(Tổ Quốc) - Chùa Cầu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) sẽ được trùng tu và phấn đấu hoàn thành trong năm 2022, với kinh phí dự kiến khoảng 20-25 tỷ đồng.
Như Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin, Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc thẩm định Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều), TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, Bộ VTHHDL thỏa thuận Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu, nội dung: Gia cố nền móng, trụ cầu; tu bổ hệ dầm sàn, khung gỗ, mái và kết cấu bao che Chùa Cầu; cải tạo hệ thống điện, chiếu sáng; chống mối công trình; lắp đặt nhà bao che, bảo quản và gia công cấu kiện; số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ tu bổ di tích.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trước mắt dự kiến khoảng 20-25 tỷ đồng để thực hiện dự án, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% và ngân sách TP Hội An bố trí 50%.
"Chúng tôi dự kiến phải trùng tu được trong năm 2022, vì trong năm này dù khách du lịch có tới Hội An nhưng khả năng chưa nhiều. Từ nay đến đầu năm 2022 sẽ hoàn tất các thủ tục, sau đó sẽ triển khai thi công, phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, đối với Chùa Cầu – Hội An là công trình mang tính chất biểu tượng của thành phố, là di tích có giá trị đặc biệt, nằm trong quần thể kiến trúc khu phố cổ di sản văn hóa thế giới, nên việc trùng tu Chùa Cầu không phải là dễ. Hơn nữa, Chùa Cầu còn mang tính tâm linh, tâm thức của người dân Hội An, họ không thể tưởng tượng được một sớm mai ngủ dậy mà không thấy Chùa Cầu, nên việc trùng tu Chùa Cầu là khó khăn, không phải dễ dàng dù hiện tại nó xuống cấp nghiêm trọng.
"Đây là một công trình tổng thể nên buộc phải xử lý căn cơ. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu các phương án xử lý. Hướng là sẽ tháo dỡ toàn bộ, quy trình trùng tu như các di tích, tháo dỡ ra đánh giá từng cấu kiện một, cái nào còn sử dụng được thì giữ lại, cái nào cần thay thế thì thay. Khi tiến hành trùng tu, sửa chữa cũng tính phương án phía ngoài nhà bao che thì in một hình Chùa Cầu giống y hình thật như hiện tại, để người dân và du khách vẫn nhìn thấy bóng dáng Chùa Cầu trong thời gian thi công", ông Sơn cho biết.
Chủ tịch UBND TP Hội An cũng cho biết thêm, quá trình trùng tu công trình này sẽ khác với những công trình xây dựng cơ bản. Khi tháo những hạng mục của Chùa Cầu thì phải có người chứng kiến (đại sứ Nhật Bản, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An…), từng cấu kiện tháo ra sẽ được lập biên bản ghi lại và xử lý như thế nào đều có thống nhất của Hội đồng giữa bên thi công, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đại diện phía Nhật Bản, Sở VHTT&DL và chủ đầu tư...
"Cố gắng làm sao như GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nói là sau khi trùng tu Chùa Cầu "sẽ không trẻ ra và rẻ đi", ông Sơn chia sẻ.
Di tích Chùa Cầu là biểu tượng của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Chùa Cầu trong đô thị cổ Hội An có nét độc đáo về kiến trúc và giá trị văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của người Á Đông. Dù đã trải qua nhiều lần tu bổ, nhưng hiện nay, di tích này bị xuống cấp nghiêm trọng.