• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Huế với tham vọng trở thành trung tâm du lịch khám chữa bệnh

Du lịch 24/01/2020 14:26

(Tổ Quốc) - Ngoài du lịch văn hóa, di sản, Huế có rất nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển du lịch khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên những tiềm năng này đang bị địa phương bỏ phí một cách khá đáng tiếc khi chưa thể khai thác một cách hiệu quả.

Nhiều tiềm năng còn chưa khai thác hết

Trong 10 năm trở lại đây, du lịch KCB đã phát triển vô cùng mạnh mẽ như một ngành công nghiệp toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Đây là một lĩnh vực không còn mới và đã phát triển ở một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… mỗi năm thu về hàng tỷ USD. Thông qua hình thức vừa đi trị bệnh, vừa nghỉ dưỡng kết hợp du lịch, du khách đổ về các nước có nền y học tiên tiến, sử dụng các dịch vụ với mức chi tiêu cao đã mang lại nguồn thu lớn cho những địa phương mà họ đặt chân đến.

Huế và tham vọng trở thành trung tâm du lịch khám chữa bệnh - Ảnh 1.

Du khách tham quan Kinh thành Huế. Ảnh: Lê Chung

Theo nhận định chung của các hãng lữ hành cũng như các chuyên gia ngành du lịch, Huế lâu nay rất có tiềm năng khai thác lĩnh vực du lịch KCB. Ở Huế có một nền y học cổ truyền lâu đời với nhiều lương y, lương dược danh tiếng góp phần cũng cố, phát triển ngành y học cổ truyền nước nhà. Trong đó, liệu pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam, thuốc Bắc và bấm huyệt châm cứu đang được du khách trong, ngoài nước biết đến.

Ngoài ra, với việc là kinh đô của triều Nguyễn, Huế còn có Thái y viện là một di sản độc đáo đang từng bước được phục hồi và phát huy giá trị. Nhiều chuyên gia, các nhà quản lý xem Thái y viện như là một địa chỉ, một sản phẩm văn hóa tinh thần riêng có ở Huế rất phù hợp với mô hình gắn kết du lịch với khám chữa bệnh.

Bên cạnh y học cổ truyền, Tây y ở Huế cũng được đánh giá không thua kém hai đầu đất nước với hệ thống các bệnh viện có hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Có thể kể đến như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế.. mỗi năm tiếp nhận điều trị cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân trong và ngoài nước.

Huế và tham vọng trở thành trung tâm du lịch khám chữa bệnh - Ảnh 2.

Không gian trưng bày về y học cổ truyền tại Thái Y Viện.

Về du lịch nghỉ dưỡng tăng cường sức khỏe, Huế cũng có những điểm đến nổi tiếng như: Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Tân (Phong Điền), nước khoáng nóng A Roàng (A Lưới), nước khoáng bùn Mỹ An (Phú Vang)…. Đây đều là những điểm đến có thể hình thành tour đủ sức cạnh tranh với các địa phương khác trong mảng du lịch KCB.

Xét về nhân lực, vật lực, có thể nói Huế hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển thành một trung tâm du lịch KCB của cả nước. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, những tiềm năng kể trên vẫn chưa được địa phương tận dụng khai thác một cách triệt để. Du lịch KCB chưa mang về nhiều nguồn thu tương xứng cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế.

Cần xây dựng được tour tuyến riêng

Ông Lê Hữu Minh - Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, Huế hiện có nhiều tiềm năng về du lịch KCB, nhưng việc khai thác tiềm năng này để thành tour du lịch chuyên nghiệp còn rất hạn chế. Hiện tại, ở Huế mới chỉ có Bệnh viện Trung ương Huế đang thu hút một số thị trường khách, nhưng chủ yếu là tự tìm hiểu và khách tự tìm đến chứ chưa có sự kết hợp giữa doanh nghiệp và bệnh viện. Sự kết nối để xây dựng tour tuyến du lịch khám chữa bệnh giữa các bên liên quan chưa tốt.

Huế và tham vọng trở thành trung tâm du lịch khám chữa bệnh - Ảnh 3.

Các vườn thanh trà tại phường Thủy Biều là địa điểm nghỉ dưỡng được nhiều du khách lựa chọn khi đặt chân đến Huế.

Theo ông Trương Thành Minh - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Thừa Thiên Huế, xét về y tế hiện đại, Huế có nhiều lợi thế để cạnh tranh bởi chi phí để khám chữa bệnh chỉ bằng một nửa so với các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, về chất lượng khám chữa bệnh, đội ngũ y bác sĩ ở Huế là không hề thua kém. Điểm yếu của Huế là chưa quảng bá được nhiều về thương hiệu du lịch khám chữa bệnh của địa phương.

"Thời gian qua, ngành du lịch và Bệnh viện Trung ương Huế đã có sự phối hợp tốt hơn trong việc để quảng bá, kết hợp các dịch vụ, kỹ thuật khám chữa bệnh, các thành tựu của y tế tại các hội chợ, sự kiện du lịch... Dù vậy, phía ngành y tế cũng cần có sự chủ động phối hợp hơn, hình thành những dịch vụ điển hình, riêng biệt để kết hợp hình thành tour du lịch", ông Minh nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Văn Chương - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam - Huế cho hay, tiêu chuẩn của dịch vụ khám chữa bệnh ở Huế được đánh giá cao, nhưng chưa áp dụng quy chuẩn nào trong khai thác, phục vụ khách du lịch. Thời gian tới, Huế cần quảng bá tốt hơn về thương hiệu khám chữa bệnh, nhất là về y học cổ truyền và hình thức Thái y viện dưới triều Nguyễn mới có thể thu hút khách.

Huế và tham vọng trở thành trung tâm du lịch khám chữa bệnh - Ảnh 4.

Các lương y trao đổi về các bài thuốc cổ truyền tại không gian Thái Y Viện.

Để Huế trở thành một trung tâm du lịch KCB, theo GS. TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, trong thời gian tới địa phương cũng cần phải tập trung vào một số công việc cụ thể như: Phối hợp với Sở Y tế cùng xây dựng đề án phục hồi Thái y viện trở thành cơ sở khám chữa bệnh cổ truyền. Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyên nghiệp, đặc biệt là đào tạo những người có đầu óc tổ chức, liên kết nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khác nhau phục vụ cho loại hình du lịch KCB. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiếp thị, giới thiệu các kỹ thuật chuyên sâu, phổ biến các thành tựu y học hiện tại cũng giúp du khách biết và tìm đến Huế nhiều hơn.

Vừa qua, tại thành phố Huế, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án "Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030". Đây được xem là việc làm rất cần thiết nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao tại Việt Nam của người có khả năng chi trả, đồng thời thu hút người nước ngoài đến Việt Nam nói chung, đến Huế nói riêng để khám, chữa bệnh và du lịch.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nhận định, để Huế phát triển du lịch KCB quan trọng nhất vẫn phải xây dựng được tour tuyến riêng, kết hợp với tham quan, trải nghiệm Huế ngoài khám chữa bệnh. Trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ chủ động kết nối giữa các cơ sở y tế, các điểm khám chữa bệnh với các đơn vị lữ hành để tháo gỡ khó khăn, sớm có tour tuyến đưa vào khai thác.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