• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội Nhà văn Hà Nội lý giải việc “mất mùa thơ” trong hai năm liền

Văn hoá 10/12/2017 17:09

(Tổ Quốc) -Cùng lúc xét giải văn học của hai năm, nhưng Hội Nhà văn Hà Nội vẫn không thể tìm ra được tập thơ xứng đáng để trao.

Thơ đang “lép vế” văn xuôi

Theo BCH Hội Nhà văn Hà Nội, Giải thưởng thường niên 2017 là kết quả xét giải thưởng thuộc hai năm 2016, 2017. Năm 2016 do việc chuẩn bị Đại hội nên chưa tiến hành được việc xét và trao giải.

Trong hai năm, tính từ sách in quý 3/2015 đến quý 3/2017 số lượng tác phẩm gửi tham dự giải từ các cá nhân, các nhà xuất bản giới thiệu, các hội đồng phát hiện và đưa vào xét, gồm 111 cuốn sách, trong đó có 60 cuốn văn xuôi, 35 cuốn thơ, 6 cuốn lý luận phê bình và 10 cuốn văn học dịch.

Thường thường, số các tác phẩm thơ dự giải hàng năm cao hơn văn xuôi, nhưng nhìn vào số lượng, năm nay văn xuôi được mùa hơn, đấy là tín hiệu đáng mừng. Văn xuôi thường được chờ đón hồi hộp hơn, có lẽ do nhà văn phải dồn nhiều sức lực, kể cả khối lượng và thời gian cho một tác phẩm. Và có thể vì sự xuất hiện của tác phẩm văn xuôi và tác giả văn xuôi hiếm hơn xuất hiện của thơ, tác giả thơ?.

Nhà văn Tô Hải Vân (giữa) nhận giải thưởng

Thơ dự giải của Hội Nhà văn Hà Nội trong hai năm qua có vẻ bình lặng hơn, mặc dù đội ngũ sáng tác thơ luôn áp đảo các nhà văn của các thể loại khác. Trong sự bình lặng ấy, Hội đồng thơ đề xuất 5 tập thơ để Hội đồng Chung khảo xem xét, bầu chọn giải thưởng: Mùa trong gốm của Lê Anh Phong, Canh chừng lãng quên của Vương Cường, Tự do của Hoàng Xuân Tuyền, và hai tập do Hội đồng thơ của khóa trước giới thiệu được bảo lưu là Chi chi chành chành của Tô Thi Vân, Cây chuyển mùa của Vũ Từ Trang.

Nhà thơ Trần Quang Quý cho biết thêm: Trong những cuốn sách ấy, Tự do của Hoàng Xuân Tuyền đã có dư luận từ ngay sau khi xuất bản, có người cho rằng Tự do có những cách thể hiện mới mẻ và “táo bạo”. Thâm chí có người còn bảo với nhà thơ Trần Quang Quý - khi đó chịu trách nhiệm bản thảo của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, ký phép cho Tự do là “bạo phổi”. Nhưng theo nhà thơ Trần Quang Quý thực ra có lẽ bạn đọc ấy chưa quen nghe giọng “phản biện xã hội” trong thơ. Không khí trao đổi, tranh biện với từng tập thơ của Hội đồng chung khảo còn sôi động hơn cả văn xuôi, khẳng định được những mặt tích cực của từng nội dung, thi pháp của các tác giả thơ năm nay. Thơ vẫn đang tiệm tiến.

Các tác phẩm được vinh danh trong Lễ trao giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2017. (Ảnh: thethaovanhoa.vn)

Tuy có những tập thơ có dư luận, có những ưu điểm ở mặt này mặt nọ nhưng chất lượng chưa đồng đều, chưa có tập thơ nào vượt trội so với mặt bằng và chính tác giả đó ở những tập thơ trước để có thể trao giải nên 100% Ủy viên Hội đồng Chung khảo đồng ý ra nghị quyết không trao giải thơ năm 2017.

