(Tổ Quốc) - Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề: “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong vùng Công viên địa chất”, được tổ chức tại Cao Bằng từ ngày 05/9 - 17/9/2024, với khoảng 800 - 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Cao Bằng phối hợp Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Bộ Ngoại giao chủ trì Hội nghị.
- 26.04.2024 Trải nghiệm phiên chợ non nước Cao Bằng giữa Thủ đô dịp 30/4
- 09.12.2023 Sôi động Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng năm 2023 tại Hà Nội
- 01.10.2023 Công nhận Công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng
- 15.10.2020 Thác Bản Giốc - vẻ đẹp kỳ vĩ giữa non nước Cao Bằng
- 03.10.2019 Tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến với mảnh đất non nước Cao Bằng
Chiều ngày 9/9, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng, Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO tổ chức họp phiên cuối. Ông Setsuya Nakada, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã tái thẩm định 228 Công viên địa chất của 49 quốc gia, trong đó tái thẩm định 213 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, thẩm định thêm 15 Công viên địa chất mới. Việt Nam có Công viên địa chất Lạng Sơn được thành viên Hội đồng bỏ phiếu nhất trí thông qua hồ sơ để trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào thời gian tới.
Trong tái thẩm định đối với những Công viên địa chất đã đạt danh hiệu trên, thành viên Hội đồng đã xem xét hoạt động Công viên địa chất về thực hiện các khuyến nghị của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân sinh sống trong vùng Công viên địa chất thực hiện bảo vệ các giá trị di sản bản địa của Công viên địa chất; thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Công viên địa chất gắn với phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân địa phương, bản địa.
Hội đồng cũng đã xem xét tính tích cực của Công viên địa chất trong tham gia các chương trình, hoạt động của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO; giới thiệu, quảng bá Công viên địa chất, các sản phẩm văn hóa bản địa truyền thống, sản phẩm OCOP của Công viên địa chất trong nước và nước ngoài; xuất bản trang thông tin, quảng bá giới thiệu các hoạt động Công viên địa chất; chia sẻ mô hình Công viên địa chất có cách làm hay, hiệu quả với thành viên Công viên địa chất Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO… Đồng thời, Hội đồng cũng đánh giá về những mặt còn tồn tại của một số Công viên địa chất để thúc đẩy hoạt động tốt hơn vào thời gian tới.
Đối với 15 Công viên địa chất mới, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đề nghị các Công viên địa chất tích cực thực hiện các mục tiêu hoạt động theo đúng các nội dung đã xây dựng trong hồ sơ trình UNESCO xem xét.
Trước đó, Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESO đã bầu ông Setsuya Nakada, thành viên Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, làm Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Ngày 10/9/2024, diễn ra phiên họp của Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu (GGN ExB) nhằm trao đổi, đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu năm 2024; trao đổi thảo luận, xây dựng phương hướng, thống nhất, đưa ra các quyết định liên quan đến các hoạt động của Mạng lưới.
Ngày 11/9/2024 diễn ra các cuộc tiếp xúc, làm việc giữa tỉnh Cao Bằng với Hội đồng và Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; đại diện tổ chức Liên hợp quốc, UNESCO và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; Đại sứ quán các nước nhằm sơ bộ một số nội dung mà Hội đồng CVĐC đã thực hiện khi đến Cao Bằng; giới thiệu về tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của Cao Bằng và khả năng hợp tác với các nước.
Phiên họp của Ban cố vấn Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - TBD (APGN AC) nhằm trao đổi, đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - TBD liên quan đến các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản, quản lý và vận hành CVĐC toàn cầu UNESCO, giáo dục và cộng đồng, kế hoạch hoạt động giai đoạn 2022 - 2024, định hướng các hoạt động trao đổi, hợp tác trong Mạng lưới giai đoạn 2024 - 2026, các quốc gia ứng cử đăng cai Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu Khu vực châu Á - TBD năm 2026 trình bày hồ sơ ứng viên...
