• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Huế loay hoay tìm phương án bảo tồn phố cổ Bao Vinh

Văn hoá 11/03/2019 09:40

(Tổ Quốc) - Khi chính quyền địa phương đang còn loay hoay tìm phương án để bảo tồn thì những căn nhà hàng trăm tuổi tại phố cổ Bao Vinh vẫn đang "kêu cứu" từng ngày vì sự xuống cấp trong sự trăn trở của người dân.

Tìm Bao Vinh trong hoài niệm

Nằm cách trung tâm TP Huế chừng 3km, phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) vốn là một phần quý của di sản văn hóa Huế. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài với nhiều biến động, địa danh này dường như đang bị rơi vào "lãng quên" và đánh mất dần giá trị của mình. Đây là điều khiến không ít người, trong đó có người dân đang sinh sống tại đây hết sức trăn trở.

Huế loay hoay tìm phương án bảo tồn phố cổ Bao Vinh - Ảnh 1.

Một góc phố cổ Bao Vinh. Ảnh: Lê Chung

Theo tìm hiểu, từ giữa thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, phố cổ Bao Vinh được xem là khu thương mại quan trọng cũng như sầm uất bậc nhất của xứ Đàng Trong. Năm 1636, phủ Chúa sau khi dời từ Phúc An vào Kim Long thì Chúa Nguyễn Phúc Lan đã chọn ngã ba Sình theo hướng trông ra cảng Thanh Hà. Ở đây những năm đầu thế kỷ XVII, các thương nhân người Hoa đã đến định cư, thành lập các phố buôn bán và sinh sống bằng các nghề như buôn muối, gạo, nước mắm, hải sản.

Lúc bấy giờ, buôn bán phát đạt làm lẫy lừng địa danh phố cổ Bao Vinh. Đến cả những thương nhân nước ngoài cũng đánh thuyền vào đây cập bến, trao đổi, buôn bán như Hồng Kông - Ma Cao (Trung Quốc), Nhật Bản, Ấn Độ… Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở phố cổ Bao Vinh nhiều vật dụng như gốm sứ, tiền cổ thời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long còn lưu dấu.

Huế loay hoay tìm phương án bảo tồn phố cổ Bao Vinh - Ảnh 2.

Ảnh chụp thương cảng Bao Vinh năm 1960.

Trong hoài niệm của những người dân đang sinh sống tại Bao Vinh, phố cổ trước rất nổi tiếng với các nghề thủ công như đóng hòm, nghề khảm, cấn xà cừ, làm gạch, ngói và dệt vải mặt nhỏ, làm bột. Từ khi kinh đô thất thủ, các nghề này cũng trở nên mai một dần.

Xét về mặt kiến trúc, cũng giống Hội An, phố cổ Bao Vinh được tạo nên từ những căn nhà rường cổ kiểu phố chợ, sườn gỗ, mái ngói thấp. Nhà được chia ra làm ba gian chính, cửa ở giữa, hai bên là cửa hàng. Nhiều ngôi vẫn dùng kiểu đóng mở bằng những thanh gỗ ghép lại. Dãy nhà bên sông thì thiết kế theo nhà cổ tứ giác, mặt quay ra bờ sông.

Giá trị là vậy, thế nhưng theo dòng chảy của thời gian cùng những biến cố lịch sử, đến nay Bao Vinh đang mất dần tầm quan trọng và đi vào quên lãng. Tuyến phố này giờ chỉ còn lại một vài vết tích với những căn nhà cổ.

Nếu ngày trước, phố cổ Bao Vinh còn hàng chục ngôi nhà có tuổi đời từ 150 – 200 năm thì đến nay phần lớn đã biến mất dần, chỉ còn khoảng 15 ngôi lọt thỏm giữa những nhà cao tầng. Đa số đang bị xuống cấp, hư hỏng.

Huế loay hoay tìm phương án bảo tồn phố cổ Bao Vinh - Ảnh 3.

Ông Phan Văn Tâm chia sẻ về ngôi nhà cổ 140 năm tuổi mà gia đình đang sinh sống. Ảnh: Lê Chung

Ông Phan Văn Tâm (80 tuổi) – Thế hệ thứ tư sống trong căn nhà cổ có tuổi đời trên 140 năm ở phố cổ Bao Vinh cho biết, do được xây dựng quá lâu nên nhà cổ nay bị hư hại nhiều. Nhất là sau trận lũ lịch sử năm 1999 làm thấm dột, hư hỏng toàn bộ mái ngói âm dương. Hiện tại gia đình phải sửa chữa một số hạng mục để vừa làm chỗ ở, vừa bảo vệ căn nhà khỏi bị sập.

"Những ngồi nhà cổ hiện tại là biểu trưng cho phố cổ Bao Vinh, bây giờ đến Bao Vinh thì chẳng còn gì mà nói cả, chỉ còn lại trong lịch sử thôi. Thỉnh thoảng cũng có vài du khách, Tây có, ta cũng có tìm đến ngắm nghía, chụp hình như muốn tìm lại hình ảnh vàng son một thời", ông Tâm chia sẻ.

Loay hoay tìm cách bảo tồn

Theo Quyết định số 166/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2020, khu phố cổ Bao Vinh thuộc 2 trong 3 khu vực cần bảo tồn. Đến năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có có Quyết định 3032/2003/QĐ-UB quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh. Theo dự định, những ngôi nhà cổ sẽ được bảo tồn nhằm phát huy giá trị kiến trúc nhà cổ truyền thống Huế cũng như đưa vào khai thác, phục vụ du lịch.

