(Tổ Quốc) - Khi trẻ em bị xâm hại tình dục, chính đứa trẻ và những người làm cha, mẹ là người phải hứng chịu những tổn thương nặng nề.
- 12.03.2017 Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ vụ dâm ô trẻ em ở Bà Rịa - Vũng Tàu
- 13.03.2017 Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xác minh vụ xâm hại trẻ em ở quận Hoàng Mai
- 14.03.2017 Những quy tắc “vàng” giúp trẻ tránh bị xâm hại tình dục
- 16.03.2017 Học sinh lớp 1 nghi bị xâm hại tình dục, Sở GD-ĐT vào cuộc
- 17.03.2017 Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu điều tra, làm rõ thông tin Chủ tịch Bắc Ninh bị đe dọa
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trung bình mỗi năm có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong đó, số trẻ bị hiếp dâm chiếm đến 65% và số trẻ bị xâm hại tình dục chiếm tới 28%... Đây cũng chưa phải con số đầy đủ.
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ấu dâm, xâm hại trẻ em tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Vũng Tàu… bị tố giác gây bức xúc dư luận và cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng .
Trong buổi tọa đàm vừa được tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Xâm hại tình dục trẻ em - im lặng hay lên tiếng”, diễn ra tại Hà Nội tuần qua, có chuyên gia tâm lý chia sẻ câu chuyện về những người làm cha, mẹ đi tìm sự công bằng cho con mình như chị H (Hà Nội). Trong suốt 2 năm qua, chị đã đi đến không biết bao nhiêu cơ quan, tổ chức xã hội để đòi lại công bằng cho con gái khi đau đớn nghe con gái kể lại rành rọt về người đàn ông hàng xóm đã đụng vào chỗ kín như thế nào, bắt cháu quan hệ ra sao. Chị H cho biết, dù đã thu thập đầy đủ chứng cứ, cầu cứu khắp nơi, nhưng vụ việc của con gái chị vẫn chưa được giải quyết, thậm chí, đến giờ người đàn ông ấy còn quay lại đe dọa gia đình chị.
Hay như anh N.V.T (Hà Nội), có con gái 3 tuổi từng bị xâm hại tình dục đã bật khóc nức nở khi nhắc lại câu chuyện đau lòng xảy ra với con gái anh vào 2 năm trước. Anh T. kể, khi đó con anh mới 3 tuổi, bé sang nhà hàng xóm chơi và đã bị một ông hàng xóm dụ dỗ, dở trò dâm ô. Khi phát hiện ra sự việc, anh T. đã sang nhà hàng xóm đối chất, ban đầu ông ta chối cãi hành vi đồi bại của mình nhưng sau đó cũng thú nhận tất cả.
Anh T. đã yêu cầu người hàng xóm viết giấy cam đoan không tái phạm, nhưng ông ta lại không tỏ thái độ hối cải. Quá bức xúc, anh đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Ngay sau đó, con gái anh được đưa đi giám định pháp y và được bác sỹ khẳng định, con gái anh có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, bộ phận sinh dục bị trầy xước. Đến cuối năm 2016, anh nhận được thông tin của cơ quan công an về việc khởi tố đối với kẻ xâm hại con gái mình, nhưng đến nay vụ việc này đã rơi vào im lặng. Bản thân anh T. cũng đã đi gõ cửa khắp nơi để cầu cứu nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín.
Im lặng hay lên tiếng?
TS Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng, chúng ta vẫn có những rào cản lớn khiến những ông bố mà mẹ không dám lên tiếng. Nền văn hóa của chúng ta đòi hỏi người con gái phải còn trinh tiết khi kết hôn, nhưng lại im lặng khi các bé gái bị xâm hại tình dục. Nạn nhân và gia đình im lặng bởi họ sợ rằng nếu nói ra, con cái họ sẽ bị mất tương lai, bị đàm tiếu, thậm chí, nhiều gia đình còn phải chuyển đi nơi khác sinh sống. Cũng chính từ tâm lý đó mà nhiều gia đình chọn phương án hòa giải. “Với các vụ việc nghiêm trọng, hòa giải không những không giải quyết được vấn đề mà còn vi phạm pháp luật”.
Còn theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (chuyên gia về Luật dân sự) cho biết, cha mẹ hãy lên tiếng để không chỉ bảo vệ người thân mà còn bảo vệ cả cộng đồng và xã hội. Chúng ta đã có qui định rõ ràng về các quyền nhân thân, quyền bất khả xâm phạm đến người khác… nhưng nhiều người, nhiều gia đình còn ngần ngại và chưa dám lên tiếng về vấn đề này. Điều đó đã khiến vấn đề ngày càng chìm xuống, rơi vào im lặng và các tội phạm vẫn không bị trừng trị theo pháp luật.
Trong khi đó, luật sư Lê Văn Luân (người tham gia bào chữa cho cháu bé 8 tuổi bị xâm hại tình dục ở quận Hoàng Mai- Hà Nội) chia sẻ, tại các nước phát triển trên thế giới, chỉ cần có sự gạ gẫm như: cho xem phim sex, động chạm bộ phận sinh dục người khác mà không được phép đã là phạm tội. Còn ở Việt Nam, nhiều vụ án, các cơ quan điều tra yêu cầu phải có chứng cứ xác thực trên người nạn nhân. Theo luật sư, điều này là vô lý vì trong nhiều trường hợp, đối tượng sờ soạng hay vụ việc diễn ra đã lâu, bố mẹ mới phát hiện thì làm sao có chứng cứ…
Sự im lặng từ bản thân những nạn nhân, gia đình, cộng đồng một phần do e ngại, tế nhị và khó nói đã làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khỏe của trẻ, thậm trí ảnh hưởng đến tương lai và gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội. Sự xâm hại sẽ tiếp tục diễn ra như một vòng tròn khi nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em không được tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ để hạn chế tâm lý tiêu cực./.
Tuấn Bình