• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 2: Những ngôi nhà của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Thời sự 03/07/2024 07:32

(Tổ Quốc) - Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, kết quả của việc triển khai xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo đã thể hiện sự ưu việt của chế độ, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả mọi người dân đều hướng tới sự phát triển của đất nước, mục tiêu chính là bảo đảm sự phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Theo ông Hoàng Công Thủy - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên là một chương trình đặc biệt ý nghĩa, không chỉ là hoạt động an sinh xã hội, mà còn là đợt cao điểm để tuyên truyền, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài về truyền thống yêu nước, về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Đối với MTTQ Việt Nam, đây còn là hành động thiết thực chào mừng Đại hội Mặt trận các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Ông Hoàng Công Thủy cho biết, để thực hiện mục tiêu cùng với tỉnh Điện Biên hoàn thành 5.000 căn nhà trước lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo quyết liệt, giao ban hằng tuần, triển khai nhiều giải pháp kêu gọi, vận động, đôn đốc các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai 4 đợt gửi tin nhắn đến hàng triệu thuê bao di động để kêu gọi; hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức thành viên phát động, kêu gọi trong các tầng lớp nhân dân.

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 2: Những ngồi nhà của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy báo cáo công tác vận động ủng hộ làm đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên - Ảnh: Quang Vinh.

Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy, nhờ sự quyết tâm trong chỉ đạo triển khai, cùng với sự quan tâm ủng hộ đặc biệt của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; sự phối hợp và ủng hộ của các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương, chương trình đã vận động ủng hộ được trên 278 tỷ đồng, trong đó 62/62 tỉnh, thành phố ủng hộ 133,3 tỷ đồng; công chức, viên chức, người lao động các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ủng hộ 10,9 tỷ đồng; các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động, ủng hộ 17,8 tỷ đồng; các tổ chức, tôn giáo, tập thể, cá nhân ủng hộ 17,42 tỷ đồng; các ngân hàng, tổ chức tín dụng ủng hộ 48,3 tỷ đồng; các tập đoàn, doanh nghiệp ủng hộ 50,24 tỷ đồng; đã có hàng chục nghìn tài khoản cá nhân tự nguyện đóng góp, ủng hộ kèm theo nhiều thông điệp ý nghĩa như: "tự hào Điện Biên Phủ", "chào mừng Điện Biên Phủ", Điện Biên Phủ muôn năm…

Trên cơ sở hoàn thành chỉ tiêu 5.000 nhà cho tỉnh Điện Điện, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phân bổ đợt tiếp theo cho 5 địa phương trên địa bàn vùng Tây Bắc (gồm tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái) mỗi tỉnh 100 căn, trị giá 5 tỷ đồng.

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 2: Những ngồi nhà của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - Ảnh 2.

Lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ gia đình ở huyện Điện Biên.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Mùa A Sơn cho biết, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 9 tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và phân bổ 250 tỷ đồng ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tham gia ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn hỗ trợ của Đề án, các hộ gia đình đã chủ động huy động, vay mượn trong gia đình, họ hàng, vay vốn các chương trình ưu đãi làm nhà của Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại cổ phần với số tiền 166 tỷ đồng.

"Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận hưởng ứng của người dân, sau 9 tháng triển khai và tổ chức thực hiện, đến ngày 24/1/2024, 5.000 căn nhà đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước Tết nguyên đán Giáp Thìn. Sau khi được hỗ trợ làm nhà từ Đề án, đã có 1.132 hộ thoát nghèo, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bền vững", ông Mùa A Sơn cho biết.

Chia sẻ những câu chuyện thực tế từ cơ sở, bà Vũ Thị Mai Phương - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên khẳng định, chính tinh thần tương thân ái đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các ngôi nhà đại đoàn kết.

Tại 14 bản trên địa bàn xã khi có hộ khởi công xây dựng bà con hàng xóm và anh em họ hàng cùng đến giúp đỡ dỡ nhà, đào móng, làm sân, đổ nền, dựng lán ở tạm. Có những ngôi nhà được bà con trong bản, họ hàng hỗ trợ toàn bộ ngày công, có ngôi nhà tận dụng lại nguyên vật liệu của nhà cũ còn sử dụng được nên khi hoàn thành kinh phí xây dựng chỉ hết 50 triệu đồng.

