(Tổ Quốc) - "Bên cạnh bài toán về việc đầu tư về công nghệ thông tin để phát triển insurtech thì một yếu tố vô cùng then chốt quyết định đến thành công của công ty bảo hiểm chính là sản phẩm bảo hiểm tùy chỉnh". Đó là chia sẻ của bà Hoàng Thị Yến – Giám đốc PTI Digital về định hướng của insurtech trong năm 2021.
- Năm 2020, dịch COVID -19 đã làm tăng giao dịch online, mua hàng trực tuyến. Điều này theo bà có đem lại cơ hội cho thị trường bảo hiểm trực tuyến của Việt Nam? Bà đánh giá thế nào về insurtech ở Việt Nam trong năm 2020?
+ Dịch COVID -19 đã gây ra những tác động lớn đến các hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Cụ thể, dịch bệnh đã gây ra các tác động tiêu cực đối với tăng trưởng chung của thị trường bảo hiểm, nhưng cũng mang lại cơ hội tăng trưởng cho thị trường bảo hiểm trực tuyến. Mặc dù hiện nay chưa có thống kê về tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm trực tuyến tại Việt Nam nhưng theo thống kế của PTI, thì tốc độ tăng trưởng trong năm 2020 chắc chắn hơn 2 con số.
Sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe do những lo ngại về dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam như COVID - 19, bạch hầu....
-Theo bà năm 2021 thị trường insurtech sẽ phát triển như thế nào?
+ Tôi cho rằng năm 2021, thị trường insurtech của Việt Nam sẽ không có nhiều điểm đột biến do các doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình xây dựng, đầu tư tạo nền móng cho sự phát triển dài hơn. Do công nghệ sẽ là sự đầu tư dài hơi nên trong năm 2021, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tập trung vào trải nghiệm về sản phẩm nhằm tạo nên sự khác biệt trên thị trường. Đây sẽ là các sản phẩm bảo hiểm tùy chỉnh phản ánh theo đúng nhu cầu khác nhau của mỗi khách hàng, đơn giản trong điều kiện, điều khoản, có thể mua bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào, bồi thường... chỉ bằng 1 click chuột.
Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đặt khách hàng vào trung tâm trong thiết kế của họ, giúp họ có quyền mua bảo hiểm riêng và chuyên biệt cho nhu cầu của họ. Thành công của các sản phẩm của công ty khởi nghiệp tỷ đô như Lemonade và Hippo đã chứng minh xu hướng tất yếu này.
Trong năm 2021, cuộc chạy đua về ứng dựng công nghệ vào insurtech sẽ vẫn diễn ra quyết liệt, tuy nhiên, sẽ không gây ồn ào như sản phẩm. Các công ty bảo hiểm không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với chính các công ty khởi nghiệp về bảo hiểm. Việc bắt tay với các công ty khởi nghiệm này cũng sẽ là một lựa chọn không tồi cho các doanh nghiệp để vừa phát huy lợi thế về kinh nghiệm triển khai sản phẩm bảo hiểm vừa tận dụng được lợi thế công nghệ của các công ty Insurtech.
- Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có động thái gì trước xu thế này?
+ Để bắt kịp xu hướng đầy tiềm năng của Insurtech, tôi nghĩ các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải đầu tư cho việc chuyển đổi số. Chuyển đổi số là quá trình rất dài và yêu cầu sự thay đổi tư duy quản lý khác biệt. Thay vì tập trung vào hiệu quả, bồi thường thì cần tạo ra những trải nghiệm đột phá, chấp nhận thua lỗ trong giai đoạn đầu.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng sẽ phải nghiên cứu và xây dựng ra các sản phẩm mới tùy chỉnh theo yêu cầu của khách hàng. Ví dụ như tại PTI, trong 2 năm vừa qua, chúng tôi đã đưa ra được một số sản phẩm tạo nên "tiếng vang" trên thị trường như bảo hiểm tình yêu, bảo hiểm hoãn hủy chuyến bay....Mặc dù, doanh thu những sản phẩm này chưa chiếm tỉ trọng cao trong tổng cơ cấu, tuy nhiên, sự "săn lùng" của khách hàng đối với sản phẩm này đã chứng tỏ xu hướng đóng gói sản phẩm tùy chỉnh sẽ là yếu tổ quan trọng trong việc thu hút khách hàng.
- Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp bảo hiểm là gì, thưa bà?
+Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm là làm thế nào để chuyển đổi số. Với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhân lực và kinh phí là hai bài toán lớn nhất khi thực hiện chuyển đổi số. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, ngoài hai vấn đề đó còn phải đối mặt và xử lý với hàng loạt các vấn đề khác như: tâm lý e ngại thay đổi, sợ rủi ro về chiến lược, rào cản về chính sách, hạ tầng hệ thống hiện tại, cơ sở dữ liệu khách hàng chưa đồng bộ...
Bên cạnh đó, tạo dựng thói quen mua bảo hiểm online cho khách hàng cũng sẽ là một thách thức không nhỏ. Suy nghĩ của người dân về vài trò của bảo hiểm truyền thống còn nhiều e ngại nên việc "mở lòng" để chuyển đổi sang online sẽ không hề dễ dàng.
Cần có sự phối hợp đồng điệu giữa sự đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm và sự cởi mở, điều chỉnh của chính các cơ quan quản lý, giúp gỡ bỏ các nút thắt chưa phù hợp, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình chuyển đổi số của mình.
-Xin cảm ơn bà!