• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội thảo phục vụ xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện tại Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"

(Tổ Quốc) - Sáng 18/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo phục vụ xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện tại Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), GS.TS Hồ Tú Bảo (Viện nghiên cứu cao cấp về Toán) và ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Trong những năm vừa qua, Bộ VHTTDL đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để phát huy vai trò và nâng cao năng lực của các thư viện trong việc cung cấp thông tin và tri thức cho các đối tượng sử dụng. Luật Thư viện đã được thông qua và chính thức có hiệu lực là một niềm vui nhưng đồng thời cũng đặt ra những trọng trách mới cho ngành thư viện, đó là phải làm thế nào để thư viện góp phần phát triển văn hóa đọc, để giúp cho mọi người học tập suốt đời, thỏa mãn nhu cầu học tập nghiên cứu và giải trí của mọi tầng lớp nhân dân.

Hội thảo phục vụ xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện tại Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" - Ảnh 1.

TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 đã xác định một nhiệm vụ quan trọng liên quan đến ngành thư viện, đó chính là việc xây dựng đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống thư viện công cộng. Từ Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những quy định mới đặt ra trong Luật Thư viện, Vụ Thư viện đã tham mưu với lãnh đạo Bộ mở rộng phạm vi của Đề án để tạo ra những định hướng chung cho toàn ngành thư viện với các loại hình khác nhau.

Trên cơ sở đó, Hội thảo phục vụ xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện tại Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn để những người làm công tác xây dựng chính sách, các cán bộ quản lý đại diện cho các loại hình thư viện, các cơ sở đào tạo ngành thông tin-thư viện và các doanh nghiệp cung ứng các giải pháp cho thư viện cùng trao đổi, góp ý, từ đó có các dữ liệu phục vụ việc xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam" và lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý về dự thảo Đề án.

Nhiều tham luận đã được trình bày tại Hội thảo như: Đánh giá thực trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện đại học ở Việt Nam và tại Thư viện Đại học Bách khoa Hà Nội – kiến nghị và giải pháp; Một số đề xuất về lựa chọn phần mềm trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực thông tin – thư viện đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ; Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan thông tin, thư viện của Bộ Quốc phòng; Một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động tại Thư viện Hà Nội; Thực trạng ứng dụng khoa học công nghệ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam;...

Hội thảo phục vụ xây dựng Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện tại Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội thảo.

Đa số các đại biểu đều nhất trí với dự thảo Đề án và có những ý kiến đóng góp nhằm làm sáng tỏ về thực trạng ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam và trên thế giới; thực trạng nguồn nhân lực thư viện và đào tạo nhân lực thư viện ở Việt Nam, đánh giá khả năng vận hành thư viện hiện đại; xác định các lĩnh vực trọng tâm, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam.

Đây cũng chính là những góp ý quan trọng để hình thành nên một dự thảo đề án có giá trị thực tiễn, có khả năng định hướng toàn diện hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong thư viện, để thư viện thực sự có những bước chuyển mình, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, để người dân có điều kiện tiếp cận tới tri thức, thông tin một cách dễ dàng và không bị giới hạn.


Hằng Đinh

NỔI BẬT TRANG CHỦ