(Tổ Quốc) - Với diện tích khoảng 181.040 km², có 800 km biên giới với Thái Lan về phía bắc và phía tây, 541 km biên giới với Lào về phía đông bắc và 1.137 km biên giới với Việt Nam về phía Đông và Đông nam, Campuchia hấp dẫn du khách với vẻ đẹp vừa trang nghiêm, cổ kính vừa tráng lệ, linh thiêng cùng những điểm đến vô cùng kỳ thú.
Nhân dịp khai mạc Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia lần thứ 7 năm 2017 do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia tổ chức, tôi được Ban Biên tập Báo điện tử Tổ quốc phân công đi tác nghiệp. Thời gian lưu lại trên đất nước chùa Tháp thật ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tôi những xúc cảm và những trải nghiệm khó quên về một đất nước yên bình, nồng ấm tình người.
Ở PhnomPenh, cứ khoảng 100m là lại có những chiếc xe túc tuc chuyên chở người dân bản địa và khách du lịch. |
Ấn tượng đầu tiên của tôi là hình ảnh của những chiếc xe túc túc (Tuk Tuk) len lỏi trên khắp các đường phố. Đây là loại phương tiện đi lại chủ yếu của người dân cũng là phương tiện"độc quyền" cho những du khách muốn khám phá vẻ đẹp huyền bí của Thủ đô PhnomPenh. Và, chính “mạng lưới” dày đặc của những chiếc xe túc túc đã góp phần làm nên sự sôi động của một đất nước đang trên đà phát triển.
"Lượn" túc túc ngắm cảnh đêm PhnomPenh
Sau một chặng bay khá vất vả từ sân bay Nội Bài, qua Viêng chăn đến PhnomPenh cũng khá muộn nhưng sự háo hức, tò mò về vẻ đẹp của một thành phố nằm cạnh dòng sông Mê Kông thơ mộng khiến chúng tôi quyết định khám phá Thủ đô PhnomPenh ngay đêm đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. May - bạn nữ phiên dịch viên tiếng Việt cho đoàn chúng tôi khuyên rằng, nếu muốn tham quan PhnomPenh thì nhất định nên đi lại bằng xe túc túc.
Ở PhnomPenh có rất nhiều điểm cung cấp nước làm mát máy cho túc túc miễn phí. Trong ảnh: Anh Choon, người tài xế túc túc đồng hành cùng chúng tôi trong đêm đầu tiên tại PhnomPenh. |
Theo quan sát của chúng tôi, túc túc cũng giống như những chiếc xe lam, hình ảnh quen thuộc ở TP. Hồ Chí Minh sau những năm giải phóng. Xe nhỏ gọn, có thể chở được 4 người, luồn lách qua những đường ngang, ngõ hẻm. Vì sự thuận lợi của nó nên ở PhnomPenh, ngoài ô tô cá nhân thì hầu như người dân ở đây chỉ sử dụng phương tiện này để đi lại Số lượng xe túc túc ở thành phố này nhiều đến nỗi các hãng taxi cũng không có đất để hoạt động.
Ở PhnomPenh có rất nhiều tượng đài mang nét văn hóa đặc trưng của xứ sở "chùa tháp" được xây dựng ngay ở khu vực trung tâm thành phố. |
Sau khi thỏa thuận, anh Choon- một tài xế túc túc đồng ý chở 3 người chúng tôi dạo đêm PhnomPenh với mức giá 13 đô la. Dáng người nhỏ thó, nước da đen sạm, trông anh già hơn nhiều với độ tuổi 40 của mình. Thoạt nhìn, anh khá kiệm lời nhưng chỉ sau mấy phút anh đã trở thành một ‘hướng dẫn viên” rất thân thiện, nhiệt tình của chúng tôi. Giao dịch ở đây có thể trả bằng tiền Việt nhưng chủ yếu là USD. Có một điều mà mãi cho đến lúc về tôi vẫn chưa hiểu được là tại sao những tài xế túc túc không bao giờ nhận tiền 2 usd từ khách hàng.
Khu chợ đêm ở Thủ đô PhnomPenh |
Điểm đầu tiên mà anh Choon đưa chúng tôi đến là khu chợ đêm trung tâm. Vì ngày thường nên khu chợ này hơi vắng khách, chủ yếu vẫn là dân bản địa đến mua sắm, ăn uống. Anh Choon cũng khuyên chúng tôi nếu có nhu cầu mua sắm thì nên đi vào buổi sáng đến những khu chợ Nga, chợ Sài Gòn hay sang hơn nữa là Trung tâm thương mại AEON.
