(Tổ Quốc) - Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội) đã có văn bản gửi báo điện tử Tổ Quốc về công trình Bưu điện Hà Nội bị đổi tên thành VNPT Hà Nội.
- 01.11.2018 ĐBQH Dương Trung Quốc: Lẽ ra VNPT phải tự hào vì được là cơ quan quản lý, sử dụng tòa nhà mang tên Bưu điện Hà Nội
- 01.11.2018 [eMagazine]: Mục sở thị tòa Bưu điện Hà Nội sau khi bị "thay tên đổi họ"
- 31.10.2018 “Khai tử” Bưu điện Hà Nội: Đại biểu Quốc hội đề nghị doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trong phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa
- 30.10.2018 Bưu điện Hà Nội: Cột mốc số 0 trong lòng người Thủ đô đã bị “khai tử”
Theo đó, những ngày qua, báo điện tử Tổ Quốc đã đăng tải loạt tin, bài, hình ảnh về vấn đề này, VNPT cho hay, những giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với truyền thống của Ngành Bưu điện, với Thủ đô Hà Nội chính là toà nhà A, tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ – địa chỉ số 1 Phố Lê Thạch (giáp với vườn hoa Lý Thái Tổ). Tòa nhà này do Pháp xây dựng từ năm 1901, đến nay đã được hơn 100 năm tuổi.
Trong văn bản gửi cho báo điện tử Tổ Quốc, Giám đốc VNPT Hà Nội Đặng Anh Sơn nêu rõ, đây là toà nhà ghi dấu nhiều giá trị lịch sử của ngành Bưu điện và Thủ đô Hà Nội. Nơi đây, đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm vào ngày 17/1/1946, nơi diễn ra các trận chiến đấu quyết tử giữa lực lượng Tự vệ Bưu điện cùng Vệ Quốc đoàn chống lại các đợt tấn công của quân đội thực dân Pháp trong các ngày 19/12 - 20/12/1946.
Địa điểm nổi tiếng của Hà Nội: Bưu điện Hà Nội đã bị đổi tên thành VNPT Hà Nội. Ảnh: Minh Khánh
"Giá trị lịch sử, truyền thống hào hùng ấy vẫn luôn được các thế hệ cán bộ nhân viên Bưu điện TP Hà Nội trước đây, VNPT Hà Nội và Bưu điện Hà Nội mới ngày nay trân quý và bảo tồn"- công văn nêu.
Năm 1976 - 1978, toà nhà B - nhà 5 tầng, địa chỉ 75 phố Đinh Tiên Hoàng được xây dựng và khánh thành, đưa vào sử dụng, gắn liền với chiếc đồng hồ 4 mặt trên nóc tòa nhà.
Từ thời điểm này, tòa nhà Bưu điện, chiếc đồng hồ trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.
Năm 1987, Bưu điện Hà Nội được thành lập, toàn bộ khu vực tòa nhà A, tòa nhà B và khu vực 75 phố Đinh Tiên Hoàng là trụ sở của Bưu điện TP Hà Nội; tới năm 1997 Bưu điện TP Hà Nội mới tiến hành lắp đặt biển chữ Bưu điện Hà Nội phía dưới chân cột đồng hồ, hướng ra Hồ Hoàn Kiếm là biển tên của đơn vị.
Tháng 12/2007, thực hiện quyết định của Thủ tướng và chỉ đạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bưu điện TP Hà Nội (cũ) thực hiện tái cơ cấu tổ chức sản xuất, tiến hành giải thể và chia tách Bưu chính và Viễn thông ra để thành lập mới hai đơn vị là Bưu điện TP Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội); toàn bộ tòa nhà B phía 75 Đinh Tiên Hoàng được giao cho VNPT Hà Nội quản lý, tòa nhà A giáp phố Lê Thạch giao cho Bưu điện TP Hà Nội mới quản lý.
VNPT Hà Nội tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác tòa nhà B cùng các công trình phụ trợ; tiếp tục duy tu, chỉnh trang tòa nhà, duy trì hoạt động ổn định của chiếc đồng hồ bằng nguồn kinh phí của đơn vị do công trình không thuộc danh mục di tích lịch sử văn hóa.
"Đến tháng 10/2015, biển chữ Bưu điện Hà Nội trên nóc tòa nhà do đã sử dụng gần 20 năm bị hỏng và có nguy cơ mất an toàn không thể sửa chữa được nữa, thời điểm này VNPT Hà Nội quyết định gắn chữ mới VNPT Hà Nội, đúng tên của đơn vị"- Công văn nêu.
Đơn vị này cũng cho hay, VNPT Hà Nội vẫn luôn thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, chỉnh trang làm đẹp mặt ngoài toà nhà B - 75 phố Đinh Tiên Hoàng theo nguyên bản gốc; đồng hồ trên nóc toà nhà vẫn được bảo tồn và duy trì hoạt động để phát huy giá trị biểu tượng văn hoá các công trình trong quần thể khu vực Hồ Gươm.
Những ngày qua, sau khi báo đăng tải về tòa nhà Bưu điện Hà Nội đổi tên thành VNPT Hà Nội, nhiều bạn đọc và các đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về vấn đề này. Hầu hết các ý kiến cho rằng, VNPT Hà Nội nên trả lại tên cũ cho công trình và đó là cách để doanh nghiệp tôn trọng các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển hiện nay.
Báo điện tử Tổ Quốc tiếp tục thông tin về vấn đề này./.