• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hưng Yên kiến nghị giảm phí, di chuyển trạm BOT trên Quốc lộ 5

Kinh tế 12/09/2017 09:34

(Tổ Quốc) -UBND tỉnh Hưng Yên nêu một loạt lý do để kiến nghị Bộ Giao thông, vận tải, Bộ Tài chính giảm phí và đồng thời chuyển luôn trạm BOT trên Quốc lộ 5 tránh xa phía Hưng Yên.

Đề nghị di chuyển trạm BOT

Trước những phản đối của tài xế bằng cách trả tiền lẻ qua trạm BOT trên Quốc lộ 5, tỉnh Hưng Yên tại Km18+100, UBND tỉnh này vừa có văn bản gửi liên bộ trong đó đề nghị giảm mức thu phí sử dụng đường bộ đối với tất cả các phương tiện chịu phí sử dụng đường bộ khi qua trạm.

Hưng Yên cũng đề nghị nhà đầu tư là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) miễn thu phí cho các phương tiện chịu phí sử dụng đường bộ của nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nằm trong bán kính 5km xung quanh trạm thu phí.

Đó là các xã Trưng Trắc, Lạc Hồng, Đình Dù, thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm); thị trấn Bần Yên Nhân (huyện Mỹ Hào); xã Giai Phạm, Nghĩa Hiệp (huyện Yên Mỹ) để tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, sinh hoạt và sản xuất.

 Tắc tại BOT Hưng Yên. Ảnh: Dân Trí

Đáng lưu ý, lãnh đạo Hưng Yên đề nghị xem xét di chuyển trạm BOT số 1 tại Km18 +100 trên Quốc lộ 5 thuộc địa bàn huyện Văn Lâm về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và Hải Dương.

“Việc này nhằm hạn chế phương tiện đi vào các tuyến đường của tỉnh nhằm trốn vé qua trạm thu phí gây thất thoát ngân sách Nhà nước đồng thời đảm bảo ổn định cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân quanh vùng, đảm bảo an toàn giao thông”- Văn bản nêu.

Trước đó, tỉnh này cho rằng, việc tăng phí của VIDIFI trên Quốc lộ 5 tác động đến chi phí vận tải, đi lại và sinh hoạt của người dân nên nhiều phương tiện vận tải đã tránh trạm thu phí đi vào đường tỉnh, đường huyện của tỉnh, gây thất thu ngân sách Nhà nước; làm tăng đột biến về mật đột phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, làm hư hỏng nghiêm trọng các tuyến đường; gây mất trật tự an toàn giao thông.

Từ ngày 4/9 đến nay tại trạm thu phí số 1 thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên liên tục xảy ra tình trạng nhiều lái xe sử dụng tiền lẻ (loại 200 đồng, 500 đồng) mua vé qua trạm thu phí; điều khiển phương tiện, tuyên truyên, kích động các lái xe khác, người dân địa phương xung quanh kéo ra phản đối, tụ tập đông người gây cản trở làm ùn tắc giao thông trong nhiều giờ.

Công an tỉnh Hưng Yên đã triệu tập một số tài xế và doanh nghiệp liên quan nhưng nhận định, thời gian tới, tình trạng lái xe sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí và tổ chức các hoạt động gây mất trật tự, ùn tắc giao thông có thể vẫn tiếp diễn.

Nhà đầu tư BOT sẽ phải dừng thu phí sau ngày 30/10 nếu không áp dụng thu phí không dừng

Liên quan tới việc thu phí qua các trạm BOT, ngày 11/9, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam tái khẳng định, tất cả các hệ thống BOT khác sẽ phải lựa chọn đơn vị lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ETC và kết nối về Tổng cục.

Nhà đầu tư nào không làm, sau ngày 30/10 tới sẽ phải dừng thu phí.

Tại cuộc họp của Tổng cục về vấn đề này chiều 11/9, một số nhà đầu tư e ngại khi bị ép buộc phải ký với Công ty TNHH thu phí tự động VETC do Bộ Giao thông, vận tải lựa chọn cho 29 trạm. Việc này gây ra sự độc quyền và không có tính cạnh tranh…

Các điều khoản trong hợp đồng giữa chủ đầu tư BOT và VETC cũng còn nhiều vấn đề như sự cố gián đoạn gây ra do lỗi của hệ thống thu phí tự đồng thì bồi thường ra sao, giảm thời gian ký kết dịch vụ thu phí từ 5 năm xuống 2 năm để đánh giá, trong trường hợp không đạt có thể dừng hợp đồng; xe chưa dán thẻ Etag hoặc tiền trong thẻ hết dẫn đến việc thất thu hoặc ách tắc giao thông phải “xả trạm” thì đơn vị nào sẽ đứng ra đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư BOT…

Giải đáp các thắc mắc, ông Huyện cho biết, Bộ này không ép các nhà đầu tư, nhà đầu tư BOT nào chưa cảm thấy thỏa mãn với điều khoản thì có quyền tìm nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ thẩm tra, chấp thuận.

Chính phủ cũng đã có chủ trương để nhà cung cấp đứng ra giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về cho Tổng cục đường bộ quản lý và không để cho một đơn vị thứ 3 quản lý như lo lắng của nhà đầu tư./.

Thái Tùng – Mạnh Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