Khu phố Tây ở PhnomPenh. |
Điểm tiếp theo khiến chúng tôi bất ngờ nhất và cũng tò mò nhất khi anh Choon đưa đến thăm khu phố của người đồng tính. Ở con phố này, có khoảng 50 quán hàng phục vụ ăn uống và cả cắt tóc chỉ dành cho giới Gay nhưng cũng không quá ồn ả, xô bồ. Ngày thường cũng như ngày cuối tuần, con phố này hoạt động từ 11 giờ đêm đến tận 5 giờ sáng mới nghỉ. Đây cũng là nơi duy nhất ở Thủ đô PhnomPenh hoạt động muộn như vậy.
Khi phố dành cho người đồng tính ở PhnomPenh. |
Đêm ở PhnomPenh không ồn ào, nhộn nhịp như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh mà rất đỗi trong lành và yên bình. Chúng tôi cảm nhận rõ hơn điều đó trong khoảnh khắc dạo bước bên dòng Mê Kông thơ mộng. Trong đêm, mặt sông xao động bởi ánh đèn, bởi làn gió nhè nhẹ thổi, một cảm giác thân thương, gần gũi, vừa lạ vừa quen ùa về khiến chúng tôi không còn cảm giác đi xa đất nước mình.
Nghề mưu sinh của cộng đồng người Việt tại Campuchia
Cũng theo anh Choon, ở PhnomPenh hiện có khoảng 30 - 40.000 chiếc xe túc túc. Để sử dụng chiếc xe này thì chỉ cần có bằng lái xe máy, ngoài ra không phải nộp bất kỳ một khoản phí nào cho chính quyền. Có lẽ, vì điều kiện để kinh doanh loại hình phương tiện này khá dễ dàng cho nên đây cũng chính là một trong những nghề mưu sinh của khá nhiều người Việt Nam khi đặt chân đến Campuchia.
Anh Sopheak (người dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh) hiện đang sinh sống bằng nghề lái xe túc túc tại PhnomPenh. |
Thật may mắn, trong một chuyến du ngoạn thành phố, tôi được gặp anh Sopheak (người dân tộc Khmer, tỉnh Trà Vinh), 15 năm trước, anh Sopheak theo bạn bè sang biên giới Campuchia làm phụ hồ. Khi tích lũy được một số vốn kha khá, anh quyết định sắm một chiếc xe máy chuyển sang làm nghề lái xe túc túc ở Thủ đô PhnomPenh . Đó cũng chính là bước ngoặt giúp cuộc đời anh bước sang một trang mới. Theo anh giải thích thì cái tên Sopheak có từ khi anh lấy vợ người Campuchia, do phải làm chứng minh thư nên bắt buộc phải đổi tên.
Thủ đô PhnomPenh khá hiện đại nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của xứ sở chùa tháp. |
Anh Sopheak chia sẻ, nghề lái xe túc túc này thu nhập cao nhất là vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm. Đây là thời điểm khách du lịch nước ngoài thường đến Campuchia. Dẫu vất vả nhưng mỗi ngày, sau khi trừ các chi phí đổ xăng, ăn uống thì anh cũng tích lũy được khoảng 30 usd. Anh Sopheak cho biết thêm, người Việt Nam sang Campuchia làm ăn thì chủ yếu là mưu sinh bằng nghề buôn bán, xây dựng, chạy xe túc túc. Riêng với những người Việt hành nghề chạy xe túc túc, mọi người rất đoàn kết và sẵn sàng giúp đỡ nhau khi có việc cần.
Ở PhnomPenh, xe túc túc có mặt ở khắp mọi con phố. |
Trên đường về, anh Sopheak tự hào “khoe” với chúng tôi: Sau 12 năm dầm mưa dãi nắng, chịu khó dành dụm, đến nay anh đã mua được nhà và ô tô để làm thêm nghề cho thuê xe tự lái. Trước đây còn khó khăn nên ít về quê nhưng giờ cứ mỗi năm một lần, anh lại tự lái ô tô để chở vợ con về Trà Vinh để thăm người thân và bạn bè. Bạn bè cùng nghề với anh sang đây phần lớn đều có cuộc sống ổn định như vây.
Một trong những con phố chính ở PhnomPenh. |
Được gặp du khách người Việt, được nói với nhau bằng tiếng Việt trên đất nước chùa Tháp, với anh Sopheak là món quà tinh thần quý giá giúp anh vợi bớt nỗi nhớ quê hương. Chính bởi vậy, anh là người lái xe túc túc rong ruổi cùng chúng tôi trong suốt hành trình khám phá các địa danh văn hóa, lịch sử cách mạng của Campuchia trong suốt những ngày chúng tôi ở đây.
Thế Công