• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kể chuyện phố thời bao cấp bằng âm nhạc

Văn hoá 03/10/2023 09:15

(Tổ Quốc) - Với mong muốn lưu giữ và làm sống lại ký ức của một thời, để thêm yêu, thêm trân quý những giá trị đương thời hiện có, Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện Musical show mang tên “Chuyện phố thời bao cấp”. "Chuyện phố thời bao cấp" sẽ diễn ra vào lúc 19h30 ngày 14/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Xuất phát từ kịch bản là câu chuyện kể về một gia đình tứ đại đồng đường sống ở phố cổ Hà Nội của nhạc sĩ Trần Lệ Chiến, ê-kíp sáng tạo của Nhà hát Tuổi trẻ đã kể cho khán giả về thời bao cấp bằng âm nhạc.

Kể chuyện phố thời bao cấp bằng âm nhạc - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi gặp gỡ báo chí

Buổi trình diễn “Chuyện phố thời bao cấp” kể về một gia đình tứ đại đồng đường sống ở Phố cổ Hà Nội. Những vui buồn, mâu thuẫn và cả những hạnh phúc riêng tư phản ánh một phần đời sống của người Hà Nội những năm 80 của thế kỷ 20.

Mỗi con người một cá tính, một công việc và những sở thích khác nhau. Bốn thế hệ thích những dòng nhạc khác nhau, những bài hát khác nhau…; rồi mâu thuẫn nảy sinh trong những tình huống hài hước.

Cuối cùng, những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống đó lại được hàn gắn bởi âm nhạc, bởi tất cả mọi người trong gia đình, trong con ngõ nhỏ đó có cùng tình yêu với âm nhạc và chính âm nhạc đã xóa nhòa những ranh giới mâu thuẫn trong xã hội.

Sau tất cả, một đám cưới với hoa tươi, những nụ cười ấm áp trong không khí tưng bừng của âm nhạc với những điệu nhảy cuồng nhiệt của các bạn trẻ cho thấy cuộc sống thật tươi đẹp…

Kể chuyện phố thời bao cấp bằng âm nhạc - Ảnh 2.

Poster Chương trình

Thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 2/10, NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Chỉ đạo nghệ thuật chương trình cho biết: “Câu chuyện mà chúng tôi muốn kể có lẽ đã không còn xa lạ nhưng với cách kể chuyện mới lạ, chúng tôi tin rằng sẽ mang đến cho khán giả những điều thú vị, hấp dẫn".

NSƯT Sĩ Tiến cho biết thêm: Kể lại một câu chuyện cũ nhưng theo một cách ấm áp bởi nó mang theo những khát vọng và hoài niệm về một thời điểm giao thoa giữa cũ và mới. Những tác phẩm được chọn và đưa vào chương trình một cách thận trọng theo cách kể chuyện kiểu mới trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ.

Đạo diễn Chương trình, NSƯT Lê Ánh Tuyết cho rằng, xuất phát từ tình yêu với Hà Nội, từ thời quá khứ đầy yêu thương, ê-kíp đã cùng nhau chia sẻ câu chuyện bằng âm nhạc. “Khi chúng tôi chia sẻ câu chuyện khó khăn thời bao cấp với những người trên thế hệ của chúng tôi, những người cùng thế hệ của chúng tôi và cả những người trẻ, chúng tôi nhận thấy sự đồng cảm, xúc động. Tôi rất muốn khán giả quay trở lại miền ký ức đẹp đẽ ấy để chúng ta cùng sống “chậm” lại”, NSƯT Lê Ánh Tuyết nói.

Kể chuyện phố thời bao cấp bằng âm nhạc - Ảnh 3.

Ê-kíp sáng tạo chương trình "Chuyện phố thời bao cấp"

Ghi nhận, đánh giá cao về chương trình này, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, thời bao cấp ở Hà Nội với rất nhiều câu chuyện đẹp đẽ trong ký ức của mỗi người. 

“Với vai trò, sứ mệnh của mình, âm nhạc sẽ dẫn dắt khán giả đến với những cảm xúc vỡ òa để chúng ta thêm trân trọng cuộc sống hôm nay. Với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và với “thương hiệu” của Nhà hát Tuổi trẻ, tôi tin rằng “Chuyện phố thời bao cấp” sẽ lấy được cảm tình của khán giả. Và tôi cũng hy vọng Nhà hát Tuổi trẻ không chỉ dừng lại ở chương trình này mà sẽ còn tiếp tục kể những câu chuyện khác về thời bao cấp bằng âm nhạc”, TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Chương trình “Chuyện phố thời bao cấp” với sự góp mặt của NSƯT Đức Long, NSƯT Ánh Tuyết; ca sĩ: Tôn Sơn, Tuấn Nghĩa, Quốc Chí, Nam Anh, Quang Thiện, Quang Trọng, Thanh Nhàn, Hà Uyển Linh, Mai Hằng, Hồng Giang. Có nhiều ca khúc nổi tiếng được thể hiện trong chương trình, như: “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Hoa sữa” (Hồng Đăng); “Nhớ mùa thu Hà Nội” (Trịnh Công Sơn); “Nhớ về Hà Nội” (Hoàng Hiệp); “Thành phố buồn” (Lam Phương); “Bảy ngày đợi mong”, “Chuyện hẹn hò” (Trần Thiện Thanh); “Như khúc tình ca”, “Ơi cuộc sống mến thương” (Nguyễn Ngọc Thiện); “Câu chuyện nhỏ của tôi” (Thanh Tùng); “Mặt trời bé con”, “Tạm biệt chim én” (Trần Tiến); “Em như tia nắng mặt trời” (Nguyễn Đức Trung); “Hà Nội những công trình” (Quốc Trường); “River Babylon” (Boney M)...

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