(Tổ Quốc) - Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc đã khép lại với những thành công rực rỡ. Thông qua Liên hoan, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các văn nghệ sỹ cùng chung tay tạo nên những liều vắc - xin tinh thần để cùng nhân dân cả nước vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
- 06.11.2021 Khai mạc "Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2021"
- 04.11.2021 Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2021 diễn ra tại Hải Phòng
- 06.05.2018 Nhà hát Kịch Việt Nam “thắng lớn” tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018
- 26.04.2018 Bế mạc Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018
- 14.04.2018 Tín hiệu lạc quan từ “Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018”
Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc đã khép lại với những thành công rực rỡ. Các giải thưởng được trao xứng đáng với chất lượng. Sân khấu đang có nhiều thay đổi, đang có nhiều cái mới về nội dung và hình thức. Đề tài được phản ánh trong Liên hoan rất phong phú, mới mẻ và nhiều giá trị.
Khán giả của Liên hoan đã được xem "Đường chân trời" của Kịch Hải Phòng nói về người phụ nữ trong xã hội hôm nay, xã hội hiện đại với những trăn trở kiếm tìm hạnh phúc. Cũng nói về chiến tranh nhưng "Thiên định" của Hải Dương phản ánh sự sám hối của người lính đối phương trước sự tàn bạo đến phi lý của người Mỹ đối với người dân Việt Nam. "Hố đen" của Nhà hát kịch Quân đội đề cập đến xã hội thời hậu chiến con người dễ bị lôi cuốn, bị hút vào những lối sống tiêu cực giống như vũ trụ bị hút vào hố đen. "Thiên mệnh" (Nhà hát kịch Việt Nam) là một vở diễn tốt cả về hình thức và nội dung là một lý giải mới về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ với những người em của mình sẵn sàng làm tất cả cho cho cơ nghiệp nhà Trần. Vở "Điều còn lại" của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng là vở về đề tài chiến tranh nhưng với nhiều tình huống cho phép khám phá đời sống nội tâm của nhân vật. Một vở kịch đạt tới sự thanh lọc về cảm xúc bi kịch. Với 2 vở "Ngược chiều gió" và "Cái ao làng" Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến Liên hoan sự trẻ trung trong cách nhìn cuộc sống hiện đại, phản ứng của "Ngược chiều gió" không chấp nhận lối sống giả dối thì "Cái ao làng" lại đặt gia vấn đề lấp hay không lấp cái ao mà dưới lòng ao chứa nhiều rác rưởi.
Nhà hát Kịch Hà Nội đến với Liên hoan bằng tiếng nói ẩn dụ với thủ pháp giả định "Làng song sinh" có chủ đề rất triết lý. Trong con người ta đều có kẻ giấu mặt song đôi với chúng ta. Tính bi hài trong vở kịch không chỉ mang lại giải trí cho người xem mà còn buộc họ phải suy nghĩ đến những lẫn lộn của ta giữa giả và thực, tốt và xấu, thiện và ác vv… Về mảng đề tài mang tính thời sự chống tham nhũng, tiêu cực có "Vầng sáng" của Nhà hát ca múa Kịch Lam Sơn. "Trái tim thành phố" của Nhà hát CAND. Hai vở này có thể nói đến việc sân khấu lên tiếng chống lại cái ác, cái xấu của một bộ phận người đương thời.
Mảng kịch lịch sử có một số tìm tòi thú vị như "Làm vua" (Sân khấu Lệ Ngọc) được thể hiện rất gần với phong cách kịch cổ điển châu Âu qua độc thoại của nhân vật Vua và Hoàng hậu.
Văn học cũng được sân khấu hóa thành công trong "Chí Phéo – Thị Nở" nhân vật điển hình của nhà văn Nam Cao có cuộc sống thực, trở thành hình tượng nghệ thuật sân khấu. Phải nói tới "Hoạn thư ghen" một tác phẩm kịch thơ được sáng tác từ truyện Kiều của Nguyễn Du
Với mảng đề tài "nóng" chống tham nhũng tiêu cực, sân khấu Kịch nói đã thẳng thắn nói lên những khó khăn của người được giao thực thi nhiệm vụ như cán bộ thanh tra, công an hình sự… những tình huống được nêu lên chuyển tải được thông điệp về cuộc đấu tranh muôn vàn khó khăn vì nó liên quan đến quan hệ vợ chồng, bạn bè, ân oán… " Tình bạn và công lý" của sân khấu Phú Thọ là một vở diễn như vậy. Nếu nhà viết kịch được coi là tác giả kịch bản văn học thì người đạo diễn được coi là tác giả vở diễn, anh ta là người lý giải kịch bản, bằng tài năng sáng tạo của mình người đạo diễn dùng nhiều phương tiện kỹ thuật và nghệ thuật của mình làm thăng hoa kịch bản văn học, bằng sáng tạo của mình người đạo diện nâng các nhân vật lên thành hình tượng sân khấu. Trong liên hoan Kịch nói toàn quốc lần này, bên cạnh những thành công về đạo diễn như Lê Quý Dương trong "Làm vua"; NSND Lê Hùng trong "Con đò của mẹ", "Thiên định"; NSƯT Đỗ Kỷ đạo diễn vở "Thiên Mệnh"… còn có một số tác phẩm được các đạo diễn trẻ thể hiện rất thành công như NSƯT Kiều Minh Hiếu trong vở "Điều còn lại", NSND Trung Hiếu trong vở "Làng song sinh" đều có tìm tòi và xử lý nhuần nhuyễn, hấp dẫn ….
