(Tổ Quốc) - Ngày 22/3, tại Hà Nội, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" với sự tham gia tham luận và thảo luận của các chuyên gia trong và ngoài nước về thực trạng, giải pháp để đưa Việt Nam trở lại hấp dẫn hơn với khách du lịch quốc tế.
Ngành du lịch tại Việt Nam đang chứng kiến sự khởi sắc sau đại dịch với số lượng khách nội địa tăng trưởng cao và khách quốc tế đang quay trở lại. Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế, đây là mục tiêu lớn của toàn ngành khi mà số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 không được như kỳ vọng.
Việc thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương. Đối với mỗi công việc được tạo ra trực tiếp trong ngành du lịch, gần 1,5 công việc khác tăng thêm được tạo ra theo một cách gián tiếp hoặc phát sinh, du lịch cũng được coi là ngành xuất khẩu tại chỗ rất hiệu quả cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Thời điểm trước dịch, năm 2019, du lịch tạo hơn 1,3 triệu việc làm trực tiếp, đóng góp 9,2% tổng GDP cả nước (tương đương với 32,8 tỷ USD).
Việt Nam còn nhiều dư địa, giải pháp để du lịch quốc tế phục hồi và vượt lên con số 19 triệu lượt khách quốc tế năm 2019. Có thể kể đến như tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục xuất nhập cảnh; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới; xây dựng các chuỗi liên kết tạo khả năng cạnh tranh với các nước khác cho từng loại hình du khách; khuyến khích sáng tạo, tận dụng các ý tưởng mới trong phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch…
Vì sao du khách quốc tế vẫn chưa trở lại Việt Nam nhiều?
Tại Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho biết, tại nhiều quốc gia, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chẳng hạn tại Thái Lan trước đại dịch, ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ bath cho nền kinh tế Thái Lan năm 2019, chiếm 18% GDP cả nước, riêng khách quốc tế đóng góp 2.000 tỷ bath tương đương với 12% GDP. Năm 2022, nước này đã công bố chiến lược mới về du lịch có tên gọi là SMILE (nụ cười) với mục tiêu đưa đóng góp của du lịch lên tới 30% GDP của Thái Lan vào năm 2030.
Ngay cả những quốc gia phát triển như Nhật Bản, du lịch luôn là lĩnh vực kinh tế được coi trọng với mức đóng góp trung bình 6-7% GDP. Quốc gia này cũng đặt những kế hoạch mới thu hút khách quốc tế sau đại dịch với mục tiêu phục hồi lượng khách quốc tế vượt mức kỷ lục 32 triệu lượt khách vào năm 2025, đồng thời triển khai chính sách thu hút khách du lịch tầng lớp thượng lưu, là khách có giá trị chuyến du lịch trên 1 triệu yên.
Với Việt Nam, thống kê cho thấy cũng trong năm 2019, du lịch tạo hơn 4,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp 9,2% GDP cả nước (tương đương với 32,8 tỷ USD). Đây là con số đầy ý nghĩa nhưng so với mặt bằng chung toàn cầu thì vẫn còn thấp, đặc biệt rất thấp so với tiềm năng du lịch của Việt Nam.
Việt Nam có một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới (Vịnh Hạ Long); 3 di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An); 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 33 vườn quốc gia; 117 bảo tàng; gần 8.000 lễ hội. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc. Ẩm thực đa dạng, độc đáo, hương vị phong phú tại tất cả các địa phương. Mặt bằng giá cả thấp hơn so với nhiều nước…
Nhưng vì sao du khách quốc tế vẫn chưa trở lại Việt Nam nhiều, trong khi các quốc gia lân cận đang chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục, thậm chí vượt qua cả ngưỡng trước đại dịch và đang đặt ra những tham vọng cao hơn?
Cần truyền thông Việt Nam là điểm đến tươi đẹp, điểm đến có giá trị
Thông tin tại buổi Tọa đàm, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành công khi bắt đầu đổi mới từ năm 1986 đến nay. Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế từ nhiều thị trường khác nhau. Mặc dù đi sau Thái Lan 30 năm về du lịch nhưng Việt Nam chỉ còn khoảng 2 triệu lượt khách quốc tế nữa có thể đuổi kịp Thái Lan, đây là con số đáng nể.
Đáng nói, trong 10 điểm đến hàng đầu của thế giới, Việt Nam thường xuyên có 5-6 điểm, khách du lịch từ các thị trường khác rất ưa chuộng Việt Nam.
Việt Nam cũng là một nước không phụ thuộc vào một thị trường du lịch nào, khách hoàn toàn có thể chỉ đến Việt Nam và không cần kết hợp đến các nước khác.
