(Tổ Quốc) - Điều đầu tiên khiến công chúng nhớ đến là giọng hát đẹp hiếm có và nội lực của Hồng Nhung.
Nền nhạc nhẹ Việt Nam đương đại có nhiều giọng ca vàng nổi tiếng. Nhưng một trong những tên tuổi nổi bật và có độ phủ sóng lớn nhất trong 30 năm trở lại đây phải kể đến Hồng Nhung.
Nên gọi Hồng Nhung là một danh ca
Từ lâu, Hồng Nhung đã được khán giả phong tặng danh hiệu Diva nhạc Việt, cùng với Thanh Lam, Mỹ Linh và Hà Trần.
Tuy nhiên, bản thân Hồng Nhung lại chưa bao giờ tự nhận mình là Diva. Nữ ca sĩ từng chia sẻ, với cô, Diva phải ở cái tầm lớn lao, có ảnh hưởng tới thế giới như Whitney Houston hay Madonna, chứ bản thân mình còn quá nhỏ bé.
Danh hiệu Diva tại Việt Nam hiện nay vẫn còn gây tranh cãi với nhiều luồng quan điểm, ý kiến trái chiều. Mới đây nhất, ca sĩ Hà Trần chia sẻ rằng, danh xưng Diva ở Việt Nam mang tính PR, truyền thông nhiều hơn và bản thân cô muốn được gọi đơn giản là nghệ sĩ.
Vì thế, với trường hợp Hồng Nhung, công chúng nên gọi cô là một nữ danh ca, đúng như lời ca sĩ Khánh Linh nói:
"Từ ca sĩ trở thành nghệ sĩ đã khó, trở thành một nữ danh ca được nhiều người công nhận lại càng khó hơn. Tôi thấy mình như một quả xanh chưa chín, vẫn đang trong quá trình tích lũy để hình thành một lối đi. Trở thành một Danh ca như Hồng Nhung chắc phải còn dài" (Nguồn: Hoinhacsi).
Về giọng hát Hồng Nhung, cần khái quát một số thông tin chung như sau.
Loại giọng/Vocal type : Mezzo Soprano/Dugazon Soprano
Quãng giọng/Vocal range : D3 - C#6 (gần 3 quãng tám)
Quãng hát thoải mái/Tessitura : G3 - B4
Quãng hát hỗ trợ/Support range: E3 – B4 (chest/mixed) - Bb5 (head voice)
Note belt cao nhất/Highest belting: F#5
Long notes/Note kéo dài nhất: 20 giây
Giọng hát có âm sắc đẹp hiếm có
Đạo diễn Lê Hoàng từng nói: "Nói về Hồng Nhung mà không nói về giọng hát, thì chả khác nào kể về voi mà không miêu tả đôi ngà, kể về tê giác mà không viết về sừng tê.
Hồng Nhung có một giọng hát trong vắt và cao. Trong đến nỗi khi nàng hát về Hà Nội, nhiều kẻ chắc mẩm phố xá ở đó xây toàn bằng pha lê; khi nàng hát về trái tim trong Nhà hát Lớn, tự nhiên khán giả thấy da thịt mình như bằng thủy tinh, và nhìn thấy rõ những trái tim đang nhảy múa.
Còn giọng nàng cao tới mức nhiều đêm diễn, nó xuyên thủng trần nhà" (Nguồn: Nguoiduatin).
Bởi vậy, điều đầu tiên cần bàn tới khi nhắc về Hồng Nhung là giọng hát đẹp và hiếm của cô. Hồng Nhung được xem là sở hữu âm sắc giọng đẹp hiếm có tại Việt Nam trong ít nhất là 30 năm trở lại đây.
Chất giọng này hội tụ đủ mọi yếu tố của một giọng hát đẹp bẩm sinh: đầy đặn, tròn trịa, vừa mềm mại lại vừa khỏe khoắn, khi thì trong trẻo lanh lảnh, vang như tiếng chuông khánh, khi lại dày, sâu, ấm áp.
Thậm chí, khi các giảng viên thanh nhạc tại Nhạc viện Ukraine nghe màn trình diễn của cô lúc đã ngoài 40 tuổi (đã mất giọng), họ vẫn phải khen ngợi rằng giọng hát này rất đẹp.
Bẩm sinh Hồng Nhung là một nữ trung bản năng và sinh động. Màu giọng vô cùng đặc biệt, linh hoạt có một không hai giúp cô hát được từ quãng trung trầm tối, nặng lên quãng trung vang rền đầy mạnh mẽ, rồi tới quãng cao bay bổng thánh thót như một giọng Soprano.
Bởi vậy, có quan điểm cho rằng, Hồng Nhung là một Dugazon Soprano (loại giọng đặc biệt mang âm sắc của nữ trung lẫn nữ cao rõ nét, tách bạch, không pha trộn) chứ không phải Mezzo Soprano thông thường.
Đặc trưng này thể hiện ở giọng hát Hồng Nhung là dày và tối ở quãng trung và trầm (G3 - B4) nhưng có thể đột ngột biến chuyển thanh sắc trên cao độ tương tự để trở nên mềm mại, sáng như chuông.
Nói một cách đơn giản, trong Hồng Nhung tồn tại hai giọng hát là Lirico Mezzo Soprano và Light Lirico Soprano song song với nhau suốt thời thiếu nữ tới hiện tại.
