• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội họa Việt Nam: Tranh Việt thiếu sức hút do đâu? ( Bài 2)

11/10/2012 13:14

(Cinet) – Việt Nam không chỉ là nơi có trường đại học Mỹ thuật đầu tiên trong khu vực Châu Á mà còn là nơi sinh ra nhiều bậc danh họa có tên tuổi được biết đến rộng rãi trên thế giới.

(Cinet) – Việt Nam không chỉ là nơi có trường đại học Mỹ thuật đầu tiên trong khu vực Châu Á mà còn là nơi sinh ra nhiều bậc danh họa có tên tuổi được biết đến rộng rãi trên thế giới.

Tranh của họa sĩ Phạm Luận trong một cuộc triển lãm tại LondonTranh của họa sĩ Phạm Luận trong một cuộc triển lãm tại London

>>Hội họa Việt Nam: Vị thế tranh Việt trên thị trường thế giới? (Bài 1)

Mỗi năm Việt Nam lại có thêm đến cả trăm họa sĩ tốt nghiệp từ các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước. Trong số hàng trăm họa sĩ ra trường để gia nhập vào nền hội họa Việt Nam có được mấy người khẳng định được cá tính, phong cách của riêng mình? Mấy người có thể sống bằng việc bán tranh? Con số này rất ít, đa phần các họa sĩ không tên tuổi, không tìm được một phong cách riêng cho mình đều xin việc tại các công ty quảng cáo, phục vụ công việc vẽ quảng cáo. Nhưng con số đông nhất phải nói đến lực lượng họa sĩ tại các xưởng vẽ tranh nhái rẻ tiền, tranh chép được sản xuất hàng loạt phục vụ khách du lịch…và đây cũng chính là một phần nguyên nhân.

Phải gọi thị trường tranh ở Việt Nam là một thị trường tự do, mà tự do theo đúng nghĩa của nó. Tự do vẽ, tự do bán, tự do tiếp thị và tự do mua. Cơn lốc của thị trường tranh nhái, tranh chép gây nên sự ức chế sáng tạo cho các họa sĩ thực thụ và gây nên sự u mê về thẩm mỹ cũng như cách nhìn nhận của người chơi tranh.

Những kiệt tác được sao chép nhiều nhất của các danh họa Leonardo da Vinci, Van Gogh.  

Tranh được chép thì đủ các chủng loại, kích cỡ từ các kiệt tác của những danh họa thế giới như: Leonardo da Vinci, Van Gogh, Claude Monet hay Picasso…Cho đến những danh họa Việt Nam như Nguyễn Phan Chanh, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân…Thậm chí lớp họa sĩ đương đại nổi tiếng của Việt Nam như Thành Chương, Lê Thanh Sơn, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong…cũng bị nhái hàng loạt.

Tranh nhái, tranh chép được bày bán hàng loạt

Tranh nhái, tranh chép được sản xuất  với đủ kích thước, trường phái...

Giá bán những tranh chép này cũng tùy tiện, tự do như nguồn gốc của chúng, dao động từ 800.000 đến 2.000.000 đồng 1 bức tùy vào độ “hot” và kích cỡ tranh. Chỉ cần dạo quanh một vòng phố cổ ở Hà Nội sẽ thấy hàng loạt các xưởng sản xuất tranh với các sản phẩm nhái được bày bán rất công khai. Theo số liệu thống kê mới đây thì ở Hà Nội có đến 120 cơ sở và thành phố Hồ Chí Minh thì có đến 160 cơ sở sản xuất tranh chép, tranh nhái…Chưa nói đến chính bởi thị trường buông lỏng như vậy nên vài năm gần đây tranh chép từ Trung Quốc cũng từng bước lấn sâu vào thị trường tranh Việt Nam. Tranh Trung Quốc được nhập với giá rẻ , cùng  một tác phẩm được chép như nhau nhưng tranh Trung Quốc bền màu và có chất lượng khá hơn tranh chép Việt Nam.

Khách du lịch đang xem tranh tại một cửa hàng chuyên bán tranh chép, tranh nhái.

Nhưng nạn tranh chép, tranh nhái cũng chỉ làm một trong những lý do khiến thị trường tranh Việt mất dần vị thế bởi những khách hàng mua loại tranh này đều nhận thức được rõ các “tác phẩm” mình mua chỉ là tranh chép. Họ mua cốt yếu là để làm kỷ niệm, để trưng bày, ngoài ra có một số người yêu nghệ thuật thực sự song không có đủ tiền mua những tác phẩm thật đành phải mua một bức tranh chép về treo thưởng thức.