Phiên họp của Ban điều phối Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - TBD (APGN CC) nhằm báo cáo kết quả hoạt động của Mạng lưới khu vực châu Á - TBD, CVĐC các quốc gia trong khu vực giai đoạn 2022 -2024 và 9 tháng đầu năm 2024; trao đổi, thống nhất các hoạt động, sáng kiến, triển khai phương hướng hoạt động của Mạng lưới; thông báo sơ bộ về kết quả lựa chọn quốc gia đăng cai Hội nghị quốc tế lần thứ 9 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - TBD năm 2026; Bầu Ban điều phối của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - TBD năm 2024 - 2026.
Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu (2004 -2024) nhằm ôn lại truyền thống, quá trình xây dựng và phát triển Mạng lưới CVĐC toàn cầu qua 20 năm trong việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động bảo vệ môi trường, vì sự phát triển của cộng đồng và phát triển bền vững; nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các thành viên Mạng lưới trong việc thực hiện các mục tiêu chung của CVĐC toàn cầu UNESCO; quảng bá hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO diễn ra tối 11/9.
Từ ngày 12-15/9 là các hội nghị và các phiên hội thảo chuyên đề. Trong đó, sáng ngày 12/9/2024 là lễ Khai mạc Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng. Ngay sau Khai mạc là Lễ cắt băng khánh thành không gian trưng bày, triển lãm, quảng bá. Phiên họp toàn thể các Công viên địa chất được tổ chức trong ngày 12/9/2024 với nội dung tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nối, hợp tác giữa các thành viên trong Mạng lưới; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hiệu quả trong công tác xây dựng và phát huy mô hình CVĐC.
Các phiên hội thảo chuyên đề được tổ chức vào chiều ngày 12/9, ngày 13/9 và sáng ngày 15/9/2024. Các đại biểu dự Hội nghị trình bày các báo cáo, tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng và phát triển, phát huy giá trị mô hình CVĐC, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản địa chất, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể, các hoạt động bảo vệ môi trường, gắn với các hoạt động phát triền du lịch, vì sự phát triển của cộng đồng và phát triển bền vững. Các phiên Hội thảo với 06 chủ đề: (1) Tri thức bản địa và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển CVĐC; (2) Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tai biến địa chất và thích ứng với Biến đổi khí hậu; (3) Điều tra, đánh giá, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các loại hình di sản; (4) CVĐC với các mục tiêu phát triển bền vững; (5) Tuyên truyền, quảng bá, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng ở CVĐC; (6) Khó khăn, thách thức ở các khu vực muốn trở thành CVĐC.Mỗi hội thảo sẽ có 02 chuyên gia chủ trì (chuyên gia về các lĩnh vực chuyên ngành, thành viên Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu, Mạng lưới châu Á - TBD).
Chiều ngày 15/9/2024, bế mạc Hội nghị tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng nhằm đánh giá tổng kết công tác tổ chức Hội nghị; chương trình biểu diễn nghệ thuật và thực hiện nghi lễ trao cờ cho đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị APGN lần 9 năm 2026.
Bên cạnh đó là các hoạt động diễn ra song song và bên lề Hội nghị như: Hội thảo quốc tế phát huy giá trị danh hiệu UNESCO tại Việt Nam phục vụ phát triển bền vững (ngày 11/9); Hội nghị thường niên của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam (ngày 12/9); Hoạt động trao đổi, ký kết biên bản hợp tác giữa các CVĐC trong Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - TBD và một số hoạt động Hội nghị, Hội thảo chuyên đề và trao đổi hợp tác khác; Chương trình trải nghiệm các tuyến du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng và Không gian trưng bày, triển lãm, quảng bá cùng các hoạt động văn hoá, thể thao, văn nghệ mang dấu ấn của cộng đồng các dân tộc tỉnh Cao Bằng./.