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 2: Những ngồi nhà của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - Ảnh 3.

Căn nhà đại đoàn kết được xây dựng tại huyện Mường Ảng - Ảnh: Điện Biên TV

"Nhớ lại khoảng thời gian cách đây mới một năm, 146 ngôi nhà trong hiện trạng dột nát, có nguy cơ sụp đổ cao. Nhưng hôm nay, thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang, sạch sẽ. Sau khi được nhận hỗ trợ nhà ở, nhiều hộ nghèo đã yên tâm lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo, trong tổng số 146 hộ được hỗ trợ làm nhà đã có 94 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã" bà Mai Phương chia sẻ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 9 tháng tỉnh Điện Biên hoàn thành được 5.000 căn nhà đại đoàn kết. Kết quả này không chỉ là sự nỗ lực của MTTQ Việt Nam, tỉnh Điện Biên, sự đóng góp của xã hội, cộng đồng dân cư mà còn cho thấy tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương thân tương ái và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình để có được những căn nhà mới cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam – Trung tâm đoàn kết toàn dân tộc

Đánh giá rất cao chủ trương xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai trong thời gian qua, TS. Bùi Sỹ Lợi – nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội nhấn mạnh, đây là chủ trương rất đúng đắn, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.

"Chúng ta đang cố gắng giải quyết triệt để nhu cầu nhà ở cho người nghèo, người cận nghèo. Đây là mục tiêu ưu tiên quan trọng hàng đầu, thể hiện rất rõ quyền con người. Con người phải có nhà ở, có điều kiện để sinh hoạt, đi lại, học hành…

An cư mới lạc nghiệp, nếu không có nhà ở sẽ không thể phát triển kinh tế. Do vậy việc xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo cũng chính là thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo động lực cho người nghèo vươn lên.

Việc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thành công chương trình xóa 5000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên đã mang lại ý nghĩa rất lớn", ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ.

Hơn 200 ngày đêm "thần tốc" xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên – Bài 2: Những ngồi nhà của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân - Ảnh 4.

TS.Bùi Sỹ Lợi, Đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Từ kinh nghiệm bản thân từng thực hiện chương trình vận động xây dựng nhà ở cho người nghèo, TS. Bùi Sĩ Lợi khẳng định, chương trình xóa 5000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên đã phát huy tổng thể sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

"Đại đoàn kết tức là cả nhà nước, doanh nghiệp các tổ chức xã hội và toàn bộ người dân đều vào cuộc, với tinh thần tập trung sức mạnh toàn diện. Việc triển khai xóa 5000 căn nhà tạm, nhà dột nát ở Điện Biên vừa qua đã thể hiện hiện đúng tinh thần đại đoàn kết, đó là khi tình làng, nghĩa xóm được phút huy tối đa. Mọi người đều chung tay, ai có tiền góp tiền, ai có công góp công", ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Nhiều lần nhấn mạnh xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo là chủ trương rất đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá rất cao vai trò của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam trong triển khai thực hiện chương trình này.

"Mặt trận Tổ quốc có vai trò vô cùng quan trọng, người chèo lái con thuyền, người kêu gọi toàn dân, là trung tâm của đại đoàn kết toàn rất tộc", TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, thời gian qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và MTTQ các cấp đã vào cuộc với tinh thần rất cao. Không chỉ có vai trò chỉ đạo, Mặt trận Tổ quốc cũng tăng cường kiểm tra giám sát, đi cơ sở, phát huy tinh thần xã hội hóa để chăm lo cho người nghèo.

"Qua xây dựng nhà đại đoàn kết cho người nghèo, đã thể hiện được tinh thần dân tộc. Khi khó khăn gian nan, toàn bộ người dân đều hướng tới sự phát triển của đất nước, mục tiêu chính là bảo đảm sự phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau", ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định.

>>> Bài 1: Triệu tấm lòng yêu thương, nghìn mái nhà hạnh phúc

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