Một điểm mới nổi bật trong việc xét giải thưởng năm nay là những tác phẩm được trao giải đều phải đạt 75% số phiếu bầu trở lên, chứ không phải quá bán như trước đây, thể hiện đòi hỏi cao về chất lượng của Hội đồng nghệ thuật - BCH Hội nhà văn Hà Nội.

Nhà thơ, nhà phê bình, nhà báo Phạm Khải khẳng định không phải bây giờ cá nhân được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội mới đánh giá cao chất lượng giải thưởng. Cũng theo nhà thơ này, trong khoảng mươi năm trở lại đây, thực tế cho thấy Hội Nhà văn Hà Nội đã tạo nên một giải thưởng uy tín, được dư luận chú ý. Giải thưởng đối với ông cũng là sự ghi nhận, nhưng quan trọng hơn, sau giải thưởng thì tác phẩm đó có đi vào cuộc sống hay không để khẳng định giá trị và “cái duyên” của tác phẩm.

Hàng loạt nhà văn tên tuổi đã được kết nạp Hội viên

Từ hàng trăm hồ sơ của các tác giả, Ban công tác hội viên, các Hội đồng chuyên môn đã đối chiếu với quy chế; cùng đọc và thảo luận về tác phẩm, trong đó có nhiều tác giả đã là hội viên HNV Việt Nam, để lựa được những người xứng đáng nhất. 33 Hội viên mới được kết nạp thuộc 4 chuyên ngành được kết nạp kỳ này đã trải qua quy trình bình xét nghiêm túc về tác phẩm và bỏ phiếu kín tại BCH, trong đó: thơ 15; văn xuôi: 13; lý luận phê bình: 2; dịch thuật: 3.

Hội Nhà văn Hà Nội cũng cho biết thêm: nhiều tác giả có đơn xin vào hội chưa được kết nạp trong đợt này; nhất là trong chuyên ngành thơ, không phải không xứng đáng mà vì chưa đạt số phiếu quá bán của các thành viên Ban chấp hành. Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định: Cánh cửa của Hội vẫn luôn rộng mở chào đón các tác giả tự nguyện đến với Hội và bảo đảm được các tiêu chuẩn của hội viên.

Các tân Hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội

Tại lễ kết nạp Hội viên năm nay có một điểm đáng chú ý là nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi, đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mấy chục năm nay, hoặc các cây bút và đang là tổng biên tập một số tờ báo cũng được kết nạp, có thể kể đến như: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Ước, nhà văn Nguyễn Như Phong, nhà thơ Lê Thanh Khương, nhà thơ Chu Thu Hằng…

Chia sẻ về việc đã trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mấy chục năm nay, đã từng sáng tác nhiều tác phẩm với chủ đề Hà Nội, nhưng giờ đây mới trở thành “tân hội viên” của Hội Nhà văn Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Như Phong cho rằng, điều này thể hiện “sức hút” của Hội Nhà văn Hà Nội đối với những người cầm bút.

Còn thơ Chu Thu Hằng bày tỏ sự xúc động cũng như ý thức trách nhiệm của mình khi trở thành Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội bằng những tìm tòi, sáng tác chất lượng về Hà Nội.

Sáng 10/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải và Kết nạp Hội viên năm 2017 của Hội Nhà văn Hà Nội. Theo đó, những tác phẩm được trao giải thưởng HNVHN năm 2017 là: Tiểu thuyết 6 ngày của Tô Hải Vân; Phê bình, đối thoại văn học: Trang sách mạch đời của Phạm Khải; Tác phẩm dịch: tiểu thuyết Búp bê của Boleslaw Prus, văn học Ba lan, Nguyễn Chí Thuật dịch . Cuốn Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, được trao tặng thưởng cho Tác phẩm đầu tay. Cùng với đó, BCH Hội Nhà văn Hà Nội đã đọc quyết định kết nạp 33 Hội viên mới.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