(Tổ Quốc) - Thông tin này được TS. Phạm Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện CNTT-TT, trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
TS. Phạm Huy Hoàng cho biết, mỗi năm có hơn 50% sinh viên giỏi chuyên môn và thành thạo tiếng Nhật, tốt nghiệp chương trình đào tạo CNTT Việt Nhật của ĐH Bách khoa HN được Nhật tuyển dụng với mức lương như kỹ sư CNTT Nhật, tương đương khoảng 50-60 triệu đồng/tháng.
Theo TS Hoàng, xuất phát từ nhu cầu nhân lực phục vụ làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp CNTT Nhật Bản, chương trình đào tạo HEDSPI được bắt đầu triển khai tại ĐH Bách khoa HN từ năm 2006. Đây là chương trình được xây dựng dựa trên nền tảng của một trường kỹ thuật hàng đầu Việt Nam để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ thị trường CNTT Nhật Bản.
Kết thúc thời gian hỗ trợ của tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA giữa hai chính phủ Việt Nam - Nhật Bản sau 5 năm vận hành, từ năm 2011, chương trình HEDSPI được vận hành như một chương trình đào tạo kỹ sư chính quy chất lượng cao của Viện CNTT-TT, trường ĐH Bách khoa HN với tên gọi chương trình đào tạo CNTT Việt Nhật.
Đây là chương trình được được xây dựng với thời lượng 173 tín chỉ, trong đó có 27 tín chỉ tiếng Nhật bắt buộc và 6 tín chỉ tiếng Nhật chuyên ngành bắt buộc chiếm khoảng 20% tổng thời lượng chương trình đào tạo.
Để so sánh với một chương trình kỹ sư CNTT đại trà của trường ĐH Bách khoa HN, chương trình CNTT Việt Nhật cần đầu tư thời gian học nhiều hơn khoảng từ 150 - 170% và phải trình độ tiếng Nhật N2 sau khi tốt nghiệp (trình độ thấp nhất là N5 và cao nhất là N1), tương đương với sinh viên chuyên ngành tiếng Nhật sau khi tốt nghiệp tại ĐH Quốc gia HN.
Hàng năm, các kỹ sư tốt nghiệp chương trình CNTT Việt Nhật đã được đón nhận tại thị trường Nhật, với khoảng 30 lượt công ty CNTT Nhật sang tuyển dụng trực tiếp các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và sang Nhật làm việc ngay sau khi nhận bằng đã khẳng định chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp chương trình CNTT Việt Nhật.
Được biết, trong vòng 4 năm tới, Nhật Bản có nhu cầu tuyển 30.000 kỹ sư CNTT người nước ngoài làm việc tại Nhật chủ yếu từ Ấn Độ và Việt Nam. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực tìm cách hợp tác với các trường của Nhật Bản và Việt Nam để có thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn này như FPT Software với chương trình đào tạo 10.000 Kỹ sư CNTT nói tiếng Nhật, hay Rikkeisoft với mục tiêu 1000 kỹ sư CNTT phục vụ thị trường này.
Việc đáp ứng nhu cầu rất lớn này của thị trường quan trọng này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nguồn lực tối đa và phải có chương trình hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cả số lượng và chất lượng./.
Tuấn Minh