(Tổ Quốc) - Hội nghị Trung ương 7 diễn ra từ 7 - 12/5/2018 đang thảo luận về Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” được đưa ra bàn thảo. Bên lề Hội nghị này, nhiều đảng viên, quần chúng nhân dân đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng cũng như đề xuất về công tác cán bộ hiện nay.
Cần thiết, kịp thời
Đảng viên Hà Huy Minh - Đảng bộ Phường Bắc Hà, TP.Hà Tĩnh cho biết: "Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi có thể thấy được sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong công tác chống tham nhũng thời gian qua. Những vụ việc lớn lần lượt đưa ra ánh sáng đã lấy lại niềm tin trong đảng viên và quần chúng nhân dân."
Hình minh họa |
Cùng với đó, đặt trong bối cảnh có một số cán bộ cao cấp thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư bị kỷ luật, cách chức thì việc Hội nghị T.Ư 7 bàn về Đề án công tác cán bộ cấp chiến lược lúc này là hết sức cần thiết, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, của đất nước và thỏa lòng mong ước của nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo.
Để tránh những sai lầm như vừa qua, theo đảng viên này, công tác cán bộ thời gian tới chắc chắn phải dân chủ, công khai và khách quan hơn. Khi bổ nhiệm cán bộ phải lấy phiếu tín nhiệm và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Ý kiến của họ là vô cùng quan trọng vì mỗi cán bộ được bầu lên cuối cùng cũng để làm việc phục vụ lợi ích của nhân dân.
Những người khi được quy hoạch, đề bạt phải được lấy ý kiến của nhân dân tại địa phương, lấy ý kiến của những người làm cùng cơ quan trước đó. Những đảng viên, người dân nơi địa phương đó họ biết tường tận về quan hệ xã hội của những cán bộ trong diện được lựa chọn để bổ nhiệm.
Nếu quy trách nhiệm cho người giới thiệu sẽ hạn chế được tiêu cực
Khi nói về vấn đề này, Đảng viên Phạm Trường Sơn - Đảng bộ Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: "Công tác cán bộ có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, việc chọn cán bộ phải có quá trình và phải xác định rõ chủ trương đưa người cán bộ đi cơ sở là để đào tạo, rèn luyện, từ đó có bước đánh giá mức độ tiếp cận cơ sở, sáng kiến cống hiến, đóng góp tại cơ sở, còn nếu người cán bộ đó không có năng lực thì từng bước có giải pháp để bố trí công việc phù hợp và có biện pháp đào tạo người khác." - Đảng viên này chia sẻ.
Đảng viên Phạm Trường Sơn nêu dẫn chứng về trường hợp thiếu cơ chế giám sát sau bổ nhiệm của ông Nguyễn Xuân Anh (Đà Nẵng). Đây là một bài học rất đau xót trong công tác cán bộ vừa qua. Từ một cán bộ trẻ có năng lực, nguồn lãnh đạo tương lai của đất nước nhưng chỉ vì những sai lầm không đáng có mà Nguyễn Xuân Anh đã đánh mất đi sự nghiệp, niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như quần chúng nhân dân.
Theo đảng viên này, khi luân chuyển cán bộ đi cơ sở thì cấp trên phải có biện pháp giám sát, theo dõi, khi cán bộ đó có dấu hiệu dùng quyền lực được giao để thu vén lợi ích cá nhân thì cấp trên phải kịp thời ngăn chặn, nhắc nhở, nếu không sửa chữa thì bố trí công việc khác.
"Nếu quy trách nhiệm, gắn trách nhiệm cho người giới thiệu, bổ nhiệm, tôi tin rằng, sẽ hạn chế được tiêu cực, ngăn chặn được tình trạng cán bộ lãnh đạo tha hóa, biến chất." - Đảng viên này cho hay.
Thế Công