh tử.
"Ánh sáng niềm tin!"
Họa sĩ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông là Đại tá Lực lượng vũ trang nhân dân, họa sĩ, nhà điêu khắc, thương binh hạng 1/4. Ông từng học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội với quyết tâm theo đuổi con đường hội họa. Năm 1971, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xếp bút nghiên, tình nguyện xung phong đi bộ đội đánh giặc cứu nước.
Trong suốt quá trình chiến đấu hay cả trong hiện tại, ông thường xuyên vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức chân dung Bác Hồ được vẽ bằng máu lấy từ đôi mắt bị thương của trong chiến trường năm 1975 có ý nghĩa đặc biệt và sức sống mãnh liệt tới hôm nay.
Họa sĩ Lê Duy Ứng bồi hồi kể lại: "Bức tranh được tôi vẽ trong trận chiến ác liệt tại cửa ngõ Sài Gòn. Khi quân đội Việt Nam Cộng hòa cố thủ, bảo vệ vòng ngoài Sài Gòn, tôi theo đoàn quân, mũi cánh đông, tiến vào giải phóng. Tôi được giao nhiệm vụ ghi lại hình ảnh bộ đội chiến đấu bằng máy ảnh, máy quay và cặp vẽ để đưa vào truyền thông.
Rạng sáng 28/4/2975, khi đang tác nghiệp, thì một quả đạn chống tăng nổ làm tung xích xe tăng, bên cạnh tôi, người đồng đội là chiến sĩ trinh sát đã hy sinh. Còn tôi bị thương rất nặng ở hai mắt và bất tỉnh.
Tôi không nhớ mình ngất đi bao lâu. Nhưng khi tỉnh lại tôi thấy mình rất tỉnh táo. Lúc đó, tôi nghĩ mình sắp ra đi vì kinh nghiệm nhiều năm trên chiến trường, người bị thương mà tỉnh táo là sắp hy sinh. Vì vậy, tôi đã rút cặp vẽ mang theo bên mình, lấy một tờ giấy Rô Ki và bắt đầu chấm máu từ đôi mắt của mình để vẽ chân dung Bác Hồ, cờ Tổ quốc, cờ Đảng bay phấp phới sau lưng Bác. Đồng thời tôi ghi lại dòng chữ "Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân." ký tên cẩn thận và bỏ vào túi ngực trái tim mình rồi ngất đi không biết gì nữa".
Trong khoảnh khắc sinh tử ấy, ông vẫn luôn nghĩ tới Tổ quốc và Bác Hồ với một niềm tin chiến thắng mãnh liệt. Có lẽ chính sức sống quật cường và niềm tin mãnh liệt đã giúp ông hoàn thành bức họa vô giá trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt như vậy. "Bức tranh tượng trưng cho tình cảm của tôi, tình cảm của nhân dân Việt Nam với Bác - vị cha già dân tộc. Không những thế, bức tranh còn là minh chứng cho một thế hệ trẻ, thế hệ của tôi đã đi theo tiếng gọi của non sông đất nước, đi theo lý tưởng của Bác Hồ. Vì độc lập tự do của tổ quốc mà chúng tôi đã không quản ngại hy sinh gian khổ trước bom đạn của quân thù, xông lên giải phóng đất nước. Đó là quyết tâm sắt đá, niềm tin sắt son đối với vị lãnh tụ vĩ đại, với tổ quốc với Đảng quang vinh." Họa sĩ Lê Duy Ứng xúc động chia sẻ.
Suốt cuộc đời mình, họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng đã sáng tác hàng nghìn bức tranh, tượng giành nhiều giải thưởng, trong đó phần lớn là những bức tranh, tượng về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông kể từng được đi nhiều nơi, tham gia giao lưu, thưởng lãm khắp mọi miền Tổ quốc và cả nước ngoài.
Họa sĩ Lê Duy Ứng kể, tại triển lãm tranh và tượng ở Nhật Bản, Thụy Điển ông nhận được câu hỏi: "Tại sao trong lúc ngã xuống ở chiến trường, họa sĩ không vẽ cha mẹ mà lại vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh?". Tôi trả lời rằng: "Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại, là thần tượng đối với tôi. Bác luôn luôn là nguồn sáng trong tôi. Bác Hồ là người đưa nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi. Bác Hồ là người mang cơm no, áo ấm, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, trong đó có gia đình tôi. Bác Hồ là điều thiêng liêng đối với tôi, với nhân dân Việt Nam và toàn thế giới. Bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn vô cùng xúc động."
