(Tổ Quốc) - Kinh hoàng, phẫn nộ và xót thương là những cảm xúc đắng chát đọng lại trong mỗi người khi đến tham quan Bảo tàng chứng tích Diệt chủng Toul Sleng, Cánh đồng chết Choeung Ek ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Từng được mệnh danh là “Hòn ngọc châu Á” vào thập niên 1920, Phnom Penh ngày nay không chỉ hấp dẫn du khách bởi là một thành phố trung tâm kinh tế, văn hóa hiện đại mà còn là sức hút của sự cổ kính, tráng lệ của các công trình kiến trúc Pháp và Khmer đặc sắc.
14 ngôi mộ của 14 người Campuchia vô tội được tìm thấy cuối cùng ở Nhà tù Toul sleng khi quân giải phóng ập vào. |
Tuy nhiên, cũng ngay giữa lòng Thủ đô Phnom Penh, có một “địa ngục trần gian” từng được Khmer Đỏ dựng lên để thực thi chính sách man rợ nhất, đó là Nhà tù Tuol sleng, Cánh đồng chết Choeung Ek. Không chỉ người dân Campuchia mà nhiều lượt khách quốc tế cũng tìm đến đây để tận mắt chứng kiến nơi lưu giữ tội ác của chế độ diệt chủng Pol pot, Khmer Đỏ. Với bản thân, đây cũng chính là Tuor Du lịch "kinh dị" nhất mà tôi từng trải nghiệm.
Nhà tù Tuol sleng - Bảo tàng tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ
Kinh hoàng, phẫn nộ và xót thương là những cảm xúc đắng chát đọng lại trong mỗi người khi đến tham quan Bảo tàng chứng tích Diệt chủng Toul Sleng ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Gần 40 năm đã trôi qua, cuộc chiến tranh chống lại chính quyền của Pol Pot đã dần lui về quá khứ, nhưng với mỗi người dân Campuchia vẫn còn đó những bằng chứng "ghê rợn" của Khmer Đỏ như để nhắc nhớ người đời sau về một thời đen tối, lầm than và kinh hoàng của dân tộc này.
Sau khi có một người nhảy từ tầng 3 xuống tự tử, quân Khmer Đỏ đã cho giăng lưới thép gai ở khu nhà C Nhà tù Toul sleng. |
"Toul Sleng" là một nhà tù tàn ác nhất, ghi dấu tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ. Trước năm 1975, Toul Sleng từng là một trường trung học. Khi quân Khmer Đỏ của Pol Pot lên nắm quyền, tháng 5/1976, chúng biến nơi đây thành nhà tù và được thiết kế đặc biệt để dành cho việc tra hỏi và tiêu diệt các phần tử "phản bội".
Một trong những chứng tích về sự tra tấn độc ác của quân Khmer Đỏ còn lại tại Nhà tù Toul sleng |
Sau khi đất nước chùa Tháp được giải phóng, nhà tù Toul Sleng trở thành Bảo tàng Diệt chủng Toul Sleng. Nơi đây đang lưu giữ rất nhiều tài liệu, hàng ngàn bức ảnh các nạn nhân, rất nhiều trong số đó vẫn đang được trưng bày cũng như các hiện vật được tìm thấy sau khi quân Khmer Đỏ bị khống chế vào tháng 01/1979.
Đây là những dụng cụ dùng để tra tấn những nhân sỹ, trí thức của Campuchia để buộc họ phải nhận tội. |
Ngay khi bước vào Bảo tàng Toul sleng, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi nhìn thấy đó là ngôi mộ của 14 người cuối cùng chết tại Nhà tù này. Theo chúng tôi được biết, rất nhiều người người vô tội ở Campuchia đã bị bắt giam vô cớ vào nhà tù này và buộc phải nhận những tội mà họ lần đầu tiên nghe thấy. Và sau khi trở thành người có tội thì những người tù ở đây bị tra tấn vô cùng tàn bạo, có khi kéo dài hàng tháng trời cho tới lúc họ chịu “thú tội” hoặc chết vì kiệt sức và bệnh tật. Sau đó, phần lớn tù nhân được chuyển về Cánh đồng chết bằng xe tải, đó cũng là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời họ.
Rất đông khách du lịch đến Nhà tù Toul sleng để được tận mắt chứng kiến về một thời đen tối, lầm than của nhân dân Campuchia. |
Hiện nay, Bảo tàng chứng tích nạn diệt chủng Toul Seng hàng ngày đón khoảng hàng trăm du khách từ khắp nơi trên thế giới đến chứng kiến tàn tích và những tội ác của chế độ Khmer Đỏ và tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử đẫm máu của Campuchia. Là một trong những du khách quốc tế đang tham quan tại Bảo tàng Toul sleng thời điểm chúng tôi đến, anh Thomas (Quốc tịch Anh) chia sẻ: "Tôi đã từng được nghe câu chuyện về chế độ diệt chủng Pol Pot thông qua các kênh truyền hình, sách báo. Nhưng, chỉ khi được tận mắt nhìn thấy những chứng tích còn lại ở Nhà tù Toul sleng mới thấy được sự tàn độc kinh hoàng của chế độ này."
