(Tổ Quốc) - Tối 10/3, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 chính thức khai mạc tại Quảng trường 10/3 (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Đây là lễ hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, mang đến những trải nghiệm, ấn tượng khó quên đối với người dân và du khách.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo lễ hội; Phạm Minh Tấn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội; Phạm Ngọc Nghị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo lễ hội cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; Đại sứ, Tổng Lãnh sự các nước, đại diện tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, doanh nghiệp, cùng đông đảo du khách trong, ngoài nước và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã tham dự.
Với chủ đề "Buôn Ma Thuột – điểm đến của cà phê thế giới". Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 tiếp tục khẳng định và nâng tầm vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Điểm nổi bật của lễ hội lần này là chú trọng quảng bá phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam, đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, với diện tích cà phê khoảng 210.000 ha và sản lượng thu hoạch hằng năm đạt trên 520.000 tấn, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của cả nước. Sản phẩm cà phê của Đắk Lắk đã có mặt gần trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Được sự đồng ý của Chính phủ, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột – ngày hội vinh danh ngành cà phê Việt Nam đã trở thành Lễ hội cấp Quốc gia, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với hình thức thể hiện theo xu hướng hội nhập quốc tế, phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề chính. Với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, là nơi để những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê hội tụ và được tôn vinh.
"Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với nhiều kỳ vọng mới, là niềm tin, cũng là khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục phát huy tiềm năng - nội lực, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ, để xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, tạo động lực mạnh mẽ phát triển tỉnh Đắk Lắk, cùng các tỉnh Tây Nguyên sánh bước với cả nước trên con đường phát triển..." ông Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, từ lâu, Đắk Lắk nổi tiếng với những vùng đất đỏ bazan trù phú, nơi có những đồn điền cà phê bạt ngàn, nơi mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam. Chỉ dẫn cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã có mặt ở 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc này góp phần lớn vào kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước với giá trị hơn 1,9 tỷ USD.
Phó Thủ tướng cho rằng, dù đã đạt được những thành quả hết sức khích lệ. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức, khó khăn mà cần phải vượt qua để có thể duy trì và phát triển trong thời gian tới. Hiện nay, cà phê Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, tổ chức sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, công nghệ chế biến sản xuất sâu còn hạn chế…
"Do đó, trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành cà phê, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và cà phê, thực hiện hiệu quả kế hoạch tái canh cây cà phê hướng tới sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiện đại, gắn với bảo quản chế biến sâu. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững gắn với phát triển văn hoá, du lịch, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái…", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, cần nắm bắt xu thế tiêu dùng của thị trường, xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, marketing, định vị thương hiệu phù hợp. Các địa phương cần xúc tiến mối quan hệ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; đa dạng kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản với hương vị đặc thù được chứng nhận quốc tế.
Ngay sau phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là chương trình nghệ thuật biểu diễn với sự tham gia của các nghệ nhân, ca sỹ nổi tiếng cùng đông đảo quần chúng nhân dân. Với chủ đề "Buôn Ma Thuột – điểm đến cà phê thế giới", phần nghệ thuật biểu diễn được chia thành 3 chương với các chủ đề: Hương hoa đại ngàn, vũ điệu hương ngọc đen và cà phê Ban Mê - lan toả năm châu đã đưa hàng ngàn bạn trẻ, du khách có mặt tại Quảng trường 10/3, có một đêm mãn nhãn với các màn trình diễn ấn tượng, các màn kỹ xảo dàn dựng có liên quan đến nước, lửa và kỹ thuật chiếu 3D mapping kết hợp tương tác diễn viên thực.
Lễ hội nhằm tiếp tục giới thiệu, tôn vinh, quảng bá những hình ảnh, giá trị di sản đặc sắc về văn hóa cà phê, con người, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Xây dựng hình ảnh giàu bản sắc, năng động, thân thiện, lịch sự mến khách về tỉnh Đắk Lắk.
Sự kiện cũng góp phần nâng tầm các tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh Đắk Lắk, từ đó thu hút sự quan tâm, tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến cà phê trong nước cũng như quốc tế cùng hội tụ tại TP Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, Lễ hội lần này là chú trọng quảng bá phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, khẳng định vị thế cà phê Viêt Nam trên thị trường quốc tế.