(Tổ Quốc) - Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và việc xử lý tiêu cực sai phạm thi cử tại hai tỉnh Hà Giang và Sơn La.
- 31.07.2018 Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới sẽ thay đổi thế nào?
- 01.08.2018 Kỳ thi THPTQG 2018: Ba vấn đề lớn cần khắc phục
- 01.08.2018 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân
- 01.08.2018 Thi THPT Quốc gia: Hoàn thiện phần mềm chấm thi để đối tượng có ý đồ xấu cũng khó làm được
Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ xin nhận trách nhiệm trước các sai phạm xảy ra trong Kỳ thi THPTQG 2018 và bày tỏ sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn.
Liên quan tới những sai phạm trong Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 ở hai Hội đồng thi THPT Hà Giang và Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá là những sai phạm rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành.
“Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ đã nghiêm túc rà soát và nhận thấy một số hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 như sau: Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao; phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; công tác thanh kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc phát huy ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia những năm vừa qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của Kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và xã hội, Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, phát huy những ưu điểm, đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập, trong đó: Tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia. Hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi. Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan trong khâu chấm thi. Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GDĐT đối với các Hội đồng thi.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay đang tiến hành sửa 2 luật (Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học), vấn đề thi và tuyển sinh cũng được đặt ra, nhưng như đã phân tích ở trên, việc bỏ thi THPT quốc gia ở thời điểm này là không nên. Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo nhưng quan điểm của Bộ việc bỏ thi THPT quốc gia trong những năm tới là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, Bộ sẽ cố gắng để kỳ thi này bảo đảm thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương.
Cũng theo Bộ trưởng thì “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn”.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nội dung Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo trong phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ, còn lộ trình cụ thể để hoàn thiện và khắc phục nguyên nhân gây ra các sai phạm được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng như trong Kỳ thi THPT quốc gia năm nay thì chưa thấy vị lãnh đạo Bộ đề cập đến. Và chắc chắn tháng 8 này chúng ta sẽ phải tiếp tục chờ đợi những tín hiệu tích cực hơn từ Bộ GDĐT.
Q.N