(Tổ Quốc) - Tính đến đầu năm 2023 số hộ nghèo toàn huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh hóa là: 3.154 hộ, tỷ lệ: 28,36% so với tổng số hộ dân; trong đó, số hộ cận nghèo: 3.997 hộ, tỷ lệ: 35,68%. Mục tiêu huyện đề ra trong năm 2023 huyện Quan hóa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới 5,62%, tương ứng 630 hộ.
Đó là thông tin do huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hóa báo cáo tại hội nghị đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 vào ngày 15/8.
Theo báo cáo thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của huyện Quan Hóa, tổng số vốn phân bổ hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện năm 2022, ngân sách Trung ương bố trí 73.455 triệu đồng, trong đó: đầu tư phát triển 71.376 triệu đồng, vốn sự nghiệp 2.079 triệu đồng; Có 13 công trình được đầu tư, trong đó: Đầu tư mới 07 công trình, công trình chuyển tiếp 06 công trình, công trình duy tu bảo dưỡng 01 công trình; Năm 2023 ngân sách trung ương bố trí 36.747 triệu đồng, trong đó: đầu tư phát triển 32.209 triệu đồng, vốn sự nghiệp 4.538 triệu đồng. Vốn đầu tư phát triển thực hiện 10 công trình (05 công trình chuyển tiếp, 05 công trình khởi công mới).
Hổ trợ sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, 6 tháng đầu năm 2023 đã giải ngân được 400 triệu đồng vốn năm 2022 chuyển nguồn sang 2023, đạt 12,0%/tổng số vốn Trung ương giao. Cụ thể: Huyện đã phê duyệt 01 mô hình chăn nuôi lợn nái bản địa sinh sản tại xã Nam Tiến, cho 70 hộ tham gia, trong đó có 49 hộ là hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo và 05 hộ mới thoát nghèo.
Hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, năm 2022 tổ chức được 06 lớp tập huấn, cho 199 lao động với tổng kinh phí là 588 triệu đồng. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện: 310 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giải ngân được 125,62 triệu đồng vốn năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023; lũy kế đã giải ngân khoảng 714 triệu đồng. Đến ngày 31/12/2023 phấn đấu giải ngân 100% vốn năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023.
Cùng với đó, hằng năm, trên cơ sở điều tra, rà soát hộ nghèo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo của địa phương, trong đó xác minh rõ mục tiêu cụ thể và các giải pháp tác động theo từng nhóm nguyên nhân nghèo, về các chiều thiếu hụt để có giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc đúng quy định.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm cụ thể: Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 (Giai đoạn 2021-2025) Hộ cận nghèo: 3.775 hộ, chiếm tỷ lệ 33,83%; Kết quả giảm nghèo đến cuối năm 2022 Số hộ nghèo: 3.154 hộ, Hộ cận nghèo: 3.997 hộ, chiếm tỷ lệ 35,68%.
Tính đến đầu năm 2023 số hộ nghèo toàn huyện Quan Hóa là: 3.154 hộ, tỷ lệ: 28,36% so với tổng số hộ dân; trong đó số hộ cận nghèo : 3.997 hộ, tỷ lệ: 35,68%. Mục tiêu huyện đề ra trong năm 2023 huyện Quan hóa phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới 5,62%, tương ứng 630 hộ.
Ngoài ra, huyện cũng đã thực hiện triển khai hiệu quả các chương trình, dự án như: Dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin…
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực đạt được, công tác thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững vẫn còn hạn chế như: tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo của một số dự án đạt thấp so với kế hoạch; thực trạng hộ thoát nghèo hàng năm chưa bền vững, dịch vụ phi nông nghiệp chưa phát triển, nguồn thu hàng năm thấp, chưa tạo được sinh kế bền vững cho các hộ thoát nghèo….
Qua đó, để triển khai thực hiện hiểu quả chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn huyện thời gian tới, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo Hà Thị Hương cho rằng, ban chỉ đạo các xã, thị trấn cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp giữa các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội trong thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo trong thời gian tới; chú trọng nhân rộng mô hình tốt, sáng kiến hay, dự án có hiệu quả về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tập trung giải quyết việc làm, xây dựng lực lượng lao động theo hướng đào tạo có tay nghề, giới thiệu việc làm tại các thị trường trong và ngoài nước để nâng cao thu nhập cho lao động.
Các phòng ban, cơ quan, đoàn thể Huyện và các xã, thị trấn cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao dân trí, đổi mới tư duy cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về ý thức, kiến thức và kỹ năng sản xuất. Tăng cường công tác dạy nghề, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhất là tư tưởng không muốn thoát nghèo của một bộ phận cán bộ và nhân dân hiện nay.
Đồng thời, cần xác định rõ việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các phòng, ban, cơ quan phải nâng cao chất lượng hoạt động, nắm và hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác giảm nghèo. Từ đó, động viên, hướng dẫn nhân dân thực hiện cho tốt.
Chú trọng quản lý, sử dụng lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, tỉnh; tránh đầu tư phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp; đồng thời, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa để phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.
Thực hiện tốt việc rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp tiềm năng, lợi thế của địa phương để ưu tiên hỗ trợ và thu hút đầu tư. Nâng cao năng lực sản xuất của người dân; tập trung xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao thu nhập của người dân./.