• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Truyền cảm hứng nghệ thuật qua các không gian văn hóa sáng tạo

Văn hoá 19/06/2024 15:31

(Tổ Quốc) - Trong những năm gần đây, rất nhiều các hoạt động nghệ thuật đã được thực hiện tại các không gian văn hóa sáng tạo. Với nhiều mục đích khác nhau, các hoạt động nghệ thuật này đã giúp cho công chúng nhận thấy được giá trị của nghệ thuật cũng như có được nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong đời sống.

Đa dạng các hoạt động nghệ thuật

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết: Việt Nam có khoảng gần 200 không gian văn hóa sáng tạo như: phố đi bộ Hồ Gươm, phố bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Ơ kìa Hà Nội, Hanoi Grapevine, Six Space, Vụn Art;… cùng với hệ thống các bảo tàng, viện nghệ thuật, trung tâm văn hóa. Tất cả đã tạo nên một bức tranh nghệ thuật đa dạng.

Qua đó, các không gian văn hóa sáng tạo hiện nay đang đóng vai trò như một nền tảng giáo dục và truyền cảm hứng về văn hóa nghệ thuật năng động, cởi mở và dễ tiếp cận đối với nhiều thành phần trong xã hội: từ trẻ em, người lớn, người thuộc các nhóm khuyết tật... Các hoạt động có tính giáo dục và truyền cảm hứng nghệ thuật ở các không gian này bao gồm các triển lãm, workshop, chương trình tập huấn và tập huấn nâng cao, hoạt động kết nối mạng lưới,... với nhiều chủ đề khác nhau. Từ đó, đã giúp cho công chúng nhận thấy được giá trị nghệ thuật, tăng cao nhu cầu thẩm mỹ, thưởng thức và sáng tạo văn hóa nghệ thuật nhiều hơn trong đời sống.

Truyền cảm hứng nghệ thuật qua các không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 1.

Không gian phố bích họa Phùng Hưng được nhiều người dân trong và ngoài nước yêu thích

PGS.TS Bùi Hoài Sơn dẫn chứng, VICAS Art Studio là một trong những không gian nghệ thuật đầu tiên trong cả nước do Nhà nước quản lý thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, có chức năng nghiên cứu, hỗ trợ, phát triển các sáng tạo và thử nghiệm về nghệ thuật đương đại; kết nối trao đổi nghệ thuật trong nước và nước ngoài. Tại không gian sáng tạo này tổ chức trưng bày nghệ thuật theo các chủ đề khác nhau như: Mãi yêu, Vòng xoáy của sự im lặng, Rác xuân, Qua miền Tây Bắc, Hư hư thực thực… mang ý nghĩa xã hội, giúp xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, kết nối nghệ sĩ với thị trường cũng như giới thiệu văn hóa nghệ thuật Việt Nam đến với khán giả.

Hay không gian văn hóa sáng tạo phố bích họa Phùng Hưng ra mắt đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình của người dân trong và ngoài nước. Điều đáng nói, khu vực vỉa hè phố Phùng Hưng vốn là chợ xe máy cũ, tập kết phế thải nên việc biến khu vực này thành một không gian nghệ thuật công cộng có ý nghĩa trong việc tạo ra một môi trường văn hóa cho người dân. Những tác phẩm đa dạng về chất liệu và cách thức sáng tạo, giàu tính tương tác, gợi mở cho công chúng về một Hà Nội 36 phố phường đã chạm tới ký ức của cộng đồng.

Truyền cảm hứng nghệ thuật qua các không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 2.

Không gian văn hóa sáng tạo Tổ hợp Complex 01

Bên cạnh những hoạt động nghệ thuật tại các không gian văn hóa sáng tạo của Nhà nước thì chúng ta có thể kể đến các hoạt động nghệ thuật tại không gian văn hóa sáng tạo của nhóm tư nhân, nổi bật như: Không gian văn hóa sáng tạo Tổ hợp Complex 01, nơi đây được coi là không gian sinh hoạt văn hóa của cộng đồng khi được nhiều nghệ sĩ lựa chọn làm nơi thực hiện các hoạt động nghệ thuật. Ở đây, có thể tổ chức sân khấu âm nhạc quy tụ hàng trăm nghệ sĩ, cũng có thể "biến hình" thành hội chợ sách, hội chợ bày bán đồ thủ công, trao đổi đồ cũ, ra mắt sản phẩm, máy móc công cụ..., hoặc trở thành địa điểm kết nối các hoạt động văn hóa xã hội như talkshow về bình đẳng giới; workshop vẽ tranh, cắm hoa, làm mặt nạ giấy, vẽ túi, nặn tò he, in tranh Đông Hồ… Thường xuyên hơn cả là các hoạt động chiếu phim, âm nhạc, trình diễn thời trang, triển lãm… Qua đó, cũng đã phần nào thể hiện được vai trò phát triển giáo dục và truyền cảm hứng nghệ thuật của mình đối với công chúng.

