• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khoác lên tranh dân gian một "diện mạo mới"

Văn hoá 21/06/2024 15:14

(Tổ Quốc) - Tranh dân gian vốn gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam. Nhưng cuộc sống có nhiều đổi thay, nhu cầu trang trí không gian sống cũng khác trước, khiến nhiều dòng tranh dân gian đứng trước nguy cơ mai một. Vậy phải làm thế nào để những dòng tranh dân gian được "hồi sinh" trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đó cũng chính là những trăn trở của các nghệ sĩ.

Sáng tạo trên chất liệu truyền thống

Theo Chủ tịch Latoa Indochine Phạm Ngọc Long chia sẻ: Lật giở từng trang lịch sử văn hóa ta sẽ bắt gặp những dấu ấn vàng son của hội họa dân gian Việt Nam, các dòng tranh dân gian được người dân yêu thích mua về trang trí mỗi dịp lễ tết. Thế nhưng, hiện nay, nhu cầu trang trí không gian sống bây giờ khác trước nhiều, không mấy người còn sử dụng tranh dân gian để treo trong nhà. Vì vậy, muốn tranh dân gian được bảo tồn, được sống trong môi trường hiện đại thì phải làm sao cho tranh đẹp hơn, quý hơn, có tính ứng dụng cao hơn…

Khoác lên tranh dân gian một "diện mạo mới"  - Ảnh 1.

Những bức tranh dân gian được chuyển thể lên chất liệu sơn mài khắc

"Qua đó, chúng tôi nghĩ mình cần phải tìm hướng lan tỏa và phát triển các giá trị ấy phù hợp hơn với đương đại. Đến năm 2022, chúng tôi đã quyết định hình thành nhóm Latoa Indochine, Latoa ở đây viết tắt nghĩa là "lan tỏa". Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm nhiều giải pháp, chúng tôi đã quyết định chuyển thể tranh dân gian lên chất liệu sơn mài khắc, tức kết hợp sáng tạo hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc, nhằm giúp tranh dân gian trở nên hiện đại, sang trọng, thích ứng cao với các kiểu không gian kiến trúc khác nhau" – ông Phạm Ngọc Long nói.

Từ đó, mỗi tác phẩm tranh được các nghệ sĩ phác thảo, dùng công nghệ khắc lõm từng chi tiết để tạo các nét đen như tranh truyền thống. Tiếp đó dùng sơn then, cánh gián để mài lên màu, rồi thếp vàng, thếp bạc, mỗi màu là một lớp, sau mỗi lớp là một lần mài. Tuy đây là một cách làm mới nhưng mỗi tác phẩm ra đời đều không làm mất đi giá trị và vẻ đẹp truyền thống của dân tộc mà còn làm cho tranh dân gian thêm phong phú, lộng lẫy hơn.

Khoác lên tranh dân gian một "diện mạo mới"  - Ảnh 2.

Tranh Đồng Dao

Sau hơn 2 năm theo đuổi và phát triển, các nghệ sĩ Latoa Indochine đã cho ra đời hàng trăm các tác phẩm dựa trên các mẫu tranh dân gian. Phần lớn được sáng tác dựa trên những đề tài quen thuộc của các dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng như các bức tranh: "Thần Kê", "Đám cưới chuột", "Cá chép ngắm trăng", "Ngũ hổ"...

Ngoài các bức tranh lấy cảm hứng từ tranh dân gian, còn có một số bức tranh khác như: "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" và "Hương Vân Đại Đầu Đà" lấy cảm hứng từ Phật giáo và bức tranh chân dung danh nhân Nguyễn Trãi… cũng cho thấy sự dày công và tâm huyết của các nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, với mong muốn đưa tranh dân gian Việt Nam đến gần hơn với công chúng và bạn bè quốc tế, các nghệ sĩ đã tham gia rất nhiều sự kiện trong nước và quốc tế như: Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2022, Festival Huế 2022, tham gia Ngày Việt Nam tại Nhật Bản, Ngày Việt Nam tại Pháp 2023 cùng nhiều triển lãm tại Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Khoác lên tranh dân gian một "diện mạo mới"  - Ảnh 3.

Các em nhỏ tham gia trải nghiệm vẽ màu tranh dân gian tại workshop Họa màu - Dân gian

Đặc biệt, trong năm 2024, nhóm họa sĩ đã và đang thực hiện dự án Họa màu - Dân gian, ở đó, công chúng sẽ được trải nghiệm họa màu các dòng tranh dân gian nổi tiếng trên chất liệu giấy siêu bền có thể giặt, là, chống nấm mốc, chống xé rách và tự huỷ, thân thiện với môi trường. Điều này giúp mỗi người, đặc biệt thế hệ trẻ có thể tiếp cận gần hơn với dòng tranh dân gian Việt Nam, qua đó, nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn hình ảnh và giá trị nghệ thuật dân gian của dân tộc. Đồng thời, cũng góp phần vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ quá trình sản xuất và sử dụng.

"Điều rất mừng là không riêng gì tại Việt Nam mà tất cả những nơi chúng tôi đưa tranh dân gian Việt Nam tới, đều được công chúng yêu thích và đón nhận, đặc biệt là giới trẻ - đó là điều làm cho chúng tôi rất vui mừng và càng tự hào hơn về công việc mình đang làm' – ông Phạm Ngọc Long bày tỏ.

Ứng dụng vào thiết kế hiện đại

Cũng làm sống dậy dòng tranh dân gian của Việt Nam nhưng nhà thiết kế Trịnh Thu Trang (Đại học Kiến trúc) lại theo đuổi việc làm mới dòng tranh dân gian Hàng Trống thông qua mỹ thuật ứng dụng.

