(Tổ Quốc) - Sáng 25/4, tại TP Nha Trang đã diễn ra Hội thảo "Hợp tác hàng không- du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế". Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Hoàng đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của khoảng 250 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện các Sở quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội du lịch địa phương; các chuyên gia du lịch, kinh tế, doanh nghiệp du lịch, hàng không...
Đây là Hội thảo quan trọng triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về du lịch vừa diễn ra ngày 15/3 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi- Tăng tốc phát triển". Qua đó, góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và phát triển du lịch bền vững trong tương lai.
Tìm giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch ổn định, bền vững
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt nêu rõ, những năm qua, ngành hàng không và du lịch luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch Việt Nam đạt 22,7%/năm, đóng góp trên 9,2% vào GDP trong năm 2019 và từng bước khẳng định được vị thế và vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng.
Đại dịch Covid-19 bùng phát ngay lập tức đã làm hoạt động du lịch quốc tế phải dừng lại từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021 và làm gián đoạn hoạt động du lịch nội địa qua 4 lần dịch bùng phát, dẫn đến ngành du lịch Việt Nam bị thiệt hại vô cùng to lớn, chưa từng có trong lịch sử và để lại những hậu quả và hệ lụy hết sức nghiêm trọng.
Trước diễn biến đó, trong năm 2022, ngay sau khi hoạt động du lịch được mở trở lại từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã ban hành những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế tới du lịch Việt Nam như khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19; dừng việc khai báo y tế về Covid-19 đối với người nhập cảnh từ ngày 27/4/2022 và cho phép du khách quốc tế tới Việt Nam không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh từ 15/5/2022.
Đồng thời, sau Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày 21/12/2022 và Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 vào ngày 15/3/2023, ngày 25/3/2023, lãnh đạo Chính phủ đã có những chủ trương mời về việc miễn thị thực đơn phương của Việt Nam cho công dân các nước và một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, sẽ trình Quốc hội xem xét đưa vào nội dung của Kỳ họp Quốc hội lần thứ 5 sắp tới.
Cụ thể là sẽ xem xét việc nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; Nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu.
Cùng với đó, ngày 30/3/2023, Bộ VHTTDL đã xây dựng và lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu "Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững" nhằm góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phạm Minh Chính tại Hội nghị Du lịch toàn quốc, đó là "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, hội thảo ''Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế'' hôm nay tại Nha Trang được tiếp nối thành công từ kết quả Hội thảo ''Hợp tác Hàng không - Du lịch: Kết nối điểm đến du lịch toàn cầu'' năm 2022".
Đây là hội thảo kết nối ngành Du lịch với Hàng không đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng, là một trong những hoạt động triển khai cụ thể chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt là với các dự báo trong năm 2023 và những năm tới, ngành Du lịch sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Nền kinh tế của Việt Nam sẽ có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Tại Hội thảo Thứ trưởng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến tâm huyết nhằm tháo gỡ các "điểm nghẽn'', đưa ra các giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch ổn định, bền vững trong tương lai.
Hội thảo cần tập trung vào Kế hoạch, định hướng của Hàng không trong việc kết nối đường bay quốc tế, mở cửa bầu trời kịp thời đón bắt nhịp phục hồi của thị trường du lịch quốc tế; Giải pháp liên kết, phối hợp giữa ngành Hàng không và Du lịch trong việc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam; Giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch đến Việt Nam, cải cách hành chính cắt giảm quy trình thủ tục phức tạp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp du lịch kinh doanh phát triển.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa xác định tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng, với mục tiêu là đa dạng thị trường khách du lịch, chú trọng thu hút khách nội địa và dần phục hồi các thị trường khách quốc tế có lượng khách lớn đến Khánh Hòa trong những năm trở lại đây như: Nga, các nước khu vực Đông Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... Hơn hết, hướng đến mở rộng thu hút khách từ một số thị trường nhiều tiềm năng như: Ấn Độ, Nhật Bản, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)... đồng thời từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn khách, phát triển sản phẩm du lịch mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và chuyên nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa hy vọng, thông qua các chủ đề tham luận, các ý kiến, giải pháp hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch của các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp hàng không, doanh nghiệp du lịch và các đại biểu tại Hội thảo sẽ góp phần mạnh mẽ vào việc khôi phục các thị trường khách du lịch, phát triển ngành du lịch cả nước nói chung và Nha Trang – Khánh Hòa nói riêng.
Năm 2023, bên cạnh sự trở lại "ngoạn mục" sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỉ giá, lãi suất gia tăng cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019; du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn. Giá vé máy bay tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng giá tour của doanh nghiệp lữ hành.
Để đạt mục tiêu ngành Du lịch đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỉ đồng trong năm 2023, vai trò của hàng không là rất lớn.
Nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế, tăng cường hợp tác hàng không với du lịch trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch đề xuất cần triển khai giải pháp thúc đẩy khai thác mở rộng đường bay quốc tế đến Việt Nam; phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hàng không - du lịch; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và hàng không; tăng cường phối hợp tuyên truyền quảng bá giữa ngành Hàng không và Du lịch.