"Khách du lịch nước ngoài đang chi tiêu gấp 11 lần khách trong nước. Khách ở lại càng lâu chi tiêu càng nhiều. Khách du lịch ở Việt Nam một tuần thì tiêu gấp đôi những người lưu trú dưới 7 ngày nên kéo dài thời gian lưu trú đem lại hiệu quả cao, cải cách thủ tục hành chính, càng nhiều quốc gia được áp dụng visa điện tử càng tốt. Chúng ta muốn khách nước ngoài trở thành các đại sứ, truyền cảm hứng để du khách khác đến Việt Nam", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro nói.
Tuy nhiên, theo thống kê từ Tiến sĩ Nuno, tỉ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam chỉ 8-10%, một con số rất nhỏ so với tiềm năng du lịch của Việt Nam. Do đó, cần có giải pháp để thu hút họ quay trở lại, thay đổi ý nghĩ Việt Nam chỉ là điểm đến một lần trong đời.
"Ngoài các chính sách về visa, cũng cần tới yếu tố truyền thông, đặc biệt cần truyền thông Việt Nam là điểm đến tươi đẹp, điểm đến có giá trị. Từng người Việt Nam, các youtuber, Tiktoker nên đóng góp vào vấn đề này, không nên truyền thông các điểm đến giá rẻ, giảm giá trị điểm đến", Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro nêu đề xuất.
Cần bồi dưỡng cho các cán bộ tại sân bay biết mỉm cười
Ông Martin Koerner, Trưởng tiểu ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng cho rằng, trải nghiệm xuất nhập cảnh ngay ở các sân bay Việt Nam cũng là một trong những lý do khiến khách du lịch nước ngoài từ chối quay lại.
Theo ông Martin, có rất nhiều phản hồi của khách du lịch không chỉ về các hãng lữ hành mà còn về các hàng không, thời gian chờ đợi ở sân bay quá lâu. Có những người bay từ châu Âu, từ Mỹ mất cả chục tiếng đồng hồ, họ mệt lắm rồi mà khi tới cảng hàng không, họ phải trải qua quá trình nhập cảnh kéo dài 2-3 tiếng đồng hồ.
Dĩ nhiên điều này sẽ ảnh hưởng tới tỉ lệ khách du lịch quay trở lại. Nếu khách du lịch tới Việt Nam một lần và ngay tại điểm nhập cảnh đã mất nhiều thời gian như vậy thì trải nghiệm của họ ngay ở đó đã không được vui, không được đón chào. Về sau, khi chọn điểm đến du lịch, họ sẽ chọn nơi khác, có thể là Bali, Thái Lan, Philippines nhưng sẽ không quay lại Việt Nam nữa.
Ngoài ra, theo chuyên gia này Việt Nam cũng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt dịch vụ ở cửa khẩu xuất nhập cảnh: "Khi tôi tới Thái Lan hay các nước châu Á khác, nhân viên ở sân bay là những người tiếp xúc với khách du lịch đầu tiên đều rất thân thiện với nụ cười luôn nở trên môi. Trong khi đó, nhân viên sân bay ở Việt nam, nhân viên xuất nhập cảnh rất nghiêm nghị".
Theo ông Martin Koerner, cần bồi dưỡng cho các cán bộ tại sân bay biết mỉm cười. Điều này có nghĩa rằng họ gửi tín hiệu hoan nghênh khách du lịch nước ngoài tới. Ngay từ điểm đầu và điểm cuối của trải nghiệm khách du lịch đến sẽ để lại ấn tượng rất mạnh, cho họ thấy rằng "Chúng tôi sẵn sàng chào đón quý vị".
Cũng liên quan đến câu chuyện mỉm cười, vị chuyên gia cho rằng việc nhân viên đeo khẩu trang không phải điều khách du lịch muốn thấy tại khách sạn. Bởi nhiều khi tín hiệu gửi cho khách du lịch được thể hiện qua nét mặt, khẩu trang cản trở điều này. Theo ông Martin, đã đến lúc bỏ lại khẩu trang - một phần của lịch sử ở đằng sau.
Trên thực tế, nụ cười cũng đã từng là chủ đề chính trong chiến dịch quảng bá du lịch của tỉnh Quảng Ninh từ năm 2014. Chương trình "Nụ cười Hạ Long" kêu gọi mỗi người dân Quảng Ninh nở nụ cười một cách chân thành nhất, nụ cười cởi mở, nụ cười thân thiện, nụ cười mến khách, nụ cười lịch thiệp, nụ cười rạng rỡ, nhằm xây dựng thương hiệu vững mạnh cho tỉnh Quảng Ninh về một mảnh đất mến khách, thân thiện và lịch thiệp.
Đến năm 2015, Quảng Ninh còn ban hành Bộ Quy tắc ứng xử Nụ cười Hạ Long. Với quyết định này, đây là địa phương thứ 2 trong cả nước (sau TP. Đà Nẵng) ban hành được một bộ quy tắc ứng xử, nhằm điều chỉnh các hành vi trong cán bộ, công chức, cộng đồng dân cư, du khách.
Hay nước láng giềng Thái Lan, nhờ sự thân thiện, nhiệt tình với du khách mà cũng được mệnh danh là "đất nước của những nụ cười".