Danh sách và hồ sơ những người đã chết tại Toul sleng vẫn được lưu giữ cho đến ngày hôm nay. |
Những câu chuyện ở Nhà tù Toul sleng hay Cánh đồng chết Choeung Ek được dịch sang 14 thứ tiếng (trong đó có tiếng Việt) và thu vào máy ghi âm để phục vụ các du khách khi đến các điểm tham quan này. Khi vào các điểm tham quan, du khách được trang bị thêm một tai nghe mang theo người với mục đích không tạo ra sự ồn ào. Đó cũng là cách mà người dân Campuchia muốn bạn bè thế giới chia sẻ, thấu cảm với nỗi đau của dân tộc họ khi đứng trước những dấu tích lịch sử này.
Cánh đồng chết - Nơi lưu giữ tội ác kinh hoàng
Cánh đồng chết Choeung Ek ban đầu chỉ là một vườn cây ăn trái, nhưng sau đó, nó được Pol Pot dùng làm nơi thảm sát tập thể người Campuchia. Dù đã được đưa vào làm du lịch nhưng bất cứ ai đi sâu vào Cánh đồng chết đều có cảm giác nghẹt thở, rùng mình khi tận mắt chứng kiến vô số hố chôn tập thể nhuốm màu tử khí.
Những hố chôn tập thể tại Cánh đồng chết Choeung Ek. Khi được tìm thấy, có những hố chôn mà ở dưới đó có đến 300 xác người dân vô tội. |
Nằm cách thủ đô Phnompenh chừng 15km, Cánh đồng chết Choeung Ek là điểm đến thu hút khách du lịch đông nhất tại Campuchia. Đây là nơi mang đến cho du khách cái nhìn chân thực và xót xa nhất về những điều kinh hoàng xảy ra trên đất nước Campuchia trong thời kỳ cai trị của Pol pot.
Cây "giết người", nơi quân Khmer Đỏ cầm chân trẻ em và đập đầu vào thân cây để giết. Bên cạnh cây giết người là “Mộ 100 trẻ sơ sinh và mẹ”. |
Theo thống kê, chỉ riêng ở Cánh đồng chết Choeung Ek, Khmer Đỏ đã sát hại trên 20.000 người dân vô tội. Bước qua những điểm dừng như “Mộ 100 trẻ sơ sinh và mẹ”, “Mộ nhiều xác nhất với 450 xác”, “Mộ 166 người không đầu”, “Mộ 87 người mất tay, chân”, trong chúng tôi ai cũng cảm thấy một nỗi đau thương vô hạn.
Vào mùa mưa, những khúc xương hay mảnh vải quần áo của các nạn nhân xấu số vẫn trồi lên mặt đất khiến du khách đến đây dễ dàng trông thấy. |
Thời điểm này ở Campuchia đang là mùa mưa, chính vì vậy mà khách du lịch khi đến Cánh đồng chết còn có thể trông thấy cả những khúc xương, mảnh vải trồi lên từ mặt đất. Ở trung tâm cánh đồng chết, có một Đài tưởng niệm các nạn nhân xấu số, bên trong lưu giữ khoảng 8.000 hộp sọ.
Sau khi được đưa đến Cánh đồng chết bằng xe tải, các nạn nhân bị tra tấn dã man trước khi chết. |
Rất nhiều trong số đó còn nguyên những vết tra tấn độc ác bằng dao, rìu và khúc cây. Đây là phương pháp giết người tàn độc mà Pol Pot áp dụng chỉ để tiết kiệm đạn, không muốn tốn quá nhiều chi phí cho việc tàn sát. Đối với trẻ em, cách giết hại vô cùng dã man là dùng tay nhấc bổng người các em và đập vào thân cây cho đến chết.
Ở ngay trung tâm Cánh đồng chết là một ngôi tháp lưu giữ hàng ngàn chiếc sọ của những người Campuchia bị giết bởi quân Khmer Đỏ. |
Kinh khủng hơn, để những tiếng la hét của người vô tội không bị lọt ra ngoài, quân Khmer Đỏ đã treo những chiếc loa có phát các bài hát lên thân các cây lớn. Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện về tội ác diệt chủng của Pol Pot khiến hàng triệu người vô tội đã chết oan uổng...
Khi vào Nhà tù Toul sleng hay Cánh đồng chết Choeung Ek, khách du lịch có thể nghe câu chuyện lịch sử về những nơi này qua máy phiên dịch, mức giá phải trả để thuê chiếc máy này là 3USD. |
Từ đau thương, đất nước Campuchia đã hồi sinh mạnh mẽ với những bước phát triển vượt bậc. Nhưng Bảo tàng diệt chủng Toul Seng, Cánh đồng chết Choeung Ek- chứng tích đau thương một thủa này vẫn luôn nhắc nhớ người dân Campuchia, và cả nhân loại rằng: Không để xảy một thảm cảnh diệt chủng như chế độ Khmer Đỏ trên bất kỳ nơi nào nữa trên trái đất này!.
Thế Công