(Tổ Quốc) - Thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á và là thác tự nhiên lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới quốc gia. Tiềm năng phong phú, nhưng việc khai thác du lịch ở đây còn chưa được đầu tư, manh mún, thiếu hiệu quả.
Nghèo nàn dịch vụ
Thác Bản Giốc nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ nguyên vẹn, là ngọn thác hùng vĩ, được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á và là thác tự nhiên lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm ở biên giới các quốc gia. Đường dẫn tới thác quanh co, uốn lượn lưng núi tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn, thu hút du khách khám phá.
Thác Bản Giốc như bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, mê đắm lòng người. Thác cao hàng chục mét với nhiều khối nước lớn đổ xuống qua nhiều tầng đá vôi, tạo thành một màn bụi nước trắng xóa. Ở giữa có một mô đá rộng phủ đầy cây đã xẻ dòng nước thành 3 luồng như ba dải lụa trắng nổi bật giữa nền trời và rừng xanh. Dưới chân thác là mặt sông Quây Sơn phẳng lặng như gương, nước xanh trong vắt soi bóng núi, mây trời.
Với nét đẹp thiên nhiên quyến rũ hòa cùng vẻ thanh bình của làng quê, từ năm 1997, thác Bản Giốc đã được được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là thắng cảnh cấp Quốc gia. Những năm gần đây, du lịch thác Bản Giốc ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm tới thưởng ngoạn.
Ngày 17/8/2017, UBND tỉnh Cao Bằng phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc.
Theo đó, Khu du lịch thác Bản Giốc sẽ được xây dựng thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực gắn với bảo vệ an ninh - quốc phòng. Theo tính toán, đến năm 2020, thác Bản Giốc sẽ thu hút khoảng 750.000 lượt du khách, năm 2030 thu hút khoảng 1.200.000 lượt du khách.
Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, cho đến nay, kết quả rất hạn chế, chưa có nhiều công trình được triển khai để thu hút khách du lịch.
Hiện nay, tại Khu du lịch chưa có một cơ sở, dịch vụ chuyên nghiệp. Ngoài phòng bán vé, chỉ có một dãy hàng quán bán đồ ăn, nước uống, đồ lưu niệm, nhà vệ sinh.
Trong dịp nghỉ lễ vừa qua, theo ghi nhận của chúng tôi, lượng khách đến đây khá đông, nhưng dãy nhà vệ sinh duy nhất trong khu du lịch thì... mất nước, không có nước rửa tay. Trong khu du lịch là những hàng bán đồ ăn, đồ lưu niệm tự phát, không được quy hoạch, hết sức nhếch nhác. Thậm chí, có cả 1 bàn bày bán lợn quay nguyên con, chặt bán phục vụ du khách ngay tại khu vực vào Thác.
Cơ sở hạ tầng cũng còn quá hoang sơ, không được đầu tư. Lối vào thác rất nhỏ, chỉ đủ hai người tránh nhau. Thậm chí, cây cầu bắc qua con suối còn trống huyếch một phía, hết sức nguy hiểm khi nhiều người dân cùng vào, ra trong một thời điểm. Rất nhiều du khách bày tỏ thắc mắc và khá nản lòng với con đường vào thác, vì sao không có một đường vào và một đường ra để tránh tình trạng chen lấn khi cao điểm.
Ngoài dịch vụ cưỡi ngựa chụp ảnh, đi bè vào gần thác thì không có một dịch vụ gì có thể giữ chân du khách ở với Thác Bản Giốc đến 30 phút. Những du khách trung và cao tuổi bày tỏ khá thất vọng, vì họ không đến thác để chụp ảnh "sống ảo" như các bạn trẻ, nên chỉ ngồi ngắm thác một lúc là... hết.
Đáng tiếc, nổi danh với vẻ đẹp hấp dẫn, ngoài việc tham quan Động Ngườm Ngao, chùa Phật Tích, hiện nay, du lịch Thác Bản Giốc mới chỉ thu được vé tham quan mà chưa có một dịch vụ gì khiến du khách "tự nguyện" móc hầu bao.
Nhiều khó khăn, rào cản
Theo quy hoạch chung được phê duyệt, đến năm 2030, khu vực xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng dự kiến được nâng cấp thành đô thị loại V khu vực biên giới. Mục tiêu là phát triển khu du lịch thác Bản Giốc thành trọng điểm du lịch của tỉnh Cao Bằng và của quốc gia.
Tuy nhiên, các mục tiêu này đang gặp khó khăn khi mức đầu tư từ ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch thác Bản Giốc còn rất thiếu. Theo quy hoạch, tổng mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu du lịch là trên 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2017-2022, UBND tỉnh Cao Bằng chỉ bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương trên 83 tỷ đồng thực hiện 7 dự án trong khu du lịch thác Bản Giốc.
Cùng với đó, việc thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển khu du lịch thác Bản Giốc từ nguồn vốn xã hội hóa, vốn nhà đầu tư ngoài ngân sách còn hạn chế. Nguyên nhân là do hệ thống cơ sở hạ tầng tại khu vực chưa được đầu tư; thiếu quỹ đất sạch để thực hiện dự án; định hướng quy hoạch các công trình thương mại dịch vụ và công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chưa hấp dẫn, không đủ sức thu hút được nhà đầu tư tham gia.
Một nguyên nhân nữa là, một số hạng mục tại khu vực phải thực hiện điều chỉnh phương án quy hoạch, phương án thiết kế so với nội dung Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đảm bảo tuân thủ Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) và các biên bản đàm phán ký kết giữa hai bên.
Ngoài ra, theo quy hoạch chung được phê duyệt năm 2017, một số khu chức năng đã bố trí nhưng quy mô chưa đáp ứng yêu cầu như, chưa tạo lập được khu tái định cư tập trung để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; thiếu bến bãi đỗ xe…
Theo Sở Xây dựng tỉnh Cao Bằng, để đẩy nhanh các dự án phát triển trong khu du lịch thác Bản Giốc, tỉnh sớm hoàn thiện đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở triển khai công tác quản lý và đầu tư, xây dựng theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh nhanh chóng thực hiện điều chỉnh tổng thể quy hoạch Khu du lịch thác Bản Giốc với quy mô điều chỉnh khoảng 1.000 ha; hoàn thiện các thủ tục xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về thực hiện điều chỉnh Quy hoạch khu du lịch thác Bản Giốc. UBND tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục có phương án bố trí, cân đối ngân sách nhà nước để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc sau khi quy hoạch được điều chỉnh, phê duyệt.
Ngoài ra, thiết nghĩ, với tiềm năng của một điểm du lịch hấp dẫn nơi địa đầu Tổ quốc, UBND tỉnh Cao Bằng cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, quảng bá và kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại khu du lịch thác Bản Giốc từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách… góp phần đưa du lịch Thác Bản Giốc thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của quốc gia.