• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hội VHNT địa phương, nhiệm kì và sáng tạo

23/07/2017 10:54

(Tổ Quốc) - Thường thì năm năm một lần, các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương tại tổ chức một kì Đại hội.

Với những người cầm bút, đó còn là một ngày hội để được gặp gỡ những bạn văn, để giãi bày những băn khoăn khi cầm bút và nhìn lại những cái “được”của nhiệm kì vừa qua ấy.

Cái “được” của một số người viết được tín nhiệm chèo lái “con thuyền văn nghệ” là những gì họ đã khẳng định được trước người đọc, đã xác lập được hướng đi, cách làm đem lại hiệu quả nâng cao hoạt động của tổ chức và thành quả của mỗi cá nhân.

Chừng ấy thời gian, trong cảm nhận mỗi người một khác. Với những người viết, năm năm qua nhanh khi chưa kịp viết được gì nhiều, còn những bản thảo dở dang, những cuốn sách chưa lọt lòng, những ấp ủ dang dở… Với người đảm đương chức danh lãnh đạo các hội, là biết bao nhiều việc cần phải làm mà giờ tạm gác lại để điều chỉnh, ngẫm nghĩ.

Con đường đi của văn nghệ đôi khi cần cả sự chông gai, sự phản biện quyết liệt và sự chuyển hướng. Có những điều tưởng như là chân lý, qua thời gian lại cần nhận thức lại để tìm ra hướng đi cho phù hợp hơn. Dĩ nhiên, sau những gì đã thực hiện, lời khen cũng nhiều mà sự chê trách cũng không ít. Điều đó thường được “văn bản hóa” thành những hạn chế và tồn tại trong các bản Báo cáo Tổng kết nhiệm kì hay những câu chuyện xoay quanh những nhiệm kì và việc sáng tạo các sáng tác VHNT.

Ảnh minh họa (baophutho)

Những mặt ấy đều đã được báo chí nhắc đến. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà văn Văn Công Hùng khẳng định: “Không một tác giả trẻ nào trưởng thành mà không từ cái nôi của văn nghệ địa phương.” (Văn Nghệ trẻ số 11 ngày 15/3/2009). Tác giả Hà Anh nhắc đến khía cạnh khác của Hội VHNT địa phương:  “Về điểm này, có lẽ các Hội Văn học địa phương cũng nên rõ ràng hơn là để tâm lý “Dĩ hoà vi quý” tồn tại. Vì rằng, các hoạt động sử dụng kinh phí chung như đi thực tế, trại sáng tác là đồng đều rồi thì việc tài trợ sáng tác phải ưu tiên cho tất cả những ai có sáng tác chất lượng, bất kể người đó đã được nhận bao nhiêu lần tài trợ rồi”.

Giữa những chiều ý kiến ấy, với những mục tiêu, phương hướng hoạt động đã đề ra, năm năm của những dự định, ý tưởng đâu phải là quãng thời gian dài để hiện thực hóa. Người viết xin nêu ra những cách làm, những sự lựa chọn đã xuất hiện ở các Hội VHNT địa phương trong mối tương quan với 5 năm thực hiện.

Năm năm là khoảng thời gian vừa đủ để một cây bút đã có vốn sống, những trải nghiệm, đang ở độ chín bứt phá. Kể từ Ngọn đèn không tắt (2000), rồi Biển người mênh mông (2003), Nước chảy mây trôi (2004), năm 2005, Nguyễn Ngọc Tư đã có một tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận gây tiếng vang. Nhưng với những tài năng mới chập chững viết, tìm thấy niềm vui từ sáng tạo họ mới chỉ có sự đam mê và sự nhạy cảm để viết một cách tự nhiên thì chừng ấy thời gian là chưa đủ để các tổ chức hội bồi dưỡng và dìu dắt.

Năm năm, để các nhà văn khai thác những giá trị văn hóa bản địa, lựa chọn những tinh chất ấy để làm giàu có thêm trong tác phẩm. Hẳn chúng ta đều biết những câu thơ của các nhà thơ trung đại, của phong trào Thơ mới đã đến và sống trong kí ức của người dân mà trường tồn. Sự chuyển hóa đó là một nhiệm vụ chính trị (Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân - Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới); là mục tiêu của người nghệ sĩ, buộc người viết phải có cái nhìn sâu sắc hơn, cắt nghĩa, lý giải cặn kẽ hơn bằng “đôi mắt” tài năng như Raxun Gamzatốp đã nói (Đừng nói: “Trao cho tôi đề tài”. Hãy nói: “Trao cho tôi đôi mắt”).

Và năm năm cũng là khoảng thời gian đủ dài để các nhà văn đọc và suy ngẫm về mái nhà chung. Sự phát triển của VHNT đôi khi còn là sự quan sát, lắng nghe, tìm thêm những điểm nhìn tham  chiếu để mỗi người viết, để tổ chức hội có chiều sâu trong các hoạt động chuyên môn. Đó cũng là mong mỏi của nhiều người như tác giả trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ, Hội viên Hội VHNT An Giang mong muốn: “Ở các địa phương, Hội VHNT chính là những “bà đỡ” cần thiết của các văn nghệ sĩ. Vả lại, người sáng tác đâu chỉ cứ chăm chăm coi trọng lĩnh vực, chuyên môn sáng tạo của mình mà quên lãng và xem nhẹ những lĩnh vực, chuyên môn khác. Âm nhạc, hội họa, trình diễn sân khấu, điêu khắc… vô cùng hữu ích cho quá trình sáng tạo của nhà văn. Mà Hội VHNT địa phương là nơi gần gũi nhất để văn nghệ sĩ tiếp cận học hỏi, bổ khuyết nhằm nâng cao tri thức các ngành nghệ thuật và bản lĩnh sáng tạo của mình”.

Hy vọng rằng, sau mỗi kì Đại hội như thế, các Hội VHNT địa phương lại tìm ra những điểm mạnh để tạo thêm những thành quả cho hoạt động của mình.

Kiến Văn

NỔI BẬT TRANG CHỦ