Nhân ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, ông đã tặng lại bức huyết họa cho Bảo tàng Hồ Chí Minh trưng bày, cất giữ. "Vì tôi vẽ bức tranh máu trên giấy Roki nên rất khó lưu giữ đường nét. Tôi vô cùng xúc động khi tới bây giờ bảo tàng cất giữ bức tranh của tôi rất cẩn thận. Bức tranh được để trong một khung kính với nhiệt độ đặc biệt để lưu giữ nguyên vẹn những đường nét của bức tranh. Và tôi cũng rất biết ơn những chiến sĩ vô danh đã giúp tôi cất giữ bức tranh khi tôi bị thương rất nặng ở chiến trường." Họa sĩ chia sẻ thêm.
"Hỏng mắt con tạc tượng Người"
Ngay cả lúc nằm bên bờ vực của sự sống và cái chết, ông vẫn một lòng hướng về Tổ quốc thân yêu với niềm tin chiến thắng mãnh liệt. 30/4/1975 khi nghe tin Sài Gòn giải phóng, hai miền Tổ quốc không còn bị chia cắt, ông vui mừng khôn xiết.
Sau khi giải phóng, ông được đưa về Hà Nội và nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y viện 108. Được bác sĩ xếp loại thương tật 90% vĩnh viễn, thương binh 1/4, ông vô cùng buồn tủi. Ông nhiều lần muốn quyên sinh vì không còn nhìn thấy ánh sáng, màu sắc, không thể vẽ được nữa. Ông cảm thấy mất hy vọng và niềm tin vào cuộc sống.
Nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, nhận được sự động viên của các y bác sĩ, gia đình những người yêu mến, ông dần chấp nhận và có thêm nghị lực sống. "Tôi may mắn được gặp gỡ giáo sư, bác sĩ Đào Xuân Trà - Trưởng khoa mắt Bệnh viện Quân y 108 lúc đó. Thấy tôi ngồi buồn bã ở ghế đá ông vỗ vai động viên: "Ứng ơi Ứng đừng buồn. Mình sang Liên Xô công tác, thấy một người mù nặn tượng đẹp lắm. Ứng là họa sĩ, Ứng thử chuyển sang điêu khắc xem sao".
Có lẽ với ông lúc đó, đây không chỉ là một lời động viên đơn thuần nữa, nó như một sự mách bảo cho sự chuyển mình và thay đổi. Sau đó, ông đã tự mày mò, bằng tất cả những kiến thức về hội họa, về điêu khắc ông tập làm quen với cưa với đục để tiếp tục sáng tạo nghệ thuật.
Với một đôi bàn tay tài hoa, một trái tim nóng, ông đã hoàn thành được bức tượng đầu tiên là tượng Bác Hồ. "Tôi khắc thêm dòng chữ: "Hỏng mắt con tạc tượng Người/ Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con". Tác phẩm của tôi được rất nhiều lời khen từ mọi người, điều đó khiến tôi vô cùng hạnh phúc." Ông nói.
Luôn xem Bác Hồ là lẽ sống, là ánh sáng bất diệt trong tâm hồn, là nguồn cảm hứng sáng tạo vô bờ, nên trong những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời, ông luôn hướng về Bác và sáng tạo những tác phẩm về Bác.
Làm quen với cưa với đục khi mắt không còn sáng, họa sĩ không ít lần tay bị bật máu. Sau này khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm Bệnh viện Quân Y 108, xem ông tạc tượng Bác Hồ và động viên như giúp ông có thêm khích lệ, nhiệt huyết sáng tạo. Ông chia sẻ: "Đại tướng có nói với tôi một câu rất xúc động: "Nhạc sĩ Beethoven sáng tác những tác phẩm âm nhạc bất hủ khi điếc cả hai tai. Một nhạc sĩ cần âm thanh để sáng tác cũng như một họa sĩ cần đường nét, màu sắc để sáng tạo. Là họa sĩ mà hỏng mắt, đồng chí hãy lấy tấm gương đó để phấn đấu và rèn luyện." Vì câu nói đó của Đại tướng mà tôi vươn lên, tiếp tục sáng tạo nghệ thuật."