"Qua các hoạt động nghệ thuật tại không gian văn hóa sáng tạo, cả người lớn và trẻ em đều được quan sát, cảm nhận, đắm mình trong trí tưởng tượng, thưởng thức, sáng tạo mà không bị bó hẹp bởi những lớp học, bức tường của các gallery, các bảo tàng, phòng trưng bày… Ở đó, công chúng thấy được những giá trị của nghệ thuật và cũng có cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật. Các hoạt động này cũng góp phần lưu giữ và truyền bá các giá trị văn hóa truyền thống, từ âm nhạc, múa, đến hội họa và thủ công mỹ nghệ. Điều này giúp các thế hệ trẻ hiểu và trân trọng di sản văn hóa dân tộc" – PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, ngắn hạn

Dù nhiều hoạt động nghệ thuật ra đời và được thực hiện nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng cao nhận thức nghệ thuật dành cho công chúng thông qua không gian văn hóa sáng tạo không phải là dễ dàng vì các hoạt động diễn ra vẫn còn nhỏ lẻ, ngắn hạn, phát triển không bền vững.

Truyền cảm hứng nghệ thuật qua các không gian văn hóa sáng tạo - Ảnh 3.

Tổ chức workshop dành cho trẻ em tại Tổ hợp Complex 01

Lý giải về điều này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, do hiện nay các không gian văn hóa sáng tạo không có nhiều nguồn lực, chủ yếu là các hoạt động quy mô nhỏ, thời gian ngắn, phụ thuộc vào tài trợ của các dự án hoặc đóng góp của nghệ sĩ, cộng đồng và chuyên gia, vì thế nên nhiều hoạt động có tính giáo dục và truyền cảm hứng nghệ thuật không được dài hạn, không bền vững và không tiếp cận được số lượng người hưởng lợi lớn. Hạn chế này cũng khiến cho nhiều hoạt động chưa đạt được chất lượng như mong đợi. Tuy nhiên, bù lại, ở các không gian văn hóa sáng tạo, các hoạt động có tính giáo dục và truyền cảm hứng nghệ thuật có sự đa dạng và phong phú, nội dung mới mẻ hơn so với nhiều thiết chế truyền thống.

Qua đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, để nâng cao được chất lượng hoạt động có tính giáo dục và truyền cảm hứng nghệ thuật thông qua không gian văn hóa sáng tạo, Nhà nước nên hình thành khung pháp lý rõ ràng, thuận lợi hơn cho sự phát triển của các không gian văn hóa sáng tạo. Cần có các chương trình hỗ trợ cho các không gian có thêm nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng để thực hiện các dự án/hoạt động phi lợi nhuận này. Cần có cơ chế phối hợp công – tư trong tổ chức các chương trình ở quy mô lớn hơn do Nhà nước chủ trì để khai thác năng lực sáng tạo, tư duy tiến bộ của các không gian này.

Đặc biệt, nguồn nhân lực luôn là nhân tố quan trọng để thực hiện thành công bất kỳ dự án hay hoạt động nào. Vì vậy, cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của nghệ sĩ, những người làm công tác quản lý trong lĩnh vực thẩm duyệt các tác phẩm nghệ thuật, dự án nghệ thuật tại không gian văn hóa sáng tạo.

Về phía các nghệ sĩ, trong giáo dục và truyền cảm hứng nghệ thuật đối với công chúng, các nghệ sĩ vừa đóng vai trò một nghệ sĩ sáng tác, vừa đóng vai trò là người thực hành. Chính vì vậy, nghệ sĩ tham gia các hoạt động cần chú trọng hơn vào hiệu quả/tác động của các hoạt động nghệ thuật đó đối với công chúng để tạo ra có các hoạt động có trách nhiệm, có chất lượng tốt hơn./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