(Tổ Quốc) - Ngày 31/5, UBND Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) phối hợp với HoiAn Innovation Hub và Tonkin Media tổ chức tọa đàm “Hội An – Làng nghề lên số”. Đây là một trong chuỗi hoạt động của sự kiện “Nét hoa nghề Hội An” lần thứ 3, năm 2024.
Tham dự tọa đàm có các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị của thành phố, các nghệ nhân, thợ thủ công, các đại diện Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố và các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực liên quan đến nghề thủ công.
Đặc biệt, tọa đàm có sự tham gia, hướng dẫn giới thiệu của các chuyên gia xây dựng chiến lược truyền thông, chuyên gia xây dựng mô hình du lịch, chuyên gia về truyền thông du lịch.
Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn để kết nối các nhà quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ thủ công để đánh giá toàn diện về vai trò của các nghề thủ công Hội An trong con đường phát triển bền vững của thành phố, về giá trị của danh hiệu Thành phố sáng tạo trên lĩnh vực "Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian" của UNESCO, thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm nghề truyền thống; đồng thời cung cấp, hỗ trợ kiến thức cho các làng nghề về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu chuỗi giá trị làng nghề.
Toạ đàm cũng là cơ hội thảo luận, đề xuất giải pháp, cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để tối ưu chuỗi giá trị làng nghề, hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, trong kho tàng di sản văn hóa của thành phố Hội An, các nghề/làng nghề truyền thống là một bộ phận cấu thành nên di sản văn hóa với hơn 50 nghề truyền thống, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Đô thị cổ Hội An. Các làng nghề truyền thống là những thực thể văn hóa sống động, gắn với quá trình phát triển của vùng đất và cộng đồng dân cư, dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử vẫn bảo lưu được những nét tinh hoa riêng có của ngành nghề.
Trong những năm qua, thành phố Hội An đã tập trung bảo tồn, từng bước phục hồi lại diện mạo sống động, nhộn nhịp của một số làng nghề, xóm nghề, ngành nghề truyền thống đặc trưng; nổi bật như nghề khai thác yến sào Thanh Châu, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, rau Trà Quế đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hội An cũng nổi tiếng với các nghề thủ công như làm đèn lồng, da, may mặc, đầu lân, mặt nạ, hoa đăng, chạm trổ, điêu khắc, đắp vẽ,…Đặc biệt gần đây, Hội An đã xuất hiện những nghệ nhân tiên phong trong các nghề thủ công sáng tạo nên các tác phẩm độc đáo từ đất sét, tre, củi lũ, bẹ dừa nước, gốc cây, các vật liệu tái chế,…
Hội An đã kiên trì nỗ lực và đạt rất nhiều thành tựu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo của các nghề thủ công, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm và thu nhập của người dân, tạo ra các sản phẩm văn hóa - du lịch thu hút.
Tuy vậy, theo ông Hùng, đa phần sản phẩm của các nghề/ làng nghề tại Hội An vẫn vận hành dưới hình thức "xuất khẩu tại chỗ", chủ yếu phục vụ cho hoạt động du lịch dịch vụ tại thành phố; nguồn nhân lực trong hoạt động nghề thủ công suy giảm; thành phố vẫn còn loay hoay trong việc tìm kiếm các giải pháp đầu ra cho sản phẩm.
Tiếp thị kỹ thuật số là một lối mở để làng nghề truyền thống tìm kiếm "làn gió mới"; giúp đưa sản phẩm ra toàn cầu, tiếp cận mục tiêu và thị trường chính xác hơn, tăng doanh số qua thương mại điện tử, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí…
"Trong thời đại công nghệ 4.0, làm thế nào để các nghề thủ công của Hội An có thể chuyển mình, bắt kịp và hòa nhập cùng với thời cuộc; làm sao để phát triển hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề, xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm là những điều còn băn khoăn và trăn trở đối với chính quyền thành phố Hội An", ông Hùng chia sẻ.
Theo đại diện Công ty Công nghệ Haravan - ông Trần Cao Trí, kinh nghiệm cần lưu ý với các làng nghề ở Hội An là cần có câu chuyện thương hiệu riêng kết hợp yếu tố truyền thống đặc trưng Hội An (đầu vào) với những sáng tạo hội nhập (đầu ra) để thuyết phục khách hàng trong việc tiếp thị số. Cùng với đó các chủ thể làng nghề cũng cần có đa kênh bán hàng để đa dạng hóa nguồn tiếp cận khách hàng đồng thời nên quản lý tập trung kênh bán để tối ưu nguồn lực.
Còn chuyên gia marketing của Tiktok Việt Nam - ông An Bui cho rằng, có một xu hướng thương mại điện tử mới đang diễn ra trên tiktok là việc thương mại độc đáo được dẫn dắt bởi nội dung có tính giáo dục và giải trí cao. Bên cạnh đó, Tiktok cũng có sáng kiến "chợ phiên OCOP" livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu trên nền tảng số vào sáng thứ Bảy hàng tuần.
"Hiện nay nhu cầu kết nối cảm xúc thông qua giá trị từ nội dung ngày càng được người tiêu dùng đề cao. Trong khi đó Tiktok hiện giúp người mua tìm thấy sản phẩm đúng nhu cầu dễ dàng hơn. Tiktok là một không gian sáng tạo lớn mà các làng nghề thủ công truyền thống cần có chiến lược để tiếp cận hiệu quả", ông An Bui chia sẻ.
Đại diện Tonkin Media - ông Võ Quốc Hưng cho hay, trong thế giới sản xuất công nghiệp, người tiêu dùng có xu hướng kết nối và tìm kiếm tính xác thực với nhà sản xuất. Hàng thủ công thường đi kèm với những câu chuyện, lịch sử độc đáo làm cho những món đồ có ý nghĩa hơn. Đây là một khía cạnh, lợi thế mà làng nghề ở Hội An cần tận dụng, khai phá bằng tiếp thị kỹ thuật số để kết nối với khách hàng trên toàn cầu./.