(Tổ Quốc) - Dự kiến trong tháng 12/2023, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
- 06.12.2023 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Chúng ta đang có rất nhiều tiềm năng về công nghiệp văn hóa"
- 01.12.2023 Sắp diễn ra Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
- 30.11.2023 Rà soát công tác tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Gắn phát triển công nghiệp văn hóa với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nhấn mạnh, các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.
Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện nhằm thu hút cao nhất các nguồn lực trong xã hội để phát triển công nghiệp văn hóa; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; đồng thời gắn phát triển công nghiệp văn hóa với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…
Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đã yêu cầu Chính phủ quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; đặc biệt là ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam.
Nhận thức sự cần thiết phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn tới, từ sự tham mưu của Bộ VHTTDL, Chính phủ dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tháng 12/2023, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg.
Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt giai đoạn từ nay đến năm 2030; trong đó, tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh, mang nhiều giá trị Việt, có khả năng quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới; ban hành giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tập trung bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với tình hình mới để thúc đẩy phát triển.
Hội nghị còn là dịp để tổng hợp, tiếp thu ý kiến của đại biểu để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam như: tập trung xây dựng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững; xác định được phương hướng về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Làm rõ những dư địa về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL Lê Minh Tuấn cho biết, việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hội nghị đã thể hiện vai trò, tầm quan trọng trong định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Theo ông Lê Minh Tuấn, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ đang tích cực phối hợp triển khai các công tác chuẩn bị cho hội nghị. Cục Bản quyền tác giả - đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc - đang khẩn trương thực hiện xây dựng kế hoạch, dự thảo báo cáo trung tâm cũng như báo cáo chuyên đề phục vụ hội nghị.
Các nội dung được lựa chọn sẽ được thảo luận sâu, kỹ và tìm ra những giải pháp hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; bảo đảm phát huy vai trò của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và khơi thông nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng; chú ý đến giải pháp tăng cường đóng góp vào GDP, phát triển kinh tế - xã hội của các ngành công nghiệp văn hóa…
Cùng với đó, thông qua hội nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tham mưu những chính sách, đề án, dự án để kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, đơn vị và cá nhân có nhiều sáng tạo, đóng góp cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa những năm vừa qua và thời gian tới. Các giải pháp được đưa ra lần này sẽ đều là những giải pháp căn cơ, mang tính thực tiễn cao, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của Đảng, Nhà nước ta.
Tại cuộc họp nghe báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam mới đây, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL bày tỏ mong muốn, "Thông qua Hội nghị lần này phải phân tích, làm rõ những dư địa để phát triển công nghiệp văn hóa. Đồng thời, nhấn mạnh các nhiệm vụ của những năm tới, cả mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn. Tập trung lĩnh vực, địa bàn nào, trách nhiệm Nhà nước phải làm gì?" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển lĩnh vực này, muốn có công nghiệp văn hóa thì quan trọng là phải có nguồn nhân lực, đó là các chuyên gia, nhà sáng tạo.
"Như Hàn Quốc là một ví dụ, họ đã gửi đội ngũ đạo diễn phim sang Mỹ để đào tạo, sau khi trở về đã tạo nên một làn sóng phim ảnh, mang lại hiệu quả rất lớn trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người và cả về kinh tế cho đất nước" - Bộ trưởng lấy dẫn chứng này và yêu cầu Cục Bản quyền tác giả tham khảo thêm các kinh nghiệm của những quốc gia đi trước để hoàn thiện phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
"Báo cáo cũng phải nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, dự báo thời gian tới, các nhóm giải pháp thực hiện. Không rườm rà và phải đi vào trọng tâm" - Bộ trưởng yêu cầu.
Dẫn chứng từ việc "2 thành phố sáng tạo của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Đà Lạt (trong lĩnh vực âm nhạc), Hội An (trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian). Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang có nhiều cách làm mới, hiệu quả để phát triển công nghiệp văn hóa" - Bộ trưởng cho rằng chúng ta đang có rất nhiều tiềm năng, sự quan tâm của các địa phương về phát triển công nghiệp văn hóa./.