Những tác phẩm phố với màu sắc tươi sáng của họa sĩ Lê Thanh Sơn

Nguyên nhân quan trọng trong việc tranh Việt yếu thế là bởi sự thiếu sáng tạo, bên cạnh đó là thiếu định hướng phát triển lâu dài. Những năm mới mở cửa, khi thị trường tranh Việt bắt đầu sôi động, nhiều họa sĩ đương đại nổi lên và khẳng định tên tuổi tại thị trường trong nước. Tranh của họ vào thời gian đó bán rất chạy vì thế các gallery nước ngoài cũng lựa chọn để triển lãm và giới thiệu tranh Việt với thế giới. Những tên tuổi như Thành Chương, Phạm Luận, Lê Thanh Sơn, Lê Quảng Hà, Đào Hải Phong...đã từng được nhắc đến trong giới hội họa Việt Nam và Châu Á. Nhưng cũng chính bởi sự thành công của những họa sĩ này đã tạo nên một làn sóng "ăn theo". Nếu như họa sĩ Thành Chương nổi tiếng với các bức chân dung tự họa; Lê Thanh Sơn nổi tiếng với những bức tranh phố đầy màu sắc tươi sáng, Đào Hải Phong lại khẳng định phong cách của mình mới những mảng màu cá tính...thì "lớp họa sĩ" chưa tên, chưa định hình được một phong cách riêng lại "mượn" những phong cách này để đem vào tác phẩm của mình. Những họa sĩ đó, người thì “lười” sáng tạo, người lại không có khả năng tạo dựng một phong cách riêng cho mình nên đã chọn cách đơn giản nhất, đó là mượn phong cách của người khác, sửa đổi đôi chút và đưa lên tranh của mình. Chính bởi cái sự "lười" sáng tạo đó nên các họa sĩ đã tự hạ thấp tên tuổi của mình. Không những thế, chính bởi việc "ăn theo" đã khiến cho tranh Việt bị nhàm chán bởi quá nhiều phong cách trùng lập.

Phong cách, cá tính với những mảng màu mạnh trong các tác phẩm của họa sĩ Đào Hải Phong

Bên cạnh đó, nạn tranh giả cũng là một nhức nhối khiến thị trường tranh Việt bị mất điểm. Nạn tranh giả hoành hành không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, ở đâu tồn tại kiệt tác là ở đó có nạn tranh giả. Giới chơi tranh hẳn còn nhớ, cách đây không lâu, ở TP. Hồ Chí Minh đã rung động bởi sự kiện mua bán tranh giả và họ xem đó là bài học “xương máu”. Nạn nhân của trò lừa đảo trên là một danh nhân người Hàn Quốc. Ông ta bỏ ra gần cả triệu USD để mua tranh của 2 danh họa Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái. Khi mang về cố quốc nhờ chuyên gia giám định mới biết mình mua lầm tranh giả, ông gần như ngất xỉu, còn kẻ lừa ông thì chắc cả đời chỉ mong được một lần như vậy. Năm 2008, dư luận trong nước cũng đã ồn ào bởi sự kiện họa sĩ Bùi Thanh Phương đâm đơn khởi kiện hãng đấu giá Sotheby’s bởi hãng này cho đấu giá các bức tranh giả của cha ông – danh họa Bùi Xuân Phái. Họa sĩ Bùi Thanh Phương nêu rõ 4 trong số 5 bức tranh được Sotheby’s cho đấu giá tại Hông Kông là tranh giả. Vậy có thể thấy đến hãng đấu giá Sotheby’s lừng danh cả thế giới cũng bị nhầm lẫn thì nạn tranh giả của Việt Nam chuyên nghiệp đến mức nào.

Bức họa Trước giờ diễn - bức tranh bi làm giả của danh họa Bùi Xuân Phái được Sotheby's đem đấu giá.

Nào là tranh chép bán tràn lan, tranh giả được làm một cách chuyên nghiệp rồi lừa bán giá tranh thật, nào là sự ăn theo, bắt chước trong sáng tác…

Khoảng 2, 3 năm nay do tác động của kinh tế suy thoái, thị trường tranh Việt càng trở nên ảm đạm và đìu hiu. Các gallery phần nhiều đóng cửa, một số thì bổ sung thêm các sản phẩm tranh trang trí ( tranh décor) với giá rẻ để duy trì hoạt động…Song cần nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng, không phải bởi suy thoái kinh tế khiến thị trường tranh Việt xuống dốc mà đã từ lâu chúng ta “mất điểm” với bạn bè quốc tế và với cả các nhà sưu tập trong nước. Hội họa Việt có nhiều tài năng, có một nền văn hóa bổ trợ tốt, tranh Việt có thị trường…cái chính là chúng ta cần hoạt động có định hướng và làm việc nghiêm túc chấm dứt những “lỗi” đã mắc phải thời gian dài vừa qua.

Nguyễn Hương

 

 





 

NỔI BẬT TRANG CHỦ