Điều này là vô cùng hiếm có, khác hoàn toàn với một số ca sĩ bắt đầu sự nghiệp với giọng Soprano, nhưng vì tuổi tác nên chuyển thành Mezzo Soprano ở giai đoạn sau này. Có thể nói, tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam chỉ có duy nhất Hồng Nhung sở hữu chất giọng đặc biệt như vậy.
Chẳng hạn, head voice của Hồng Nhung sáng hơn head voice của một Mezzo Soprano thông thường và mảnh, trong, cao vút tương đương với một Soprano.
Nếu chỉ nghe Hồng Nhung phiêu những đường legato bằng head voice, ai cũng nghĩ cô đích thị là một Light Lirico Soprano theo kiểu Khánh Linh, Ngọc Lan, Thùy Chi vì nó quá sáng, quá mềm mại, thuần khiết.
Tuy nhiên, ngay từ thời trẻ, Hồng Nhung đã có thể xuống quãng trầm rất tốt và hát quãng trung với độ dày, tối tự nhiên như một nữ trung, mà không cần gồng gánh hay hạ thanh quản.
Do cấu tạo phát âm đặc biệt nên giọng Hồng Nhung có độ vang và sáng bẩm sinh, theo đúng chất giọng kim chính cách (loại giọng có tính xuyên thấu và vang xa, sang sảng).
Độ vang này phát ra ngay khi cô nói chuyện bình thường, nên rất bắt mic. Nó giúp Hồng Nhung hát một cách thoải mái, dễ dàng, không cần gắng sức.
Độ sáng kết hợp cùng độ vang bẩm sinh trong một giọng nữ trung giúp Hồng Nhung dễ dàng hát nổi trên dàn nhạc cũng như những giọng ca khác nếu hát chung.
Vì vậy, dù không phải một giọng hát quá dày, quá to, quá lực như Thanh Lam, Siu Black, Phương Thanh..., cũng không cần phải hát lên gân, chỉ cần belt giọng một cách bình thường, Hồng Nhung vẫn nổi hơn nhiều giọng hát khác.
Đó là lí do vì sao Hồng Nhung chưa từng một lần bị áp đảo trên sân khấu, ngay cả khi phải hát với nhiều giọng ca to khỏe khác, dù cô hát rất bình thường, không theo lối phô diễn nội lực hay cộng minh ầm ầm.
Tiếng hát nội lực của Hồng Nhung cũng từng được nhạc sĩ Nguyễn Cường nhắc đến và khen ngợi:
"Không bao giờ tôi quên được hôm ấy: đúng 12 giờ, còi tan tầm hú khi Hồng Nhung đang hát đến cao trào Diều ơi cho em bay... Ai khác thì coi như xong rồi. Vậy mà cô bé vẫn hát.
phút sau tiếng còi dịu xuống thì tiếng hát của Hồng Nhung như toát ra từ chính cái tiếng còi ấy, và vẫn căng cái nốt ấy! Tiếng vỗ tay bis bis thật nồng hậu mà toàn là người trong nghề cả.
Lúc về đoàn, tôi chỉ lo mỗi một việc: Hồng Nhung sinh 1970, 15 tuổi, ai cho cô bé HCV bởi đây là cuộc thi chuyên nghiệp. Thế mà Hồng Nhung vẫn cứ được HCV bởi vì hát ghê gớm quá" (Nguồn: Tuoitre).
Không chỉ vang, sáng, giọng hát Hồng Nhung còn được phú thêm độ xốp, mềm mại và êm ái. Điều này thể hiện rõ nhất lúc cô nói chuyện (thời trẻ) một cách bình thường nhất.
Ai từng nghe Hồng Nhung trò chuyện trên sân khấu đều thấy rằng, giọng nói của cô nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, rõ ràng, có trầm có bổng, có thanh có sắc, lại uyển chuyển, đưa đẩy, nghe rất lôi cuốn.
Từ giọng nói đẹp này dẫn tới một giọng hát đẹp và tự nhiên đến hiếm thấy. Nhiều khán giả phải thừa nhận rằng, Hồng Nhung càng hát mộc bao nhiêu (tức không làm màu, không phô diễn kĩ thuật) lại càng hay bấy nhiêu, và hay nhất là khi hát acapella (hát chay không nhạc đệm).
Bản thân nhạc sĩ Dương Thụ cũng phải thừa nhận, Hồng Nhung hát hay nhất khi mộc mạc, giản dị nhất. Ông nói:
"Tôi thích nghe Hồng Nhung hát trong phòng thu và những lúc Nhung hát giản dị, mộc mạc, tức là không diễn, không làm màu. Chỉ lúc đó, tôi mới lại được thấy một cô Bống tuy chín chắn hơn, già dặn hơn nhưng vẫn đúng là Bống.
Hồng Nhung hát nhạc của tôi hay nhất. Bống hát nhiều khi vì cảm xúc nhiều quá mà quên mất cả kỹ thuật.
Dĩ nhiên, lúc nào cần có kỹ thuật thì Bống sẽ có ngay, một người lâu năm như vậy thì không có gì để bàn về kỹ thuật thanh nhạc cả… Với riêng tôi, Nhung vẫn là người hát hay nhất những gì tôi viết" (Nguồn: Thoidaiplus).