• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khai quật khảo cổ học góp phần hé mở nhiều bí mật bị chôn vùi ở Hoàng Thành Thăng Long

Văn hoá 10/09/2022 10:30

(Tổ Quốc) - Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, những dấu tích vàng son về Kinh đô Thăng Long có lịch sử nghìn năm đều đã bị phá hủy, không còn tồn tại trên mặt đất. Từ năm 2002 cho đến nay, các cuộc khai quật khảo cổ học tại khu di tích này đã tìm thấy dưới lòng đất nhiều dấu tích nền móng cung điện, lầu gác và hàng triệu di vật.

Hội thảo khoa học Quốc tế "20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội" diễn ra trong 02 ngày 8 và 9/9/2022 tại Khu di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước Di sản Thế giới (1972-2022) và 20 năm nghiên cứu, khai quật, phát lộ Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (2002-2022).

Hội thảo đã nhận được 31 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý di sản trong nước và quốc tế. Các tham luận đề cập đến những kết quả đã đạt được trong các hoạt động tại Hoàng thành Thăng Long trong 20 năm kể từ khi phát lộ, đặc biệt 10 năm kể từ sau khi được vinh danh Di sản văn hóa thế giới trên các lĩnh vực khai quật khảo cổ học theo khuyến nghị của ICOMOS; chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc tại các khu Di sản; chia sẻ kinh nghiệm diễn giải, trưng bày và bảo tàng nhằm làm rõ các giá trị nổi bật toàn cầu của các Khu Di sản thế giới; Nghiên cứu giải pháp thiết kế kiến trúc để bảo tồn và phát huy giá trị khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu...

Khai quật khảo cổ học góp phần hé mở nhiều bí mật bị chôn vùi ở Hoàng Thành Thăng Long - Ảnh 1.

Hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ

Phát lộ hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, kết quả khai quật khảo cổ học đã góp phần hé mở nhiều bí mật bị chôn vùi của Cấm thành Thăng Long xưa. Trong đó có Tân Cung - kinh đô mới của vua Lý Cao Tông, bao gồm hệ thống cung điện lầu gác nguy nga, tráng lệ, được bao quanh bởi thành cao, cổng kín và nằm gọn ở phần phía Tây Bắc bên trong Cấm thành Thăng Long. Tân Cung chỉ tồn tại trong khoảng hơn chục năm đầu thế kỷ XIII và hình ảnh của nó đã bị chìm sâu vào quên lãng từ hơn 800 năm nay. Các nhà nghiên cứu vẫn biết Tân Cung ẩn chứa rất nhiều bí mật của tòa thành Thăng Long nhưng chưa được quan tâm giải mã. Chỉ đến khi khai quật khảo cổ học khu 18 Hoàng Diệu và khu nền nhà Quốc hội cũ, quy mô, cấu trúc của Tân Cung cùng với chức năng, vai trò, vị trí của nó trong Cấm thành Thăng Long mới từng bước được nhận diện.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam và Đoàn khai quật Viện Khảo cổ học, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội khẳng định, kết quả 20 năm khảo cổ học Kinh đô Thăng Long đã làm sáng rõ hơn câu chuyện xây dựng kinh đô Thăng Long hơn 1.000 năm trước.

Việc nghiên cứu lâu dài (bao gồm cả việc nghiên cứu của các học giả của Pháp trường Viễn Đông Bác Cổ - EFEO) đã thống nhất được tương đối cấu trúc và quy mô của Kinh đô Thăng Long thời Lý. Đó là một tòa thành đất có cấu trúc kiểu "tam trùng thành quách", nghĩa là Kinh đô có 3 vòng thành bao bọc lẫn nhau.

Vòng thành ngoài (La Thành) là vòng thành lớn nhất (đắp năm 1014) được bắt đầu từ phía con đê sông Hồng từ khoảng điểm tiếp giáp với phố Hòe Nhai bây giờ qua đường Thụy Khuê (qua đền Đồng Cổ), vòng xuống dốc Bưởi qua Cầu Giấy (cửa Tây Dương), đi theo đường La Thành (qua Xạ Đình), qua Ô Chợ Dừa (qua cửa thành Chợ Dừa có đàn Xã Tắc ở phía ngoài), theo đường Đê La Thành (qua ô Đồng Lầm), theo đường Đại Cồ Việt (qua di tích đàn Nam Giao), qua ô Đông Mác (cửa Vạn Xuân), cuối cùng tiếp nối với đê sông Hồng. Vòng thành này có chu vi khoảng 16km, tổng diện tích khoảng 1.560ha.