Khoác lên tranh dân gian một "diện mạo mới"  - Ảnh 4.

Các sản phẩm ứng dụng với họa tiết từ tranh Hàng Trống

Theo nhà thiết kế Trịnh Thu Trang chia sẻ: "Trong quá trình nghiên cứu về các dòng tranh dân gian, tôi càng bị choáng ngợp bởi sự sáng tạo của ông cha ta ngày xưa. Đặc biệt, dòng tranh Hàng Trống mang trong mình nhiều ý nghĩa và giá trị về tinh thần cũng như thẩm mỹ của người dân Việt Nam và đến nay những giá trị ấy vẫn còn nguyên vẹn trong cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, với sự thay đổi rất nhanh của cuộc sống, công nghệ, nhiều giá trị truyền thống, trong đó có tranh Hàng Trống đang bị thay thế và rơi vào quên lãng hoặc chỉ còn được trưng bày như hiện vật của một thời đã qua. Sẽ rất đáng tiếc nếu những giá trị ấy bị bỏ quên.

Qua đó, tôi nhận thấy, việc biến đổi, sáng tạo nguyên liệu dân gian để tạo nên sản phẩm mới mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực cho cuộc sống hiện đại là vô cùng cần thiết. Từ đó, tôi cùng với các cộng sự của mình đã thành lập nhóm S River với mục đích bảo tồn, quảng bá, khai thác và phát triển các dòng tranh dân gian Việt Nam và tranh Hàng Trống là dòng tranh đầu tiên chúng tôi thực hiện".

Khoác lên tranh dân gian một "diện mạo mới"  - Ảnh 5.

Sản phẩm lụa có hoa văn từ tranh Hàng Trống

Tuy nhiên, cách làm của nhà thiết kế Trịnh Thu Trang không cố gắng bê nguyên tranh dân gian đặt vào thực tại, không cố níu kéo những điều thuộc về lịch sử mà chắt lọc những họa tiết, chi tiết riêng biệt của dân gian trong tranh Hàng Trống có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, vào công việc hiện tại của những người thiết kế đồ họa, những nhà thiết kế thời trang, nội thất hay giới nghệ thuật khác. Qua đó, đã giúp cho những giá trị dân gian xưa "sống lại", ở bất cứ đâu trong đời sống đều có thể dễ dàng bắt gặp. Đến nay, nhóm đã cho ra đời nhiều sản phẩm ứng dụng in họa tiết tranh Hàng Trống như vải, khăn lụa, quần áo, túi xách, giày, bưu thiếp, vỏ gối…

Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang chia sẻ: "Trong từng sản phẩm, chúng tôi lựa chọn một vài chi tiết, họa tiết, hình ảnh, bảng màu ưng ý từ một hoặc vài ba bức tranh rồi sáng tạo, tưởng tượng, sắp xếp, phối trộn chúng trở thành giá trị thẩm mỹ mới, đặt trong bối cảnh mới, mang sứ mệnh mới và có khả năng ứng dụng vào đời sống. Song tôi khẳng định, tất cả những sản phẩm mới mà chúng tôi sáng tạo ra đều có nguồn gốc từ tranh dân gian Hàng Trống".

Khoác lên tranh dân gian một "diện mạo mới"  - Ảnh 6.

Phân tích màu sắc và hoạt tiết của các bức tranh Hàng Trống trong “Họa Sắc Việt”

Không dừng lại ở đó, nhận thấy ngành Thiết kế đang thiếu nguyên liệu truyền thống mang bản sắc Việt Nam nên nhà thiết kế Trịnh Thu Trang đã đúc kết ý tưởng, hiểu biết của mình đã cho ra đời cuốn sách chuyên về nghiên cứu, ứng dụng họa tiết và màu sắc dân gian Việt Nam trong thiết kế với tên gọi "Họa sắc Việt". Đến nay, các mẫu họa tiết, bảng màu từ tranh dân gian Hàng Trống đã bắt đầu được ứng dụng rộng rãi, tạo ra xu hướng mới trong ngành Thiết kế Việt Nam...

"Từ việc số hóa những họa tiết, bảng màu tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống, tôi hy vọng đó là một kho tàng tư liệu văn hóa đồ sộ, quý giá để những người trẻ có thể bắt đầu sáng tạo những dự án cá nhân của mình liên quan đến mỹ thuật dân gian" – nhà thiết kế Trịnh Thu Trang nói./.

Đánh giá cao cách làm của các nghệ sĩ, TS. Lư Thị Thanh Lê - Giảng viên Bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: Trong những năm qua, chúng ta bàn luận rất nhiều đến vấn đề văn hóa truyền thống của dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một khi công chúng, đặc biệt giới trẻ ngày càng xa rời và quên lãng. Vậy nên, khi các nghệ sĩ quay trở lại nghiên cứu, sáng tạo và phát triển những văn hóa truyền thống của dân tộc như: Sơn mài, tranh Hàng Trống, lụa,… đã góp phần tạo ra một bản sắc và cá tính rất mới cho giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại, khiến cho công chúng, đặc biệt giới trẻ dễ dàng tiếp cận hơn. Điều này không chỉ giúp cho văn hóa của dân tộc được sống dậy mà còn góp phần duy trì những nghề truyền thống đang bị mai một, qua đó tạo điều kiện cho kinh tế của địa phương cũng như đất nước phát triển.


Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