(Tổ Quốc) - Ngày 18/10, UBND huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Huyện Lắk là huyện còn khó khăn, kinh tế hầu hết dựa vào nông nghiệp. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 125.604 ha, có địa giới hành chính 10 xã và 01 thị trấn, có 23 dân tộc anh em sinh sống, có 109 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó: Có 76 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, có 26 thôn và 07 tổ dân phố, dân số toàn huyện có 19.284 hộ với 78.254 khẩu; trong đó: Người dân tộc thiểu số là 12.338 hộ, với 44.177 khẩu, chiếm tỷ lệ 56,45%.
Theo báo cáo tại hội nghị, để triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030" và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị của huyện đã nỗ lực thực hiện các chương trình, chính sách nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Qua đó, đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo như:
Tổng giá trị sản xuất, kinh doanh toàn huyện năm 2020 có 2.359,5 tỷ đồng, đến năm 2022 đạt 2.709 tỷ đồng, tăng 349,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 114,81 % giá trị sản xuất toàn huyện so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 29 triệu đồng/người/năm đến cuối năm 2022 là: 32,3 triệu đồng/người/năm, tăng 3,3 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 111,37% so với năm 2020.
Tổng diện tích các loại cây trồng thực hiện đến năm 2022 tăng lên 29.044 ha cây trồng (tăng 785 ha so với năm 2020); tổng sản lượng lương thực đến năm 2022 đạt 115.633 tấn (tăng 107 tấn so với năm 2020). Tổng đàn trâu, bò năm 2022 là 24.011 con, tăng 1.513 con so với năm 2020. Tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong năm 2022 ước đạt khoảng 2.400 tấn. Toàn huyện đã triển khai trồng rừng được 200,75 ha rừng nguyên liệu, đạt 100,37% kế hoạch và triển khai trồng được 4.590 cây phân tán và trồng được 16,87 ha rừng đặc dụng. Doanh thu từ ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt đạt 324 tỷ đồng, tăng 71,624 tỷ đồng so với năm 2020. Thương mại, dịch vụ và du lịch đạt 1.223 tỷ đồng, tăng 308 tỷ đồng so với năm 2020.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm toàn huyện đạt được 134/190 tiêu chí, chiếm 70,5%. Tỷ lệ cứng hóa giao thông đường đô thị đạt 94,50%; đường huyện đạt 100%; đường xã đạt 96,5%; đường thôn, buôn đạt 76,50%; đường nội đồng đạt 50,5%. Toàn huyện có 42 cầu (24 cầu bê tông cốt thép, 03 cầu thép, 15 gỗ…). Hệ thống thủy lợi hiện đảm bảo phục vụ đủ nước tưới được 82% diện tích cây trồng. Các đồng chí lãnh đạo huyện uỷ, HĐND, UBND, Ban ngành đoàn thể huyện đã tích cực vận động trao tặng hàng trăm căn nhà giúp người nghèo " An cư lập nghiệp", nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Về chính sách cho vay vốn từ ngân hàng, chính sách và xã hội giai đoạn năm 2021 – 2023 có 267.793 lượt khách hàng vay vốn, tổng doanh số cho vay là 508.571 triệu đồng. Nhiều chương trình, dự án nước tinh sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2023 toàn huyện được sửa chữa xây dựng từ đó tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 88,57%; tỷ lệ các hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh khu vực nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc đạt 68,56%….
Tính đến cuối năm 2022 hộ nghèo huyện Lắk có: 4.868 hộ với 21.429 khẩu, tỷ lệ chiếm 25,24%, giảm 3,87% so với năm 2021. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 82,78%; hộ cận nghèo 3.512 hộ với 14.190 khẩu, tỷ lệ chiếm 18,21%, trong đó tỷ lệ hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 79,66%; hiện nay có 09 xã thuộc khu vực III và 04 buôn đặc biệt khó khăn thuộc xã, thị trấn khu vực II giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Lắk gặp rất nhiều khó khăn trong công tác triển khai thực hiện, từ năm 2020 – 2023 là giai đoạn cả nước đang phải chiến đấu với dịch bệnh Covid 19, các hoạt động thương mại dịch vụ, sản xuất ngưng trệ, nhiều lao động mất việc làm, tạo thêm gánh nặng cho địa phương trong công tác giảm nghèo. Thêm vào đó huyện Lắk liên tiếp phải gánh chịu các trận lụt xảy ra thiệt hại về cây trồng hàng trăm tỷ đồng nên tỷ lệ tái nghèo của huyện còn cao.
Qua đó, để phát huy đạt được nhiều hiệu quả hơn nữa trong công tác xóa đói giảm nghèo, Chủ tịch HĐND huyện Võ Ngọc Tuyên đề nghị, cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" của huyện, khuyến khích hộ nghèo vươn lên "Thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc". Kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng các địa phương, các hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo tiêu biểu.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, các cấp, các ngành sử dụng hiệu quả, kịp thời nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh và huy động thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương. Tăng cường lồng ghép giữa các nguồn vốn đầu tư trên cùng địa bàn, đối tượng.
Huy động nguồn vốn từ "Quỹ vì người nghèo" của tỉnh, của huyện thông qua việc kêu gọi, vận động từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện thông qua các phong trào, cuộc vận động "Tháng hành động vì người nghèo"; ủng hộ "Quỹ vì người nghèo" của tỉnh và của huyện… Huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo./.