Khai quật khảo cổ học góp phần hé mở nhiều bí mật bị chôn vùi ở Hoàng Thành Thăng Long - Ảnh 2.

Khu vực khai quật khảo cổ Hoàng Thành Thăng Long

Vòng thành giữa là Hoàng thành Thăng Long được đắp năm 1010 có mở 4 cửa: cửa Nam (Ðại Hưng môn), cửa Bắc (Diệu Ðức môn), cửa Ðông (Tường Phù môn), cửa Tây (Quảng Phúc môn). Ranh giới của Hoàng thành được giới nghiên cứu xác định tương đối ở 3 hướng theo địa danh hiện nay: Nam ở khoảng phía ngoài đường Trần Phú, Bắc ở khoảng đường Phan Ðình Phùng - Quán Thánh, Ðông ở khoảng phố Thuốc Bắc. Ranh giới phía Tây các ý kiến nghiên cứu còn khác nhau.

Vòng thành trong là Cấm thành (Long Thành) được xây dựng năm 1029, có thể tính được quy mô tương đối nhờ có 4 mốc: phía Nam là khoảng Cột Cờ (Tam Môn, Cửa Nam đầu tiên của Cấm thành), phía Bắc là khoảng gần di tích Bắc Môn thời Nguyễn, phía Tây ở khoảng chùa Một Cột và Khán Sơn (trụ sở Trung ương Ðảng hiện nay), phía Ðông ước khoảng đường Lý Nam Ðế nếu lấy mỗi cạnh khoảng 700m.

Cũng theo PGS.TS Tống Trung Tín, thực tế, các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực Kinh đô Thăng Long và khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ minh chứng tiêu biểu, xác thực cho lịch sử - văn hóa Thăng Long, lịch sử - văn hóa Việt Nam phát triển liên tục qua hơn 1.000 năm lịch sử từ các thời kỳ tiền Thăng Long, Thăng Long thời Lý - Trần - Lê sơ - Mạc - Lê Trung hưng - Tây Sơn - Nguyễn cho đến cận hiện đại. Các giá trị lịch sử - văn hóa của Thăng Long đã đem lại cho Việt Nam và nhân loại một di sản thế giới có giá trị to lớn và kết quả khai quật khảo cổ học là nguồn tư liệu xác thực góp phần tích cực và quyết định vào việc xây dựng nhiều chương trình bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Kỳ vọng phục dựng điện Kính Thiên

PGS.TS Tống Trung Tín cho biết: Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440 m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, khôi phục chính điện Kính Thiên.

Khai quật khảo cổ học góp phần hé mở nhiều bí mật bị chôn vùi ở Hoàng Thành Thăng Long - Ảnh 3.

Hình ảnh điện Kính Thiên được phục dựng bằng công nghệ 3D

Trao đổi thêm về công tác nghiên cứu phục dựng chính điện Kính Thiên thời Lê tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, TS Nguyễn Văn Sơn - Hội Sử học Hà Nội chia sẻ: Chính điện Kính Thiên là kiến trúc trung tâm của Cấm thành Thăng Long, nơi đặt ngự tọa của Hoàng đế, biểu trưng cao nhất của quyền lực quốc gia Đại Việt thời Lê. Nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên là công việc hết sức cấp thiết có ý nghĩa và giá trị lịch sử văn hóa sâu sắc không chỉ đối với Thăng Long - Hà Nội mà còn với cả nước.

"Để có cứ liệu phục dựng điện Kính Thiên, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực; khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mĩ thuật... Trước hết, là làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm: Hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện và những nhân tố khác bên trong, bên ngoài di sản. Từ kết quả nghiên cứu này sẽ cho phép dựng lên các chiều kích nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của chính điện Kính Thiên. Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3 -5 năm thì trong vòng 10 năm tới chúng ta có hi vọng để phục dựng điện Kính Thiên"- TS Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm về phục dựng lại các công trình kiến trúc đã bị phá hủy, chỉ còn lại dấu tích, GS Ueno Kunikazu (Đại học nữ Nara - Nhật bản) giới thiệu một số công trình kiến trúc tiêu biểu thế kỷ thứ VIII, thế kỷ thứ IX được phục dựng thành công tại Nhật bản và cho biết: "Trước tiên cần dựa vào kết quả của các cuộc khảo cổ học, để dựng lên phác thảo chính xác tới 70-80% công trình kiến trúc cổ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi dựng mô hình ở tỉ lệ 1/50 đến 1/100. Chúng tôi cũng kiểm tra các vấn đề khác nhau trong quá trình phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ phá hủy các hiện vật có giá trị gốc"./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