• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khám phá vùng đất sơn mài qua cách tiếp cận của thế hệ họa sĩ đương đại

Văn hoá 02/08/2023 21:07

(Tổ Quốc) - Ngày 2/8, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Dạo bước qua vùng đất của sơn mài" do The muse artspace tổ chức.

Triển lãm"Dạo bước qua vùng đất của sơn mài" được tổ chức nhằm giúp công chúng tìm hiểu thêm về sơn mài một cách nhẹ nhàng, như đang thư thả đi bộ, vừa thưởng thức, vừa đủ thời gian để nhận thấy nhiều cách tiếp cận nghệ thuật sơn mài trên con đường phát triển chung của nó.

Khám phá vùng đất sơn mài qua cách tiếp cận của thế hệ họa sĩ đương đại - Ảnh 1.

Không gian lễ khai mạc

Chia sẻ về triển lãm, giám tuyển Vân Vi cho biết: "Sơn ta đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam, nhưng chỉ kể từ khi có trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1925, các họa sĩ mới bắt đầu đưa chất liệu này từ mỹ nghệ vào sáng tác. Các thế hệ đầu tiên của mỹ thuật sơn mài Đông Dương có thể kể đến họa sĩ Nguyễn Gia Trí, các thế hệ sau như Lê Quốc Lộc, Hoàng Tích Trù, Phạm Hậu, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… đều là những bậc tài danh trong nghệ thuật sơn mài.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là thế hệ thứ tư của sơn mài đang thực hiện những điều gì? Và cái đang tiếp diễn có thể sẽ đóng vai trò như thế nào? Chúng tôi không mong sẽ trả lời được câu hỏi ấy, mà muốn đặt câu hỏi thành một vấn đề qua việc trưng bày tranh của các "môn phái" sơn mài miền Bắc".

Triển lãm đã trưng bày gần 30 tác phẩm của 10 họa sĩ tên tuổi trong lĩnh vực sơn mài: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My. Mỗi họa sĩ đều có cách tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, mang đến trải nghiệm thú vị cho công chúng yêu hội họa.

Khám phá vùng đất sơn mài qua cách tiếp cận của thế hệ họa sĩ đương đại - Ảnh 1.

Tác phẩm Đêm tĩnh của tác giả Triệu Khắc Tiến

Nhận định về các họa sĩ, giám tuyển Vân Vi chia sẻ: "Những nghệ sĩ này đều đang khai phá sơn mài theo cách riêng của bản thân mình. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, thậm chí hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hay bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt, làm chủ hay hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hay là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp…".

Chính vì thế, khi đến tham quan triển lãm, công chúng có thể thấy sự từng trải với sơn mài của họa sĩ Lý Trực Sơn hay Triệu Khắc Tiến. Những tác phẩm của họ cho thấy kỹ thuật sơn mài linh hoạt bậc thầy. Họa sĩ Triệu Khắc Tiến tâm sự: "Khi tôi tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài Nhật Bản và chứng kiến một hệ thống sơn mài được trình bày bài bản về mặt kỹ thuật, cách người Nhật bảo tồn, phát triển học thuật trên lĩnh vực sơn mài qua các thời kỳ lịch sử. Tôi đã mong muốn chuẩn hóa các kỹ thuật sơn ta, nhằm tăng độ bền và mở rộng biên độ chất liệu".

Bên cạnh đó, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cũng bày tỏ: "Tôi làm sơn mài theo lối người ta làm tượng Phật cổ. Lối này có các tiêu chí rõ ràng như khối phải đầy, mầu phải no, đạt đến độ "đẹp vàng son, ngon mật mỡ" mới chịu thôi. Sơn ta kiểu cũ thì lâu khô nhưng cho hiệu quả trong như nước. Nhưng cuối cùng thì nên hiểu rằng sơn mài là lối vẽ, chứ không phải là vật liệu, vật liệu thì không nói lên điều gì cả".

Khám phá vùng đất sơn mài qua cách tiếp cận của thế hệ họa sĩ đương đại - Ảnh 2.

Tác phẩm Chuếnh choáng của Nguyễn Thị Thúy Nguyệt

Trong triển lãm lần này còn trưng bày tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quang Trung, người đã 4 lần là thủ khoa trong các kỳ thi vào thi ra của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Như thường lệ, ông mang tới tác phẩm trừu tượng, điều ông đã theo đuổi nhiều năm trên cả chất liệu sơn mài lẫn sơn dầu.

Cùng với thầy của mình là Triệu Khắc Tiến, hai họa sĩ Vũ Văn Tịch và Nguyễn Thị Thúy Nguyệt đã mở rộng thêm sự linh hoạt của sơn ta, thử nghiệm liên tục các kỹ thuật tạo chất mới. Bức Chuếnh choáng của nữ họa sĩ cho thấy một không gian hiện đại. Tác phẩm có sự kết hợp của sơn mài và trang trí, từ đó cả phục trang và không gian của những người phụ nữ hiện đại hiện ra một cách yểu điệu, nhiều chi tiết đến say mê.

Khám phá vùng đất sơn mài qua cách tiếp cận của thế hệ họa sĩ đương đại - Ảnh 4.

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng đến tham quan.

Một họa sĩ trẻ khác, Nguyễn Xuân Lục, người rất thạo kỹ thuật khảm trai, luôn tìm cách kể một câu chuyện sơn mài mới hơn về cả chất liệu và đề tài. Trong tác phẩm Trầm tích, công chúng có thể thấy con đường trừu tượng của anh được trải qua những mảng sáng tối uyển chuyển. Ở đó, mỗi mảng màu đều như đang tiếp tục chuyển động để hòa tiếp vào vùng màu lân cận.

Không chỉ trưng bày các tác phẩm sơn mài tiêu biểu của nghệ sĩ, trong khuôn khổ triển lãm, còn có các hoạt động tìm hiểu, chia sẻ về nghệ thuật sơn mài qua các buổi art tour dưới sự hướng dẫn của giám tuyển Vân Vi và nhà nghiên cứu nghệ thuật Trần Thu Huyền.

Triển lãm sẽ diễn ra đến hết ngày 8/8/2023 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