Khám phá ngôi làng cổ hàng trăm năm tại "thung lũng mây" Bắc Sơn
Thực hiện: Nam Nguyễn | 26/10/2024
(Tổ Quốc) - Xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn, Lạng Sơn) có khoảng 1.800 nhân khẩu thì có đến 99% là người Tày. Đặc biệt, ở đây có đến hơn 400 hộ (chiếm 90% toàn xã) vẫn sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống.
Xã Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) có sáu thôn với khoảng 1.800 nhân khẩu thì có đến 99% là người Tày.
Đặc biệt, ở đây có đến hơn 400 hộ (chiếm 90% toàn xã) vẫn sinh sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc huyện Bắc Sơn, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 80 km. Hơn 400 ngôi nhà sàn nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Tày và có đến 90% mang họ Dương.
Nhà sàn ở đây theo kiến trúc truyền thống 5 gian, chủ yếu được làm bằng gỗ nghiến, gỗ lý xưa. Ðể chuẩn bị đủ vật liệu này người dân phải dày công vào tận rừng sâu, núi cao kiếm tìm những loại gỗ tốt lâu năm để đảm bảo sự bền vững, chắc chắn.
Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương, độ cao trung bình khoảng 6 - 7 mét và có không gian rộng rãi, thoáng mát.
Gia đình ông Dương Công Chích là một trong 5 hộ đầu tiên chuyển đổi sang làm du lịch homestay để đón khách. "Hầu hết các ngôi nhà trong thôn đều lợp ngói âm dương, vách nhà làm bằng gỗ hoặc bằng tre, nứa", ông Chích giới thiệu về nhà sàn.
Theo ông, ngói âm dương hay còn gọi là ngói máng, là loại vật liệu lợp mái nhà sàn truyền thống của người Tày. Đặc tính của ngói là mát mẻ vào mùa hè và ấm vào mùa đông giá lạnh, được sản xuất ngay tại xã.
Trước kia, bà con ngủ trên tầng hai, tầng trệt thường tận dụng nuôi nhốt trâu bò, để nông cụ và làm kho chứa lúa. Từ khi làm du lịch cộng đồng, tầng dưới thường được ngăn làm phòng ngủ, hoặc cải tạo làm nơi đón khách du lịch. Gian giữa (ảnh) là nơi thờ cúng tổ tiên, hai gian ngoài gia chủ dùng để tiếp khách, hai chái bên cạnh dùng làm phòng ngủ.
"Với mục tiêu xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó lấy di sản văn hóa là nền tảng, động lực để phát triển, huyện Bắc Sơn đã tổ chức phục dựng, trình diễn, truyền dạy, sáng tạo, phổ biến văn hóa truyền thống trong cộng đồng, gia đình, trường học. Nâng cao một số lễ hội tiêu biểu có thể tổ chức định kỳ hằng năm, như: Lễ hội Ná Nhèm xã Trấn Yên, Lễ hội Quỳnh Sơn xã Bắc Quỳnh, Lễ hội lồng tồng thôn Bản Cầm xã Vạn Thủy, lễ hội Nghè Yên Lãng thị trấn Bắc Sơn; lễ hội mùa vàng, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ truyền thống thôn bản, câu lạc bộ văn nghệ dân gian cấp xã nhằm phục vụ khắc du lịch một cách tốt nhất" - đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết.
Khách du lịch tham gia giải chạy Mùa vàng Bắc Sơn Ultra Trail năm 2024 - hoạt động trong Lễ hội "Mùa vàng Bắc Sơn" năm 2024
Du khách được tham gia trải nghiệm bay dù lượn ngắm thung lũng vàng Bắc Sơn
Du khách trải nghiệm bay dù lượn ngắm toàn cảnh cánh đồng vàng của huyện Bắc Sơn tại Lễ hội "Mùa vàng Bắc Sơn" năm 2024
Đặc biệt du khách sẽ được ngắm toàn cảnh thung lũng vàng Bắc Sơn từ trên cao khi tham gia hoạt động “Chinh phục đỉnh Nà Lay” ngắm toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn (thung lũng Bắc Sơn là 1 trong 10 thung lũng Karst đẹp nhất thế giới).
Làng Quỳnh Sơn được bao quanh bởi những cánh đồng ven dòng sông Thương. Vào thu, nước sông đổi màu xanh, uốn lượn như dải lụa vắt qua từng thửa ruộng đang độ chín vàng.
Du khách có thể chèo thuyền khám phá dọc sông Thương.
Đến huyện Bắc Sơn mùa thu, du khách có dịp hòa mình vào lễ hội gặt lúa cùng đồng bào người Tày, Dao. Phần thi có ba đội tham gia, mỗi đội có 4 thành viên đến từ các xã Bắc Quỳnh, Hưng Vũ và Long Đống.
Khách du lịch và nhân dân tham gia, trải nghiệm gặt lúa bằng công cụ thô sơ trên cách đồng xã Bắc Quỳnh.