(Tổ Quốc) - Sáng 2/3, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã tổ chức Tổng kết công tác hoạt động của Học viện năm 2023, định hướng hoạt động trong năm 2024, cầu nguyện quốc thái dân an. Dự buổi gặp mặt có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, các chức sắc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, các nhà nghiên cứu khoa học.
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội là học viện đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đào tạo Phật học của giáo hội Phật giáo Việt Nam. Học viện có chức năng nhiệm vụ giáo dục, đào tạo tăng ni thế hệ trẻ ở bậc đại học và sau đại học, đáp ứng yêu cầu của giáo hội, nhằm đào tạo các thế hệ tăng, ni có kiến thức, có đức hạnh để tinh tiến, đảm nhận trọng trách truyền bá Phật pháp, phục vụ lợi ích dân sinh, phục vụ đạo pháp và dân tộc.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện cho biết, hiện Học viện có gần 800 tăng, ni sinh đang tham gia học các hệ từ tiến sỹ trở xuống. Học viện luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các nhà khoa học, giáo sư, tiến sỹ trong hệ thống giáo dục, nghiên cứu của cả nước, đã luôn sát cánh giúp đỡ trong công tác giáo dục cả về chuyên môn và tư tưởng, nhận thức.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn quan tâm đến sự phát triển trí thức Phật giáo, đào tạo tăng tài của đất nước, đặt trong hệ thống giáo dục Phật giáo của cả nước. Nếu như 10 năm về trước, Học viện chỉ đào tạo từ hệ đại học trở xuống thì đến nay đã đào tạo đến tiến sỹ Phật học. Đây là vinh dự lớn, nhưng cũng là khó khăn đối với Học viện, vì nâng tầm đào tạo vừa cao, vừa sâu, vừa rộng, đòi hỏi đội ngũ giáo sư, giảng sư, học sinh phải rất cố gắng.
Cũng theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Học viện luôn lấy chất lượng làm đầu. Để những tăng, ni sinh sau đại học xứng đáng với một người được mang danh tiến sỹ phật học, Học viện luôn thỉnh mời các giáo sư, tiến sỹ uy tín hàng đầu đất nước về giúp trong hoạt động nghiên cứu chuyên sâu này.
"Các trường bên ngoài một ngày có thể chỉ dạy 4-5 tiết học, nhưng với Học viện là nơi đào tạo các chức sắc tôn giáo tiêu biểu của Phật giáo, chịu trách nhiệm gánh vác, kế thừa phật sự của Giáo hội trong tương lai, nên 24/24h vừa ăn ở, vừa học, vừa tu. Hơn nữa còn có những kiêng kị của tôn giáo, các tăng, ni sinh phải thực hiện. Sự khác biệt của trường chức sắc tôn giáo ở chỗ các chức sắc tu cùng học sinh, ăn cùng học sinh, học cùng học sinh"- Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho hay.
Giáo sư, Phó Viện trưởng, Cư sĩ Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh cho biết, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội có 4 hệ đào tạo và 3 cấp học. Học viện coi giáo dục bậc cao đẳng là cần thiết, trước mắt đáp ứng yêu cầu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở vùng sâu, vùng xa; cử nhân là cơ bản, nền tảng; sau đại học, đặc biệt là tiến sỹ, là bản sắc của Học viện Phật giáo Việt Nam. Hiện có 336 vị đang theo học sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ).
Bên cạnh giáo dục đào tạo, hoạt động nghiên cứu cũng được Học viện chú trọng. Học viện phối hợp với Học viện Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Phật giáo với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội"; tổ chức Tọa đàm khoa học "Giáo dục - đào tạo đại học và sau đại học Phật giáo: Nhận diện và phát triển".
Năm nay, Học viện sẽ phối hợp với Học viện An ninh nhân dân tổ chức tọa đàm về Hồ Chí Minh với Phật giáo, kết hợp với Viện Tôn giáo và tín ngưỡng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo toàn quốc về giáo dục Phật giáo, phục vụ sự phát triển của Giáo hội.
Sau phần gặp mặt, các đại biểu, chức sắc Phật giáo cùng đông đảo Phật tử đã thực hiện nghi thức cầu nguyện quốc thái dân an./.