Huế loay hoay tìm phương án bảo tồn phố cổ Bao Vinh - Ảnh 4.

Qua thời gian, những căn nhà cổ tại phố cổ Bao Vinh dần xuống cấp hư hỏng nhiều hạng mục đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nơi đây. Ảnh: Lê Chung

Lãnh đạo UBND xã Hương Vinh cho hay, nhiều năm qua chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân dân bảo tồn nhà cổ. Tuy nhiên, nhiều gia đình vì kinh tế khó khăn, không có điều kiện tu sửa trong khi những căn nhà cổ đang hư hỏng, chờ sập mà đành bán đi xây lại nhà kiểu mới.

Việc quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy trong khi nhà cổ liên tục biến mất. Thực tế này cũng đang gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong việc xây dựng, sửa chữa. Về vấn đề này, trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần nêu ý kiến.

Huế loay hoay tìm phương án bảo tồn phố cổ Bao Vinh - Ảnh 5.

Những căn nhà cổ còn sót lại đan xen giữa những căn nhà kiểu mới trên tuyến phố Bao Vinh. Ảnh: Lê Chung

Trước đó, tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung Tây – Nguyên diễn ra tại TP Huế giữa tháng 2/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đánh giá, khu vực này, trong đó có Huế là nơi có nguồn tài nguyên du lịch dồi dào. Tuy vậy, việc nhiều tài nguyên du lịch đôi khi cũng là bất lợi, khiến chúng ta khó tìm được một bản sắc, sự nhận diện thương hiệu, lưỡng lự trong lựa chọn ưu tiên, kể cả ưu tiên đầu tư trong điều kiện nguồn lực có giới hạn. Nhiều tài nguyên đôi khi còn là cái bẫy dẫn đến sự thiếu quan tâm, chắt chiu đúng mực trong quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng, khiến cho tài nguyên dễ bị lãng phí, không hiệu quả…

Vẫn biết Bao Vinh và cảng Thanh Hà là một trong những điểm đến của du lịch Huế, nhưng việc khôi phục lại là vô cùng khó khăn vì ngoài việc không có vốn thì chúng ta cũng chưa có một chiến lược cụ thể và quyết tâm cao. Chính quyền địa phương cần xem xét lại quyết định để điều chỉnh, bổ sung hoặc hủy bỏ cho phù hợp với thực trạng và khả năng.

Ông Nguyễn Ngọc Vân – Người dân phố cổ Bao Vinh

Liên hệ thực tế tại Bao Vinh, người dân tại đây băn khoăn đặt ra câu hỏi, hiện Huế có tài nguyên du lịch phong phú với rất nhiều di tích, nhưng trọng điểm chủ yếu vẫn là Đại Nội và các lăng tẩm. Phải chăng vì vậy mà một số di tích như phố cổ Bao Vinh dường như đang bị "bỏ rơi", mất dần đi giá trị?

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra cách đây không lâu, vấn đề quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh cũng được các đại biểu tranh luận rất sôi nổi.

Ông Hoàng Hải Minh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, phê duyệt quy hoạch phát huy đô thị cổ Bao Vinh đã có từ năm 2003, song sau 5 năm phải rà soát và điều chỉnh lại theo quy định. Sở Xây dựng đã xây dựng kế hoạch rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, phân khu phố cổ này được rà soát trong năm 2018 - 2019.

Huế loay hoay tìm phương án bảo tồn phố cổ Bao Vinh - Ảnh 7.

Một số nhà cổ tại Bao Vinh hiện còn lưu giữ khá nguyên vẹn giá trị, hàng ngày vẫn đón khách đến tham quan. Ảnh: Lê Chung

Về đề xuất giải pháp, hiện TX. Hương Trà đang triển khai và dự kiến hoàn thành năm 2019. Để tranh thủ ý kiến chuyên gia và các nhà quản lý, KOICA đã nghiên cứu và đưa vấn đề này vào trong tổng thể dự án chung. Theo đó, các nhà truyền thống ở Bao Vinh sẽ được bảo tồn gắn với phát huy các nghề thủ công mỹ nghệ, có quy định hình thức, màu sắc phù hợp... để phát triển du lịch.

"Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương dự kiến hoàn thành 2018 đầu 2019 sẽ hoàn thành và kế hoạch bảo tồn những ngôi nhà truyền thống này hy vọng sẽ được triển khai sớm", ông Minh cho hay.

Theo ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế, về bảo tồn phố cố Bao Vinh, trước mắt cần có chính sách ưu đãi đầu tư và kinh doanh cho các chủ căn nhà cổ. Bên cạnh đó, cần phục hồi phát triển một số ngành nghề truyền thống mới thu hút được khách du lịch.

"Sở Văn hóa Thể thao đã làm việc với TX. Hương Trà. Tuy nhiên, địa phương cho biết rất khó khăn về nguồn ngân sách hỗ trợ, tôi nghĩ cần có chính sách ưu đãi như đã thực hiện với nhà vườn Phước Tích", ông Dũng cho biết thêm.

Như vậy, trong khi chính quyền địa phương đang còn loay hoay tìm phương án để bảo tồn thì những căn nhà hàng trăm tuổi tại phố cổ Bao Vinh vẫn đang "kêu cứu" từng ngày vì sự xuống cấp. Người dân Bao Vinh còn phải tiếp tục chờ đợi thêm một thời gian nữa mới có lời giải đáp cho những trăn trở của mình.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