(Tổ Quốc) - Chiều 17/11, Quốc hội xin ý kiến đại biểu ba vấn đề liên quan đến dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Theo kết quả lấy ý kiến, số đại biểu thấy "chưa cần thiết" phải ban hành là 290/393 đại biểu tham gia, tương đương 73,79% trên tổng số phiếu và 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội. Có 25 đại biểu không chọn phương án và ý kiến khác.
Nội dung thứ hai được xin ý kiến là "trên cơ sở ý kiến thẩm tra và thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, đề nghị Chính phủ tiếp thu nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật. Kết quả, chỉ có 169 đại biểu đồng ý, chiếm 43% trên tổng số phiếu và 35,14% tổng số đại biểu Quốc hội.
Trước khi lấy ý kiến, trong các phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đã thể hiện nhiều băn khoăn với dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, trong đó nổi bật là lo ngại “phình” bộ máy, cũng như tăng kinh phí.
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đưa ra một vài số liệu đồng thời nêu quan điểm: “Nếu thành lập lực lượng này thì sẽ tăng thêm 804.000 người hưởng ngân sách hàng tháng chứ không phải giảm 500.000 người như dự thảo luật nêu”.
Ngoài ra, ĐBQH đoàn An Giang cũng đưa ra một vấn đề bất hợp lý trong dự Luật, đó là theo các điều từ 19 - 22 dự thảo Luật này, ngân sách địa phương phải chỉ trả từ trụ sở, phụ cấp, bảo hiểm…"Tôi e rằng ngân sách của địa phương sẽ không còn để đầu tư phát triển, bố trí cho an sinh xã hội”, ông nói.
Cho rằng tính khả thi của dự án Luật cần phải được đánh giá sát với thực tế, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ lo ngại khi dự Luật này được thông qua thì các mô hình tự quản khác có duy trì tiếp hay không và tính pháp lý của các lực lượng này thế nào?.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về một vấn đề khác trong dự Luật, đó là ngân sách bố trí cho lực lượng này theo dự thảo Luật là 1,5 - 1,8 tỷ đồng/tháng/địa phương, thì may ra chỉ có những địa phương như TP HCM, Hà Nội chứ các địa phương ngân sách khó khăn e rằng khó đáp ứng nổi.