Cũng chính vì lẽ đó mà, họa sĩ Lê Duy Ứng có thể duy trì sức sáng tạo cho đến tận bây giờ. Những lời động viên, khích lệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hồi sinh ông lại một lần nữa.
Phía bên kia nguồn sáng
Họa sĩ Lê Duy Ứng cho biết, năm 1982 ông được giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) mổ ghép giác mạc thành công trong 4 tiếng đồng hồ. Mắt ông đã sáng trở lại. Đây cũng là thời gian ông sáng tác nhiều nhất.
Hội họa trở lại với ông như một điều kỳ diệu. Ông vẽ lại những cảnh tượng ông đã chứng kiến về những cánh rừng thương binh ngã xuống, về những sinh hoạt đời thường của người lính,...
Nhưng rồi đôi mắt cũng dần yếu đi. Năm 2005, ông sang Nhật Bản mổ lần thứ hai và nhìn được thêm ba năm thì mắt bắt đầu mờ đi. Từ đó tới nay, ông chủ yếu tạc tượng.
Tính tới thời điểm hiện tại, ông đã có 45 cuộc triển lãm về tranh và tượng khắp ba miền đất nước và thế giới. Trong đó có 9 giải thưởng mỹ thuật trong nước và quốc tế.
Trong 45 cuộc triển lãm khắp ba miền đất nước và thế giới đều có những kỷ niệm đặc biệt. Nhưng cuộc triển lãm đặc biệt nhất với ông là cuộc triển lãm tại 29 Hàng Bài, Hà Nội vào năm 1989. "Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới xem triển lãm của tôi. Và ông đã ghi lại một lời vô cùng xúc động vào sổ cảm tưởng: "Xem những bức tranh và pho tượng của Lê Duy Ứng tôi vô cùng xúc động. Người đều có thần, cảnh đều có hồn, cả đất nước đã đứng lên chiến đấu theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại. Chúc Lê Duy Ứng với tâm hồn trong sáng hiếm thấy và tài nghệ trong nhiều thể loại có những tác phẩm lớn. Tại cuộc triển lãm hôm đó còn có Tổng bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch nước Võ Chí Công, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng tới xem. Đó là niềm vinh hạnh lớn của tôi," ông tự hào kể lại.
Với ông, bức tranh, bức tượng nào ông cũng đặt tất cả tình cảm, tâm huyết của mình vào. Với đôi tay tài hoa ông đã vẽ cả ngàn bức tranh, điêu khắc hàng trăm bức tượng khác nhau. Ông chính là người đã biến những khúc gỗ vô tri, vô giác trở thành tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa đặc biệt. Mỗi bức tượng, mỗi bức tranh đều ẩn chứa tình cảm sâu sắc của người họa sĩ thương binh.
Và có thể duy trì được sức sáng tạo tới ngày hôm nay đó chính là sự đam mê, say đắm với nghệ thuật. Họa sĩ chia sẻ rằng: "Tôi luôn nhớ lời Bác Hồ dạy rằng nếu muốn thành công với nghề thì cần có sự đam mê. Và một câu nói nữa của Bác mà tôi luôn để trong tâm tưởng là: "Thương binh tàn nhưng không phế." Chính vì vậy mà tôi luôn cố gắng sáng tạo và làm việc hết mình. Đồng thời tôi cũng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền, cơ quan với thương binh như tôi. Tôi vô cùng xúc động với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền. Từ những cái đó là động lực giúp tôi có thể tiếp tục sáng tác tới bây giờ".
Có thể nói, họa sĩ Lê Duy Ứng khi mất đi đôi mắt ông đã sáng tạo bằng một thứ ánh sáng mãnh liệt từ tâm hồn, từ trái tim. Ông trở thành một tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. Nhờ những tác phẩm của ông mà những giá trị về một thời bom đạn vẫn còn nguyên vẹn và trường tồn theo thời gian. Thế hệ trẻ sẽ nguyện viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc, noi gương các thế hệ cha anh đi trước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh./.