Từ góc nhìn đạo diễn đã thấy sự kế thừa những tinh hoa của thế hệ tiền bối, thế hệ đi trước. Những cái mới thường xuất hiện từ các đạo diễn trẻ, tác giả trẻ được đào tạo bài bản từ ngôi trường nghệ thuật. Một trong những yếu tố làm nên thành công về mặt nghệ thuật trình diễn trong liên hoan lần này, là nghệ thuật đạo diễn.
NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan cho biết: "Hội đồng nhận thấy có hai dòng chủ lưu của công tác đạo diễn là: Đạo diễn theo phong cách tạo hình, hoành tráng với khuynh hướng đập vào thị giác (cách dàn dựng của đạo diễn sân khấu như NSND Lê Hùng, NSND Trung Hiếu, Lê Quý Dương, NSND Trần Ngọc Giàu … và một dòng khác theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng khắc họa nội tâm như NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Sỹ Tiến... Âm nhạc là một thành phần không thể thiếu trong tác phẩm trình diễn kịch nói – âm nhạc xuất hiện khi tiếng nói không lên tiếng được, không tả nổi được – trên sân khấu có nhiều khoảnh khắc phải cần đến âm nhạc. Các đoàn nghệ thuật đều đánh giá vai trò của âm nhạc, không thể thiếu trong vở diễn. Cần thiết có cả nhạc không lời (khí nhạc) lẫn thanh nhạc (ca khúc).
Trong liên hoan, nhiều đoàn, nhà hát đã đầu tư xứng đáng cho âm nhạc sân khấu. Nhiều vở diễn coi việc có nhạc, cần nhạc như hơi thở, giúp cho vở có cảm xúc, đồng hành cùng nhân vật trong các sự kiện.
Một khía cạnh khác của âm nhạc là sử dụng nhạc dân gian một cách khéo léo, tạo được không gian đặc trưng vùng miền, khắc họa được tính cách nhân vật vai diễn (dân ca Bắc bộ, Ca Huế, ca Trù, Bài Chòi, Hát Bội … ).
Việc sử dụng các nhạc khí rất có hiệu quả, tuy nhiên từ góc nhìn hiện nay vẫn thấy đôi điều cần nói lên trong xử lý âm nhạc sân khấu: Đó là việc sử dụng nhạc nước ngoài không phù hợp với nội dung vở diễn, vi phạm bản quyền, dùng nhạc như một thứ ngôn ngữ diễn tả không thống nhất, không có chủ đề rõ nét, chẳng hạn như dùng nhạc phim dùng cho sân khấu, hoàn toàn không phù hợp với chủ đề, ý tưởng của nhân vật. Việc sử dụng nhạc chưa đúng với bối cảnh lịch sử của vở diễn ví dụ đàn đáy, xuất hiện từ thế kỷ 18 lại được sử dụng vào thời kỳ nhà Đinh trước đó.
Là nghệ thuật không gian và thời gian, sân khấu trình diễn cần có một không gian hợp lý để người diễn viên tiếp cận với công chúng khán giả và cũng để khán giả hiểu được câu chuyện kịch diễn ra ở đâu. Các vở diễn kịch nói trong liên hoàn lần này được thể hiện rất đẹp, hợp lý và mới về chất liệu, về ánh sáng, về hình khối hội họa, tạo hình.
Cuối cùng là vấn đề nghệ thuật diễn xuất của người diễn viên trong liên hoan toàn quốc lần này. NSND Trần Minh Ngọc nhận định: "Chúng ta đã có một đội ngũ diễn viên trẻ, giàu nhiệt huyết, trong sáng tạo các hình tượng nhân vật mà hội đồng rất quan tâm nhận xét, thẩm định và đánh giá các diễn viên trong các vai thứ, vai phụ, tuy nhỏ nhưng được nối liền mạch những nhận thức, những cảm xúc mà vở diễn tạo được với khán giả như NSƯT Bích Ngọc trong vai Sương, Quỳnh Châu trong hình tượng Dương Văn Nga (lúc trẻ), Huy Hoàng trong vai Thái Giám (Sân khấu Lệ Ngọc), Đoàn Xuân Bích trong nhân vật Tào (Nhà hát Quân đội), Khuất Quỳnh Hoa trong Trần Thị Dung (Nhà hát kịch Việt Nam) và bà Dung trong vai Được (Nhà hát kịch Việt Nam) Thiện Tùng trong vai Quả (Nhà hát kịch Hà Nội), Chí Nhân trong vai Henriviê (Nhà hát kịch Hà Nội) Ngọc Dương trong Trạo, Trần Văn Tuấn trong vai Ngọc (Kịch CAND).
Đặc biệt liên hoan lần này đã xây dựng được hình tượng nhân vật phụ nữ trên sân khấu. Đó là Ngọc – trong "Đường chân trời" kịch Hải Phòng, Dương Vân Nga (Sân khấu thử nghiệm - Hội NSSK Việt Nam), Thị Nở (Sân khấu Lệ Ngọc), Mẹ Muộn (NSƯT Bùi Phương Nga), Thắm (Đào Mai Thanh – CAND).
Liên hoan đã kết thúc để lại trong lòng khán giả một dư âm lạc quan, tin tưởng vào hoạt động của giới sân khấu một cách tích cực hiệu quả trong thời gian và không gian chúng ta vừa kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch Việt Nam. Thành công của Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 cho thấy lòng yêu sân khấu của những người làm Sân khấu vẫn còn cháy bỏng, nghệ sĩ sân khấu vẫn yêu thánh đường của mình đó là sàn diễn./.